ClockThứ Năm, 03/11/2022 07:00

Xây dựng một trường đại học của Đại học Huế tại Quảng Trị

TTH - Đại học (ĐH) Huế và ngành giáo dục tỉnh Quảng Trị mong muốn có một trường ĐH của ĐH Huế tại tỉnh Quảng Trị, trên cơ sở sáp nhập Trường cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Quảng Trị vào ĐH Huế. Song, để định hướng này thành hiện thực, còn trải qua nhiều quy trình và giải quyết nhiều vấn đề.

Hơn 2.000 học sinh Quảng Trị tìm hiểu thông tin ngành nghề của ĐH HuếĐại học Huế tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp tại Quảng Trị

Người học làm nghiên cứu trong phòng thí nghiệm Phân hiệu đại học Huế tại Quảng Trị

Mong muốn đôi bên

Mới đây (tháng 10/2022), lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Quảng Trị cùng ĐH Huế vừa làm việc để thống nhất việc thành lập một trường ĐH của ĐH Huế trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Theo TS. Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị, chủ trương sáp nhập Trường CĐSP Quảng Trị vào ĐH Huế hoàn toàn khả thi dựa trên những thuận lợi về cơ sở vật chất, đội ngũ đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị, các tỉnh lân cận và nước bạn Lào; tận dụng nguồn lực chung của ĐH Huế trong đào tạo các ngành có nhu cầu cao. Trường ĐH Quảng Trị sẽ là một đơn vị của ĐH Huế, là trường ĐH nhiều cấp học, đa ngành, đa lĩnh vực; phát triển các trung tâm nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, thực hiện các đề án, đề tài phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

Trên thực tế, việc xây dựng, phát triển một trường ĐH của ĐH Huế không phải trên cơ sở thành lập mới, mà là sáp nhập Trường cao đẳng Sư phạm Quảng Trị với Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị, giải quyết những khó khăn cho đôi bên và thực hiện các định hướng phát triển trong thời gian tới, khi ĐH Huế là ĐH Vùng đang vươn mình phát triển thành ĐH Quốc gia theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Trường ĐH Quảng Trị sẽ có lợi thế là một đơn vị của ĐH Huế, có thể sử dụng các nguồn lực dùng chung của ĐH Huế, đồng thời, nhận được sự ủng hộ về cơ chế, chính sách của tỉnh Quảng Trị.

Một lớp học ở Phân hiệu đại học Huế tại Quảng Trị

TS. Phạm Thế Kiên, Giám đốc Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị phân tích, điểm thuận lợi là UBND tỉnh Quảng Trị, ngành giáo dục Quảng Trị, Trường CĐSP Quảng Trị và ĐH Huế đều mong muốn bởi mô hình mới sẽ giải quyết được nhiều vướng mắc, khó khăn hiện nay. Luật Giáo dục (năm 2019) quy định trình độ chuẩn của giáo viên giảng dạy từ bậc tiểu học trở lên phải là cử nhân. Điều này đồng nghĩa, Trường CĐSP chỉ đào tạo giáo viên dạy mầm non. Hiện nay, mỗi năm trường chỉ thu hút khoảng 100 sinh viên, trong khi đội ngũ lớn và cơ sở vật chất nhiều dễ gây ra lãng phí. Bên cạnh đó, Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị vẫn có những khó khăn trong thu hút người học. Mặt khác, ĐH Huế đang mong muốn mở rộng quy mô phát triển, thực hiện vai trò của ĐH Vùng đang phát triển thành ĐH Quốc gia.

PGS. TS. Lê Anh Phương, Giám đốc ĐH Huế khẳng định việc sáp nhập Trường CĐSP Quảng Trị vào ĐH Huế là cần thiết, phù hợp với bối cảnh và các chủ trương của ĐH Huế, chủ trương của tỉnh Quảng Trị trong việc sắp xếp, phát triển mạng lưới các cơ sở đào tạo, nâng cao năng lực đào tạo các trình độ, tạo điều kiện sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị đã được đầu tư. Sau buổi làm việc với Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị, lãnh đạo ĐH Huế đã giao Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị làm đầu mối, làm việc với các đơn vị, chuẩn bị các nội dung liên quan đến việc sáp nhập Trường CĐSP Quảng Trị vào ĐH Huế (Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị), trình Giám đốc ĐH Huế để có cơ sở làm việc với UBND tỉnh Quảng Trị.

Cần giải quyết nhiều vấn đề

Có một trường ĐH của ĐH Huế tại tỉnh Quảng Trị là mong muốn từ hai phía. Song để triển khai thực hiện, chắc chắn cần giải quyết nhiều vấn đề. TS. Phạm Thế Kiên cho biết, hiện Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị đang chuẩn bị các nội dung liên quan đến việc sáp nhập. Quy trình có nhiều bước, nhưng có 2 giai đoạn, đầu tiên là sáp nhập Trường CĐSP Quảng Trị vào Phân hiệu và sau đó là phát triển thành Trường ĐH Quảng Trị thuộc ĐH Huế, đề án sau khi được xây dựng hoàn chỉnh sẽ trình Bộ GD&ĐT xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Thuận lợi nhiều nhưng cũng không ít khó khăn, vướng mắc cần được giải quyết. Trong đó, khó khăn chính là đội ngũ, phương án tài chính để duy trì đội ngũ và chống xuống cấp cho hệ thống cơ sở vật chất hiện có. Định hướng sau khi sáp nhập, sẽ đào tạo hệ cao đẳng đã tuyển sinh để đảm bảo quyền lợi người học, sau đó đồng bộ đào tạo hệ ĐH, mở rộng quy mô tuyển sinh. Song, với đội ngũ của Trường CĐSP Quảng Trị hiện tại, để đáp ứng nhiệm vụ giảng dạy ĐH, giảng viên phải cam kết lộ trình học tiến sĩ theo quy định của ĐH Huế. TS. Kiên phân tích, sẽ có nhiều giải pháp đặt ra theo hướng tỉnh Quảng Trị đảm bảo các chính sách hỗ trợ theo lộ trình 5 năm về tài chính; giáo dục phổ thông; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho nước bạn Lào; ưu tiên thực hiện bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, thực hiện các đề tài, dự án, tham gia phản biện xã hội về các chính sách của địa phương. Ngoài ra, ĐH Huế sẽ nghiên cứu, sáp nhập một số đơn vị của ĐH Huế vào Phân hiệu theo định hướng phát triển chung, đảm bảo các điều kiện về đội ngũ, ngành nghề và quy mô đào tạo, đáp ứng các tiêu chí của một trường ĐH của ĐH Huế. Phương án cụ thể sẽ được ĐH Huế và UBND tỉnh Quảng Trị nghiên cứu, đưa ra trong thời gian tới.

Sau khi sáp nhập hai đơn vị, việc triển khai tích cực tư vấn - quảng bá tuyển sinh phối hợp với các cơ quan, đơn vị hữu quan tại Quảng Trị cần được quan tâm, đồng thời cũng sẽ khảo sát tổng thể nhu cầu thị trường lao động để mở ngành, xây dựng các chương trình đào tạo, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực gắn với sự phát triển của địa phương và các tỉnh lân cận.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ĐẠI HỌC HUẾ HƯỚNG ĐẾN ĐẠI HỌC QUỐC GIA:
Nhiều tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu

Trong tiến trình xây dựng và phát triển, đặc biệt kể từ sau 30 năm tái thành lập, Đại học Huế (ĐHH) đã cơ bản đạt các tiêu chuẩn, tiêu chí để trở thành Đại học Quốc gia theo quy định.

Nhiều tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu

TIN MỚI

Đại học Duy Tân xếp hạng 495 theo Qs ranking 2025
Return to top