Học sinh Trường THPT Hai Bà Trưng tham gia trải nghiệm các hoạt động tại trường. Ảnh: MC
Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp được triển khai thực hiện với 4 loại hình chủ yếu là sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, theo chủ đề và câu lạc bộ. Các hoạt động này do các thầy, cô giáo định hướng, thiết kế và hướng dẫn thực hiện, tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận thực tế, thể hiện cảm xúc tích cực, khai thác những kinh nghiệm đã có và huy động tổng hợp những kiến thức, kỹ năng của các môn học để thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống.
Sau khi hoàn thành chương trình hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, học sinh sẽ có khả năng thích ứng với các điều kiện sống, học tập và làm việc khác nhau; thích ứng với những thay đổi của xã hội hiện đại. Các em có thể tổ chức cuộc sống, công việc và quản lý bản thân, đồng thời có khả năng định hướng và quyết định lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai, có thể xây dựng được kế hoạch rèn luyện bản thân đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp và trở thành người công dân có ích cho gia đình và xã hội.
Đối với hoạt động sinh hoạt dưới cờ thì sau phần nghi lễ chào cờ, hát Quốc ca, tổng kết hoạt động trong tuần qua… Đoàn trường có thể triển khai, tổ chức các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp gắn với chủ đề của tuần, tháng. Điều quan trọng là phải xác định những hoạt động nào sẽ tổ chức dành riêng cho khối lớp 10, hoạt động nào sẽ tổ chức trong phạm vi toàn trường và việc tổ chức thực hiện phải trên tinh thần lấy học sinh làm trung tâm, phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của các em.
Đối với hình thức hoạt động giáo dục theo chủ đề, giáo viên có thể được thực hiện theo các phương thức sau: phương thức khám phá (tổ chức cho học sinh quan sát các hoạt động, quan sát các hình ảnh, tư liệu được sưu tập)…; phương thức thể nghiệm, tương tác (tổ chức cho học sinh tham gia trò chơi, chia sẻ, thảo luận, tranh luận, tọa đàm, hội thi, đóng vai…); phương thức cống hiến (tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nhân đạo, công ích…); phương thức nghiên cứu (tổ chức cho học sinh tham gia các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học…).
Cô giáo Trương Thị Hoài Linh, giáo viên môn công nghệ Trường THPT Bùi Thị Xuân cho rằng: “Việc tham gia giảng dạy hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp không phải chỉ là trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm mà của bất kỳ giáo viên nào đang đứng lớp. Chỉ cần giáo viên cố gắng học hỏi, nghiên cứu, tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng và với tinh thần nghiêm túc thì có thể thực hiện tốt nhiệm vụ”.
Đối với hình thức sinh hoạt lớp, sau khi đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ học tập, rèn luyện của học sinh; những ưu điểm để phát huy, những hạn chế cần khắc phục; phương hướng, nhiệm vụ và những công việc cần triển khai trong tuần tiếp theo, giáo viên chủ nhiệm có thể tổ chức sinh hoạt theo chủ đề. Nội dung sinh hoạt lớp gắn với nội dung sinh hoạt chủ đề hàng tuần, hàng tháng.
Cô giáo Võ Thị Diễm Hằng, giáo viên chủ nhiệm tại Trường THPT Hai Bà Trưng cho rằng: “Để dạy hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trong chương trình dục phổ thông mới đòi hỏi những giáo viên chủ nhiệm phải thực sự nỗ lực, nhiệt tình và tâm huyết mới có thể vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy vừa thực hiện nhiệm vụ giáo dục hiệu quả”.
Theo thầy giáo Nguyễn Ngọc Nghĩa, giáo viên dạy môn hóa tại Trường THPT A Lưới: “Giáo viên chủ nhiệm có vai trò quan trọng trong việc triển khai dạy hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Bên cạnh đó, giáo viên bộ môn, cán bộ quản lý của nhà trường cũng phải chuẩn bị tâm thế luôn sẵn sàng để tổ chức và hỗ trợ dạy hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp để đạt được hiệu quả tốt nhất theo chương trình GDPT mới”.
Nguyễn Thị Hoa Phượng