Tìm hiểu lý do học sinh bỏ về sớm tại các ngày hội tư vấn tuyển sinh năm 2018, điểm chung mà nhiều trường hợp tiết lộ là vì đã có lựa chọn ngành học từ trước. Một học sinh tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh của ĐH Huế chia sẻ: “Em học tốt các môn khối A và dự định chọn các ngành kinh tế ngay từ khi vào học lớp 11. Việc có mặt trong chương trình này là do nhà trường điều động còn thông tin được tư vấn ngành nghề vào thời điểm này không còn quan trọng với em”.
Ông Trần Thanh Dũng, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông (THPT) Phan Đăng Lưu cho rằng, thời điểm phù hợp mà các trường ĐH tư vấn nghề nghiệp, quảng bá tuyển sinh là ngay sau khi kết thúc học kỳ 1 của năm lớp 12 vì đây là giai đoạn thường diễn ra nhiều hoạt động đến việc định hướng chọn ngành, nghề cho học sinh. Các hoạt động thi thử cũng bắt đầu tổ chức từ giai đoạn này.
Tại hội nghị tổng kết công tác tuyển sinh năm 2018 (tháng 10/2018), TS. Phan Thanh Hoàn, Trưởng phòng Đào tạo ĐH, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế thừa nhận, kết quả khảo sát của nhà trường cũng cho thấy, việc tổ chức hoạt động tư vấn, quảng bá tuyển sinh từ tháng 2 - tháng 3, ngay trước giai đoạn thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển là chưa phù hợp và cần thực hiện trong quý 4 (trước Tết). Thời điểm triển khai như lâu nay ít nhiều ảnh hưởng đến tính hiệu quả trong việc thu hút người học.
Tư vấn, quảng bá tuyển sinh tốt, lượng người học vào trường sẽ tốt hơn. Trong hình ảnh là thí sinh làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế
Thực ra, vấn đề này đã được nhiều trường nhìn nhận, song nguyên nhân là do các trường chờ đề án tuyển sinh được xét duyệt. Thông thường, đề án các trường thành viên, khoa trực thuộc trình lên ĐH Huế xem xét sau đó trình Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), song hoạt động này thường khá muộn, nhất là quyết định giao chỉ tiêu tuyển sinh hoặc điều chỉnh chỉ tiêu, khiến các trường bị động trong việc ra thông báo tuyển sinh. Ngoài ra, các quy định, quy chế tuyển sinh qua các năm có sự thay đổi từ phía Bộ GD &ĐT gây ra bất cập, khó khăn trong công tác quảng bá, tư vấn tuyển sinh của các trường.
Trò chơi hỏi – đáp, một trong những cách tư vấn, quảng bá tuyển sinh của Trường ĐH Ngoại ngữ
Theo một số cán bộ làm công tác tuyển sinh, thời điểm quảng bá, tư vấn tuyển sinh rất quan trọng và trước những khó khăn trên, vẫn có thể giải quyết linh động. ThS. Phan Thanh Tiến, Phó Trưởng phòng Đào tạo ĐH, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế cho rằng, cạnh tranh lớn nhất trong tuyển sinh là giữa các trường (ở các địa phương), quảng bá tuyển sinh sớm sẽ có lợi. Các trường có thể dựa trên các đề án tuyển sinh dự kiến để đưa ra thông tin quảng bá. “Thông thường, đề án từ trường trình lên và đến lúc được phê duyệt không có điều chỉnh nhiều. Đây là cơ sở để có những phương án chuẩn bị nhằm triển khai các hoạt động giới thiệu ngành, trường, thông tin nổi bật của từng đơn vị đến học sinh THPT”, ông Tiến nói.
Thí sinh tìm hiểu thông tin xét tuyển trên tờ rơi cẩm nang tuyển sinh và trên các tờ báo
Vấn đề nảy sinh là kinh phí tư vấn tuyển sinh không nhỏ và triển khai sớm hơn các năm có thể phát sinh thêm kinh phí, song vẫn có thể linh động giải quyết. Theo TS. Phan Thanh Hoàn, khi triển khai sớm, có thể tính toán lại các kinh phí các đợt sau, chú trọng chất lượng từng đợt, không làm dàn trải. Ngoài ra, nên tăng cường đẩy mạnh các hình thức tư vấn, quảng bá tuyển sinh trực tuyến, nhất là thông qua mạng xã hội vì đây là kênh thông tin được rất nhiều học sinh hiện nay sử dụng.
Thí sinh tại Quảng Trị tham gia tìm hiểu thông tin tại chương trình tư vấn tuyển sinh năm 2018
Thí sinh tìm hiểu thông tin xét tuyển trên tờ rơi cẩm nang tuyển sinh
Trong phương án tuyển sinh, cần thay đổi hình thức tư vấn, quảng bá. Bên cạnh các hoạt động tư vấn tập trung với nhiều đơn vị như cách làm lâu nay, có thể phối hợp các trường THPT để tư vấn hướng nghiệp ngay trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa hay giờ chào cờ, hiệu quả sẽ cao hơn và giảm bớt kinh phí. Ngoài ra, với thuận lợi các trường THPT đa phần có các website, có thể kết hợp để đăng tải thông tin dưới dạng banner giới thiệu thông tin tuyển sinh.
Theo đại diện nhiều trường ĐH, nên tận dụng mạng lưới sinh viên, cựu sinh viên để tư vấn, quảng bá, giới thiệu thông tin cho thí sinh.
Giải thích thông tin cho thí sinh
PGS. TS. Trần Thanh Đức, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm, ĐH Huế cho rằng, trong các ngày hội định hướng nghề nghiệp, việc làm cho sinh viên, có thể lồng ghép để quảng bá tuyển sinh bằng cách mời đại diện lãnh đạo, giáo viên và học sinh các trường THPT cùng một số phụ huynh tham gia để thấy được sức hút thực tế về cơ hội việc làm của các ngành nghề, qua đó họ sẽ thay mặt trường góp phần quảng bá, giới thiệu thông tin về trường cùng các ngành học sớm cho các thí sinh khác.
Nội dung: HỮU PHÚC - Ảnh: MINH TÂM
Thiết kế: QUANG THIỀU