Nhà văn Lê Vũ Trường Giang thay mặt Hội nhà văn tặng sách cho Thư viện Trường PTCS Lộc An
Nhà văn trẻ Lê Vũ Trường Giang thay mặt HNV, trao 2 thùng sách nặng cho cô giáo phụ trách thư viện và bắt đầu câu chuyện không phải là văn chương mà mời tất cả học sinh cùng anh… tập thể dục! Chỉ trong 1-2 phút, nhà văn trẻ tựa như một anh phụ trách Đoàn-Đội, khuấy động cả trăm học sinh khối lớp 9 đứng lên - ngồi xuống theo tiếng hô “bầu trời của ta” - “mặt đất của ta”, rồi chơi trò “tập trung tư tưởng”, luyện mắt… Mấy động tác khởi động chỉ là cái cớ để anh nhắc các em trước hết phải lo rèn luyện giữ sức khỏe mới học tốt được.
Nhà thơ Đông Hà dạy xong tiết ngữ văn ở Trường THPT chuyên Quốc Học, mới cùng một cựu học sinh chuyên văn Quốc Học Huế về Lộc An. Mặc dù “chưa kịp thở”, cô lên diễn đàn với nụ cười tươi tắn. Thầy Ngô Công Tấn trong vai “MC” hỏi:
- Em nào biết tên một nhà thơ ở Trường Quốc Học Huế?
- Dạ thưa, đó là nhà thơ Đông Hà nổi tiếng…
Một nữ học sinh cuối hội trường rụt rè dong tay đáp vậy. Đông Hà cảm ơn em đã phong tặng cô hai chữ “nổi tiếng” và tỏ ý muốn nghe một vài bài thơ tuổi học trò.
Cô giáo thú nhận rất ít thuộc thơ của mình, nhưng chiếc điện thoại thông minh đã giúp cô tìm được bài thơ thích hợp; bài thơ tình trong trẻo mà Đông Hà viết khi đang học lớp 11 được các em nồng nhiệt tán thưởng…
Trong tốp nhà văn về giao lưu với TLA, Nguyễn Khắc Phê là người “ăn theo” cho… vui. Nói vậy, vì gần đây, do tuổi cao sức yếu, tôi đã từ chối hầu hết lời mời dự trại sáng tác và các sinh hoạt có tính cộng đồng của HNV, nhưng lại tự nguyện “ghi tên” đi TLA. Vì tôi muốn được “sống lại” những năm tháng sôi nổi trên vùng đất này, khi tôi đã mấy lần về tổ chức trại sáng tác cho thiếu nhi ở Cảnh Dương, Túy Vân, hồi hộp đưa cả mấy chục em nhỏ vượt phá Tam Giang… Hẳn là vì theo lễ “kính lão…”, tôi được thầy Ngô Công Tấn mời lên giao lưu đầu tiên. Biết bao điều muốn tâm sự với lớp học sinh trước ngưỡng cửa trường phổ thông, nhưng tôi nói theo “đơn đặt hàng” của Lê Vũ Trường Giang khi lên xe: “Chú nói làm sao cho các em thích đọc sách…”.
Phải! Đây cũng là một vấn đề thật đáng quan tâm khi thanh thiếu nhi hễ có thì giờ rỗi là dán mắt vô màn hình điện thoại. Vậy nên trước hết, tôi lưu ý các em, dù sau này muốn thành bác sĩ, kỹ sư hay bất cứ nghề gì không dính đến văn chương thì bây giờ cũng phải chú trọng học môn văn; chưa bàn đến môn văn tác động đến việc hình thành nhân cách, tâm hồn, chỉ riêng cái đơn xin việc làm viết chữ đẹp, ngôn ngữ trong sáng đã dễ được tuyển chọn…
Điều thứ hai, tôi muốn các em hiểu rõ giá trị khác biệt giữa những thứ đọc được khi lướt mạng và những gì sách mang lại. Những thứ trên mạng đọc buổi sáng, đến chiều đã bị lớp khác che lấp và hầu như tất cả sẽ không để lại dấu vết. (Tất nhiên ở đây không nói đến mặt trái là nếu “nghiền” các tin giật gân trên mạng - những chuyện giết và hiếp…- thì chúng sẽ tạo thành vết hằn rất xấu trong trí não non trẻ của các em). Nhưng sách thì khác, nhiều trang sách cũ vẫn “mới”, nó lưu giữ những giá trị - nếu ngại nói là vĩnh cữu, thì cũng rất lâu dài. Như “Kiều” của Nguyễn Du, hay truyện ngắn Nam Cao mà các em đã biết. Để “làm chứng” thêm, tôi chọn 4 cuốn sách cũ đã in từ nhiều năm trước tặng TLA, trong đó có những tấm gương vẫn sáng đến hôm nay.
Khi tôi đưa cuốn “Lê Văn Miến, người họa sĩ đầu tiên, người thầy đầu tiên” do Nhà Xuất bản Thuận Hóa in năm 1995, tức là 24 năm trước, và hỏi một học sinh, rồi một thầy giáo - cả hai, đều không biết Lê Văn Miến là ai! Tuy vậy, nghe tôi giới thiệu cụ Lê Văn Miến là người đã dạy Nguyễn Tất Thành tại Trường Quốc Học từ hơn trăm năm trước, là họa sĩ Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp tại Paris, không màng danh lợi, về nước truyền dạy kiến thức và đạo làm người tử tế cho bao thế hệ… thì tất cả “ồ” lên thích thú.
Tôi mong đợi sẽ có nhiều hoạt động tương tự như buổi tặng sách và giao lưu với các thanh thiếu nhi, học sinh mà HNV và TLA vừa tổ chức…
Nguyễn Khắc Phê