ClockThứ Năm, 17/09/2020 06:30

Thương mại hóa kết quả nghiên cứu

TTH - Phát triển Đại học (ĐH) Huế trở thành ĐH Quốc gia theo định hướng nghiên cứu, ĐH Huế đang không ngừng thúc đẩy lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đồng thời thương mại hóa các kết quả nghiên cứu.

Đưa các nghiên cứu khoa học công nghệ trở thành sản phẩm thương mại

Ứng dụng nghiên cứu khoa học sản xuất Biochar từ rác thải hữu cơ tại Trường ĐH Nông Lâm

Tiềm năng thương mại hóa

Đến thời điểm hiện tại, Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo ĐH Huế đang quản lý hơn 100 sản phẩm khoa học và công nghệ (KHCN) của ĐH Huế, trong đó nhiều sản phẩm KHCN có khả năng thương mại và phát triển thành doanh nghiệp KHCN. “Những sản phẩm nổi bật có thể kể đến như: Sản phẩm HU-GANTOMIX (sản phẩm làm thức ăn bổ sung trong nuôi trồng thủy sản); chế phẩm BioFAT - chất bổ dưỡng trong chăn nuôi; sản phẩm giống nấm vân chi dược liệu…  Những sản phẩm KHCN có khả năng thương mại hóa đa phần là những công trình nghiên cứu của các bộ, giảng viên. Đáng nói, có không ít sản phẩm nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên gắn với sân chơi khởi nghiệp để thương mại hóa”, TS. Hoàng Kim Toản, Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo ĐH Huế thông tin.

Những năm gần đây, ĐH Huế tập trung xây dựng nguồn lực phát triển KHCN, tạo sản phẩm có tính ứng dụng cao, phục vụ phát triển xã hội. Đại diện ĐH Huế cho biết, trong giai đoạn 2015 – 2020, các sản phẩm nghiên cứu đã được chuyển giao hoặc có tiềm năng chuyển giao, thương mại hóa, đăng ký sở hữu trí tuệ (SHTT) có chuyển biến tích cực, trong đó có 11 sản phẩm được đăng ký quyền SHTT, 9 sản phẩm được chuyển giao, thương mại hóa…

Trưng bày sản phẩm từ các nghiên cứu của cán bộ, giảng viên Trường ĐH Nông Lâm

Theo TS. Nguyễn Thị Kim Cúc, Trưởng phòng Khoa học, Đào tạo và Hợp tác Quốc tế - Viện Công nghệ Sinh học ĐH Huế, cùng với những đề tài nghiên cứu các cấp, một số cán bộ, nhà khoa học của viện cũng đã có các nghiên cứu liên quan đến giống cây trồng và đã thực hiện chuyển giao. Dự kiến cuối năm 2020, các nghiên cứu thuộc chương trình Công nghệ sinh học của Bộ Giáo dục và Đạo tạo giao cho Viện sẽ có các sản phẩm có tiềm năng thương mại hóa.

Điều đáng mừng là khi thương mại hóa, không ít sản phẩm từ các công trình nghiên cứu được thị trường đón nhận với nhiều tín hiệu tích cực. Theo đại diệnTrường ĐH Nông Lâm, ĐH Huế, từ năm 2016 đến nay, nhiều sản phẩm, hướng nghiên cứu về công nghệ thực phẩm và bảo quản sau thu hoạch do các nhà khoa học tại trường nghiên cứu đã thương mại hóa và được thị trường đón nhận, tìm mua. Đầu ra không chỉ ở thị trường nhỏ lẻ, một số sản phẩm như măng muối chua hay tinh bột nghệ… cũng đã được chuyển giao chuyển giao công nghệ cho các công ty, đơn vị, doanh nghiệp.

Tăng nguồn thu từ nghiên cứu khoa học

Tại trường ĐH, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học không kém phần quan trọng so với nhiệm vụ đào tạo. ĐH Huế đang nỗ lực xây dựng và phát triển thành ĐH Quốc gia theo định hướng nghiên cứu. Vì thế, thúc đẩy lĩnh vực nghiên cứu khoa học có vai trò quan trọng. Nhìn từ thực tế, nguồn thu từ hoạt động KHCN trong giai đoạn vừa qua mới chỉ chiếm 5 – 10% tổng nguồn thu của ĐH Huế. Điều này đòi hỏi, ĐH Huế cần tiếp tục có những giải pháp thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, tìm nguồn thu từ KHCN.

Thực ra, tình hình thương mại hóa kết quả nghiên cứu từ các trường ĐH ở Việt Nam còn thiếu hiệu quả là điểm chung. Theo nhiều chuyên gia trong nước, đội ngũ giảng viên vẫn có thói quen nghiên cứu để công bố mà chưa lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp, nhu cầu thị trường. Ở cấp trường, công nghệ dừng lại ở phòng thí nghiệm nên rủi ro cao khi triển khai ứng dụng. Về phía ngược lại, các doanh nghiệp mua công nghệ của nước ngoài vì tâm lý sính ngoại và còn thiếu niềm tin vào kết quả nghiên cứu của các trường. Có một số lỗ hổng cần phải lấp đầy trong thương mại hóa kết quả nghiên cứu, trong đó có lỗ hổng thương mại hoá (cơ chế định giá và hợp tác chuyển giao); và lỗ hổng thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (vấn đề SHTT và truyền thông).

Theo đại diện Ban Khoa học Công nghệ và Quan hệ Quốc tế ĐH Huế, những vấn đề liên quan đến KHCN được ĐH Huế nghiên cứu kỹ và cũng đặt ra không ít giải pháp. Trong đó, cùng với chính sách khen thưởng cho các nhà khoa học nhất là những tác giả có bài báo có chỉ số trích dẫn cao có sức tác động và hiệu quả thì ĐH Huế cũng có những cơ chế ưu tiên, hỗ trợ cho các công trình nghiên cứu có sản phẩm chuyển giao, thương mại hóa. “ĐH Huế đang hoàn thiện cơ chế quản lý KHCN theo hướng coi trọng quản lý dựa trên sản phẩm đầu ra; tinh giản thủ tục, tăng cường năng lực điều phối; phân công phân cấp hợp lý, đồng thời đổi mới cơ chế tài chính trên cơ sở hiệu quả thực hiện, thực hiện khoán chi đến sản phẩm KHCN cuối cùng. Đồng thời, ĐH Huế cũng đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, tăng cường thực hiện SHTT và chuyển giao công nghệ, gắn nghiên cứu với hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo”, đại diện lãnh đạo ĐH Huế thông tin.

Theo TS. Hoàng Kim Toản, ĐH Huế đặt mục tiêu để tập thể cố gắng, trong đó, giai đoạn 2020 - 2025 phấn đấu mỗi năm có 20 - 25 công nghệ/sản phẩm KHCN được chuyển giao/thương mại có nguồn thu. Sau đó, giai đoạn 2025 - 2030 mỗi năm có 35 - 40 có công nghệ/sản phẩm KHCN được chuyển giao/thương mại có nguồn thu. Bên cạnh đó, ĐH Huế cũng nỗ lực để sớm thành lập được Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển KHCN ĐH Huế (HU-Holdings).

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phản ứng của thị trường thế giới trước kết quả bầu cử Mỹ

Sau khi ông Donald Trump tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, thị trường chứng khoán Mỹ ngày 6/11 đã có phiên tăng điểm vô cùng mạnh mẽ. Thông tin trên cũng đã ngay lập tức có những tác động đáng kể tới tỉ giá đồng USD cũng như các mặt hàng khác như dầu và vàng.

Phản ứng của thị trường thế giới trước kết quả bầu cử Mỹ
Tăng hiệu quả chăm sóc và điều trị trong lĩnh vực Nhi khoa

Ngày 1/11, hội nghị Nhi khoa toàn quốc lần thứ 25 khai mạc với chủ đề “Từ khoa học đến chính sách và thực tiễn”. Hội nghị có sự tham dự của UVTV Tỉnh ủy, Phó chủ tịch Thường trực UBND Tỉnh Nguyễn Thanh Bình; ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Bà mẹ Trẻ em, Bộ Y tế; PGS.TS. Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, Chủ tịch hội Nhi khoa Việt Nam; PGS.TS Trần Kiêm Hảo, Giám đốc sở y tế cùng hàng trăm bác sĩ, chuyên gia trong ngoài nước, nhà quản lý, hội viên Hội Nhi khoa Việt Nam…

Tăng hiệu quả chăm sóc và điều trị trong lĩnh vực Nhi khoa

TIN MỚI

Return to top