Trang Diễn đàn Kinh tế Thế giới dẫn báo cáo của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) công bố top 10 quốc gia đào tạo tiến sĩ lớn nhất thế giới.
Danh sách các quốc gia có số lượng tiến sĩ tốt nghiệp nhiều nhất thế giới. Nguồn: OECD
Theo đó, xếp thứ nhất là Hoa Kỳ với 67.449 người tốt nghiệp tiến sĩ trong năm 2014, gấp đôi so với đối thủ “sát nách” là Đức với 28.197 người.
Xếp ở vị trí thứ 3 là Vương quốc Anh với 25.020 sinh viên tốt nghiệp tiến sĩ, vượt lên trên Ấn Độ ở vị trí thứ 4 với 24.300 người.
Xếp thứ 5 trong danh sách là Nhật Bản với số sinh viên tốt nghiệp tiến sĩ chỉ bằng 1/4 so với Mỹ (16.039 người).
Ở vị trí thứ 6 và thứ 7 lần lượt là Pháp và Hàn Quốc với 13,729 và 12,931 tiến sĩ. Tây Ban Nha và Ý đứng thứ 8 và thứ 9, có số lượng tiến sĩ tương ứng là 10.889 và 10.678.
Australia đứng ở vị trí thứ 10 với 8.400 tiến sĩ.
OECD lưu ý nếu xét theo tỷ lệ đầu người, những quốc gia dẫn đầu danh sách có thể sẽ rất khác nhau ở vị trí xếp hạng.
Mặc dù không được xếp hạng chính thức trong danh sách này, theo con số thống kê của Việt Nam, thì vào thời điểm năm 2015, chúng ta đã có 24.000 tiến sĩ. Nếu cập nhật đến thời điểm này, có lẽ số tiến sĩ của Việt Nam chỉ đứng sau Mỹ, Đức, Anh!
Thế giới càng ngày càng “bùng nổ” tiến sĩ
Số liệu của OECD cũng cho thấy, số lượng sinh viên tốt nghiệp tiến sĩ đã tăng nhanh trên toàn thế giới trong 2 thập kỷ qua. Đa số sinh viên tốt nghiệp đến từ các nước thành viên OECD.
Theo báo cáo, các nền kinh tế lớn đang nổi đã mở rộng năng lực đào tạo giáo dục đại học bậc cao, điển hình như vị trí cao của Ấn Độ với 24.300 nghiên cứu sinh tiến sĩ.
Nhiều lĩnh vực khoa học ngày càng trở nên phổ biến hơn trong giới học giả. Theo đó, khoảng 40% số tiến sĩ mới được giải thưởng trong OECD thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Tỷ lệ này tăng lên 58% trong tổng số những người mới tốt nghiệp, kể cả tiến sĩ y khoa.
Theo báo cáo, các chương trình đào tạo tiến sĩ chuyên sâu về khoa học tự nhiên và kỹ thuật ở Pháp là 59%, Canada 55% và Trung Quốc 55%.
Báo cáo cũng ghi nhận, số hóa và quốc tế hoá ngày càng gia tăng trong các nghiên cứu, điều này mở ra kỷ nguyên một nền kinh tế tri thức toàn cầu.
Theo VOV