ClockThứ Sáu, 18/08/2017 14:02

Trẻ thiệt thòi khi trường mầm non ít

TTH - Phụ huynh có quyền cân nhắc, lựa chọn một trường mầm non có chất lượng ngay từ những năm tháng đầu đời. Do hệ thống cơ sở vật chất (CSVC) của bậc học hiện còn thiếu, rất nhiều bé phải học trong hệ thống ngoài công lập hoặc chưa đến trường.

CSVC ở một nhóm trẻ CLC

Tỷ lệ trẻ trong độ tuổi đến trường thấp

Hiện, toàn tỉnh có 206 trường mầm non, hàng năm huy động ra lớp khoảng 12.400 cháu nhà trẻ (30,3%) và trên 51.200 cháu mẫu giáo (88,1%); trong đó, có 11,75% học trường ngoài công lập. Do hạn chế về cơ sở vật chất (CSVC) nên tỷ lệ trẻ mầm non được đến trường hiện rất thấp. Đây cũng là mấu chốt tạo nên sự ra đời của nhiều trường tư thục, điểm trường độc lập có phép và cả nhiều điểm độc lập không phép. Thế nhưng, vẫn còn vài chục ngàn cháu nhà trẻ, hàng ngàn cháu mẫu giáo vẫn chưa được ra lớp do thiếu trường lớp.

Những trẻ học ở trường tư thục, nhóm trẻ độc lập cũng chịu nhiều thiệt thòi khi cha mẹ các em phải nộp nhiều khoản hơn, điều kiện học của các em cũng thấp hơn.

Ở Huế, ngoài hệ thống trường công lập, có khoảng 130 trường tư thục và điểm mầm non độc lập. Các cơ sở này đã đăng ký và cam kết hoạt động theo đúng quy định với phường sở tại. Năm học 2016 - 2017, hệ thống giáo dục mầm non của Huế đón 42,04% cháu nhà trẻ, 90,61% cháu mẫu giáo đến trường; trong đó, công lập đạt 19,09% (nhà trẻ), 62,87% (mẫu giáo), số còn lại nằm trong hệ thống tư thục và nhóm trẻ độc lập có giấy phép hoạt động và cả chưa được cấp phép. Cụ thể, Huế có khoảng 1.200 cháu đang học trong hệ thống “không phép”, con số này không lớn, nhưng vẫn tiềm ẩn những nguy cơ… Phòng GD&ĐT với chức năng là cơ quan tham mưu về công tác tổ chức, chất lượng chuyên môn cũng rất sâu sát trong quá trình vận hành của hệ thống này.

Mức thu trong tầm kiểm soát

Ông Lê Đình Phong, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phú Vang cho biết, hiện các trường tư thục của huyện chủ yếu do tôn giáo mở (đó là các trường Mai Khôi Tân Mỹ (Thuận An), Mai Khôi Hà Thanh (Vinh Thanh), Mai Khôi Hà Úc (Vinh An), Mai Khôi An Bằng (Vinh An), và một số cơ sở khác như Họa Mi, Sao Mai (Phú Thượng), Ngôi Sao (Thuận An), Huế Star 2… là những cơ sở ngoài công lập có uy tín, CSVC tốt. Học phí thu các trường này theo quy định của huyện và tương đương với mức thu của các trường công lập, khoảng 500.000 đến 600.000 đồng/cháu/ tháng, là con số chấp nhận được.

Trong 137 cơ sở tư thục và điểm độc lập của Huế, có khoảng 30 cơ sở có quy mô hoạt động từ 50 trẻ trở lên, 100 cơ sở có phép nhưng quy mô nhỏ hơn, mỗi đơn vị này có từ 15 đến dưới 30 cháu. Các khoản phải nộp khi đưa trẻ đến trường, gồm học phí (thu theo quy định của UBND tỉnh), các khoản tăng cường CSVC theo sự thoả thuận ban đầu giữa phụ huynh và nhà trường; tiền ăn, phụ thu phục vụ và tiền trả lương cô nuôi nếu học bán trú. Tất cả các khoản thu này được số hóa và thông qua ý kiến của phòng GD&ĐT và UBND phường, xã. Hiện nay, mức thu trung bình ở Huế khoảng 750.000 đồng/cháu/tháng. Riêng các cháu học tại các cơ sở tôn giáo như mầm non Bích Trúc, Anh Đào, Sơn Ca, Việt Hương, Ánh Dương, Thiên Hựu mức thu khá thấp so với mặt bằng chung, dao động từ 400.000 đến 600.000 đồng do có làm tốt công tác XHH. Ngoài ra, Huế có một “tuyến” học phí cao, đó các trường hoạt động theo cơ chế chất lượng cao, như Mầm non Âu Lạc, Huế Star, Thảo Nguyên xanh… mức thu dao động từ 1,5 đến 2,5 triệu đồng/cháu/tháng.

Về chất lượng bữa ăn, nhằm bảo đảm dinh dưỡng cho trẻ theo độ tuổi, Phòng GD&ĐT Huế có “áp giá” ở tất cả các trường tạo sự tương đồng nhất định về bữa ăn chính, chỉ khác nhau ở bữa ăn phụ. Tiền ăn vì thế dao động từ 20.000 đến 35.000 đồng/cháu/ngày tùy theo cơ sở, nhưng tất cả đều phải xây dựng thực đơn bảo đảm cháu được cung cấp đủ chất dinh dưỡng theo độ tuổi. Như vậy, sự chênh lệch học phí từ 400.000 đến 2,5 triệu đồng tháng/cháu chủ yếu phụ thuộc vào “thương hiệu” và hạ tầng về CSVC, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho trẻ.

Khi nói về bình đẳng hưởng thụ giáo dục cho trẻ ở bậc học đầu đời, nhiều nhà quản lý cho rằng đã đến lúc Nhà nước cần đầu tư tập trung cho bậc học này. Trước tiên là quyền được đến trường bình đẳng. Điều này đòi hỏi phải cấp tốc xây dựng thêm trường mầm non trên tất các huyện, thị và thành phố.

Hiện nay, hệ thống CSVC dành cho giáo dục phổ thông đã khá ổn, trong khi đó CSVC cho giáo dục mầm non đang thiếu trầm trọng. Phải chăng, đã đến lúc các địa phương nên tập trung đầu tư mạnh cho hệ thống này để mỗi đứa trẻ đều được đến trường.

Bài, ảnh: Hương Giang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Học bằng... trải nghiệm

Nhiều năm nay, Trường mầm non Vĩnh Ninh là một điểm sáng giáo dục của thành phố Huế, với các hoạt động trải nghiệm được nhà trường đặc biệt coi trọng.

Học bằng  trải nghiệm
Hợp tác xã của giám đốc trẻ

Thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và chế biến nông sản Quảng Phú (huyện Quảng Điền) của anh Ngô Minh Hiếu (sinh năm 1997) đang từng ngày vươn xa, với mạng lưới phân phối sản phẩm trên 52 tỉnh, thành, giải quyết việc làm cho nhiều bạn trẻ trên địa bàn.

Hợp tác xã của giám đốc trẻ
“Trường - Viện” và yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao - Kỳ 1: Gắn kết hữu cơ giữa các thực thể

Mô hình “Trường - Viện” đã minh chứng mang lại hiệu quả thiết thực trước yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao như hiện nay. Mô hình này của Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế (ĐHH) đã được Ban Tuyên giáo Trung ương chọn là điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2024.

“Trường - Viện” và yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao - Kỳ 1 Gắn kết hữu cơ giữa các thực thể
Chuyện nghề của những cô giáo mầm non

Làm cô giáo mầm non, cái nghề “sớm con muộn chồng” ấy trải qua biết bao câu chuyện buồn vui. Thật sự yêu nghề, mến trẻ bằng tất cả cái tâm sáng trong của một người mẹ thì các cô mới có thể làm tròn sứ mệnh của mình.

Chuyện nghề của những cô giáo mầm non
Return to top