ClockThứ Năm, 13/06/2019 16:19

Ứng dụng công nghệ thông tin cho công tác hiến máu nhân đạo

TTH - Xuất phát từ những trăn trở trong hoạt động hiến máu cứu người, nhóm sinh viên Đại học (ĐH) Huế đã tìm tòi và sáng tạo dự án “Save Blood - kết nối và lưu trữ thông tin ngân hàng máu sống”.

Tôn vinh hơn 220 tập thể, cá nhân có thành tích về hiến máu tình nguyện154 cán bộ, chiến sỹ công an hiến máu tình nguyện100 người tham gia ngày hội hiến máu tình nguyện đợt 6 tại Phong Điền

Thành viên nhóm Save Blood trao đổi hướng phát triển dự án đang thực hiện

Lợi ích nhiều bên

Khác với những dự án khởi nghiệp cùng tranh tài trong cuộc thi Ý tưởng kinh doanh - Business Ideas 2019 tại Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP. Hồ Chí Minh, dự án Save Blood khiến ban giám khảo bất ngờ và đánh giá cao từ mục đích và ý nghĩa nhân văn. “Chứng kiến một ca cần máu “không đợi kịp” người cho máu, em và nhiều người tham gia trong công tác tình nguyện vận động hiến máu luôn day dứt làm sao để giúp người cần máu nhanh nhất”, Nguyễn Hoàng Nhật Quang (sinh viên Trường ĐH Kinh tế), đại diện nhóm thực hiện dự án, nói.

Hơn 1 năm trăn trở, dự án Save Blood ra đời với bản chất là phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin có nhiệm vụ kết nối các cá nhân, tổ chức hoạt động liên quan tới ngân hàng máu sống. Save Blood lưu trữ thông tin của những người đã hiến máu, đồng thời cung cấp thông tin cho các trường hợp cần máu. Việc sử dụng bản đồ máu sống online giúp điều phối viên xác định được số lượng người hiến máu có nhóm máu cần thiết ở vị trí gần nhất thông qua ứng dụng trên điện thoại smartphone trong trường hợp khẩn cấp.

Theo Lê Thị Sương, thành viên nhóm Save Blood, dự án này mang lại lợi ích cho nhiều bên. Với người cần máu, phần mềm giải quyết bài toán tìm người cho máu đáp ứng được các tiêu chí cần thiết (nhóm máu cần hỗ trợ, khu vực cần máu, thời gian nhận máu) trong thời gian chưa đến 15 phút. Save Blood chủ động tìm kiếm trong ngân hàng máu sẵn có để hỗ trợ bệnh nhân kịp thời. Ngoài ra, còn tránh được vấn đề “cò máu” và rò rỉ thông tin người bệnh nhờ quy trình tìm kiếm bảo mật và dễ dàng sử dụng. Save Blood tách biệt quy trình lấy máu để người nhà và người hiến không gặp nhau tránh tình trạng cảm ơn, “bồi dưỡng”, giảm thiểu áp lực kinh tế cho người nhà bệnh nhân.

Dự án cũng mang lại tiện lợi cho người điều phối ngân hàng máu sống trên toàn quốc. Mỗi đơn vị sẽ được Save Blood cấp các tài khoản điều phối, có quyền truy cập vào ngân hàng máu sống, bản đồ ngân hàng máu sống, xem thông tin và có quyền gửi thông báo, liên lạc và hướng dẫn người hiến máu. Sau khi nhận được thông tin cần máu của người bệnh nhân, điều phối viên chủ động xác nhận lại thông tin với người nhà bệnh nhân, bệnh viện đang điều trị và gửi thông báo đến người hiến máu tình nguyện (HMTN) tìm kiếm sự giúp đỡ. Điều phối viên có thể truy cập danh sách những người HMTN khẩn cấp (thông tin cá nhân, ngày hiến gần nhất, số điện thoại, nhóm máu, thông tin sức khỏe) để đảm bảo người hiến đủ điều kiện giúp đỡ bệnh nhân.

Theo Nhật Quang, ngoài hiến máu khẩn cấp, ở mỗi đợt hiến máu tập trung hoặc HMTN ở các điểm lấy máu, Save Blood sẽ lưu trữ (có sự cho phép của người hiến), phân tích, đánh giá, hỗ trợ chế độ ăn uống và đưa ra lời khuyên phù hợp cho từng người HMTN. Ngoài ra, bảng tôn vinh của Save Blood sẽ thống kê số lần HMTN để tôn vinh và tặng quà lưu niệm cho người hiến.

TS. Hoàng Kim Toản, Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo ĐH Huế đánh giá: “Dự án Save Blood đang giải quyết vấn đề lớn của xã hội mang tính nhân văn cao. Đội ngũ thực hiện dự án đến từ nhiều đơn vị khác nhau của ĐH Huế phát huy lĩnh vực đa ngành, đa lĩnh vực, đây là lợi thế cho các dự án khởi nghiệp”.

Phát triển dự án ra toàn quốc

Hiện, nhóm đã kết nối được nhân sự gồm 7 người từ nhiều trường thành viên của ĐH Huế như y dược, khoa học, sư phạm, kinh tế, đáp ứng phụ trách các mảng chuyên về y dược, công nghệ thông tin, marketing và nhân sự làm trong hoạt động vận động HMTN. "Cơ sở gắn kết của tụi em là mỗi người có thế mạnh về một mảng liên quan dự án. Đơn cử như em học công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học, phụ trách mảng IT, em đảm nhận phụ trách phần kỹ thuật và đến nay cơ bản ứng dụng đã hoàn thành”, Trương Quốc Huynh, thành viên nhóm kể.

Sau khi giành quán quân cuộc thi Ý tưởng kinh doanh - Business Ideas 2019, các nhà đầu tư cam kết đầu tư 200 triệu đồng để phát triển dự án. Ngoài ra, nhóm cũng đang kết nối, tìm kiếm các nguồn đầu tư khác để nâng cấp, phát triển hơn nữa khâu kỹ thuật và các vấn đề liên quan, hướng đến thành lập một doanh nghiệp xã hội.

Trước mắt, nhóm đang kết nối với các đơn vị chức năng tại Huế để triển khai thử nghiệm. Thông qua mạng lưới các câu lạc bộ HMTN, các đơn vị vận động hiến máu, các bệnh viện, định hướng đến năm 2021, nhóm sẽ phát triển dự án ra toàn quốc nhằm hỗ trợ nhiều hơn cho những người cần máu. Bên cạnh đó, trong giải pháp kỹ thuật cũng sẽ triển khai cho chạy các quảng cáo liên quan đến y tế, sức khỏe nhằm thu lại nguồn kinh phí tiếp tục phục vụ cho hoạt động xã hội.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo năm 2024

Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tham mưu cấp ủy xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức và các lĩnh vực tuyên giáo năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo năm 2024
Nhiều nguồn lực cho công tác giảm nghèo bền vững

Huy động nhiều nguồn lực thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể ở TX. Hương Trà không ngừng giúp người nghèo cải thiện sinh kế, ổn định cuộc sống.

Nhiều nguồn lực cho công tác giảm nghèo bền vững

TIN MỚI

Return to top