ClockThứ Năm, 22/09/2022 06:45

Các ngành sư phạm, khoa học xã hội “hot” trở lại

TTH - Nhiều ngành sư phạm, khoa học xã hội (KHXH) có điểm chuẩn tăng mạnh trong năm nay trở thành vấn đề được nhiều người quan tâm. Không ít người đặt câu hỏi: Liệu các ngành này đang “hot” trở lại (?).

Điểm chuẩn biến động, nhiều ngành sẽ tuyển bổ sungĐiểm chuẩn các ngành của Đại học Huế từ 15 - 26,4 điểm

Nhu cầu của học sinh THPT khi lựa chọn ngành nghề đăng ký xét tuyển phần nào quyết định điểm chuẩn (Ảnh minh họa)

Điểm cao vẫn trượt nguyện vọng 1

Mới đây, một thí sinh đạt 26 điểm vẫn trượt nguyện vọng 1 ngành sư phạm ngữ văn Trường đại học (ĐH) Sư phạm Hà Nội (tổ hợp C00 có điểm chuẩn 28,5 điểm). Đem kết quả thi của mình hy vọng đăng ký xét tuyển đợt bổ sung cùng ngành tại Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế, song thí sinh nhận được câu trả lời nhà trường lấy điểm chuẩn ngành sư phạm ngữ văn đợt 1 năm nay là 25 điểm, hiện đã đủ chỉ tiêu và sẽ không tuyển bổ sung.

Điểm chuẩn các ngành sư phạm, KHXH tăng mạnh trở thành chủ đề “nóng” những ngày qua. Ngay cả với trường hợp ngành sư phạm ngữ văn tại Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế, nếu so sánh với cùng đợt tuyển sinh, cùng phương thức năm ngoái, mức điểm chuẩn năm nay tăng đến 5 điểm (năm ngoái là 20 điểm).

Không chỉ riêng ngành sư phạm ngữ văn, tại Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế nhiều ngành khác trong khối sư phạm, các ngành KHXH tăng mạnh từ 3-6 điểm, đơn cử ngành sư phạm lịch sử tăng đến 6 điểm so với năm ngoái (từ 19 lên 25 điểm), sư phạm địa lý tăng 4,25 điểm (từ 20 lên 24,25 điểm)… “Em đạt 24 điểm, đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành sư phạm lịch sử vì dự đoán sẽ tăng so với năm ngoái khoảng 2 điểm, nhưng thực sự là bất ngờ”, N.T.K.N, thí sinh trượt nguyện vọng 1 ngành sư phạm lịch sử kể.

Tại các đơn vị khác thuộc ĐH Huế, nhìn chung các ngành thuộc khối KHXH, ngành có sử dụng tổ hợp các môn KHXH để xét tuyển đa phần có điểm chuẩn tăng từ 0,5 điểm trở lên. Đơn cử, ngành quản trị du lịch và khách sạn (Trường Du lịch) cũng chạm mốc 22 điểm (tăng 2 điểm so với năm ngoái).

Đối chiếu mức điểm chuẩn trong toàn quốc, càng bất ngờ khi điểm chuẩn nhiều ngành sư phạm, KHXH tăng đột biến, khiến nhiều thí sinh dù đạt điểm cao (24-25 điểm) vẫn trượt nguyện vọng 1. Nếu ngành sư phạm lịch sử của Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế tăng 6 điểm thì tại các trường trong toàn quốc, ngành này cũng có điểm chuẩn tăng đột biến so với năm 2021. Điển hình, ngành sư phạm lịch sử Trường ĐH Quy Nhơn có điểm chuẩn 28,5 điểm, tăng 9,5 điểm; Trường ĐH An Giang (ĐH Quốc gia TP. HCM) tăng hơn 6,5 điểm... Điều này khiến nhiều người ngạc nhiên khi ngành sư phạm lịch sử thường nằm “dưới đáy” điểm chuẩn của các trường.

TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên ĐH Huế cũng thừa nhận: “Điểm chuẩn các ngành y dược, ngoại ngữ giảm do phổ điểm thi môn sinh học, ngoại ngữ giảm còn các ngành KHXH tăng là dễ hiểu. Song với những biến động điểm rất lớn thì đúng là thực sự bất ngờ. Bản thân tôi khi thấy Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) công bố điểm chuẩn trúng tuyển khối C vào ngành báo chí dẫn đầu với mức 28,25 điểm cũng khá bất ngờ. Đó là mức điểm rất cao và không nhiều thí sinh đạt được”.

Tại Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) điểm chuẩn trúng tuyển cao nhất của các ngành tuyển sinh khối C đạt mức 29,95 điểm (các ngành đông phương học, Hàn Quốc học, quan hệ công chúng. So với các tổ hợp xét tuyển khối A, A1, khối B và D1, tỷ lệ các ngành tuyển sinh có mức điểm chuẩn 29 trở lên rất cao với 9/27 ngành tuyển sinh khối C.

Nhiều nguyên nhân

Câu chuyện nhiều thí sinh đạt điểm cao vẫn trượt nguyện vọng 1, hay nhìn vào mức điểm các ngành sư phạm, các ngành khối KHXH, không ít người đã “buột miệng” cho rằng “loạn điểm chuẩn”, có người lại đặt nghi vấn phải chăng các ngành KHXH “hot” trở lại.

Thực tế, với các ngành xét tuyển tổ hợp môn C00 (văn, sử, địa), việc tăng mạnh điểm chuẩn đã được dự báo khi điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT trong tổ hợp xét tuyển tăng mạnh và chỉ tiêu của các ngành xét tuyển khối C vốn rất ít so với các khối xét tuyển khác. Dựa vào phổ điểm, điểm môn văn từ 7 điểm trở lên, năm ngoái chiếm 41,7%, năm nay 42%; điểm lịch sử năm ngoái điểm 8 từ 5,44%, năm nay tăng đột biến lên 18,1%; môn địa lý điểm từ 8 trở lên cũng tăng. Vì thế, tổ hợp văn - sử - địa có điểm tăng cao.

Tuy nhiên, thực tiễn tuyển sinh không phải tất cả các ngành, các trường đều tăng đột biến. Điển hình như tại nhiều ngành của Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế, điểm các ngành có tuyển tổ hợp khối C00 chỉ tăng nhẹ, trung bình giữ mức 15,5-17 điểm.

TS. Nguyễn Công Hào cho biết, điểm chuẩn cao hay thấp, tăng hay giảm hoàn toàn phụ thuộc vào số thí sinh đăng ký xét tuyển và chỉ tiêu của phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT... Vẫn có những ngành dù phổ điểm thấp, nhưng do lượng thí sinh đạt điểm cao đăng ký nhiều thì sẽ kéo theo điểm chuẩn tăng, trường hợp ngành dược học của Trường ĐH Y - Dược, ĐH Huế là một ví dụ (tăng từ 24,9 điểm năm ngoái lên 25,1 điểm năm 2022).

Theo PGS.TS. Nguyễn Thành Nhân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, nguyên nhân khác là một số ngành tăng điểm do chỉ tiêu được giao năm nay giảm. Đơn cử, ngành sư phạm lịch sử năm nay chỉ 12 chỉ tiêu, sư phạm địa lý chỉ 34 chỉ tiêu, thấp hơn so với năm ngoái.

“Trả lại” giá trị thực

Tuy mức điểm năm nay có nhiều biến động lớn, song theo các chuyên gia, chừng đó chưa đủ để đánh giá các ngành sư phạm, KHXH sẽ “hot” trở lại.

Theo đại diện Hội đồng Tuyển sinh ĐH Huế, tình hình tuyển sinh thay đổi qua từng năm, phụ thuộc vào quy chế tuyển sinh từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh, các phương thức tuyển sinh, kết quả thi tốt nghiệp THPT của thí sinh, lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành, trường.

Tuy nhiên, điều quan trọng là làm sao để công bằng trong tuyển sinh, tránh xảy ra đột biến về điểm chuẩn, đặc biệt là tình trạng thí sinh điểm cao vẫn trượt ĐH. Điều này đòi hỏi sự đồng bộ trong công tác tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp của các trường THPT và đơn vị đào tạo ĐH, cùng các dự báo thị trường lao động từ các bộ, ngành liên quan. Phải làm tốt tất cả các khâu trên mới có thể "trả lại" giá trị thực cho điểm thi và xét tuyển ĐH.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ĐẠI HỌC HUẾ HƯỚNG ĐẾN ĐẠI HỌC QUỐC GIA:
Nhiều tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu

Trong tiến trình xây dựng và phát triển, đặc biệt kể từ sau 30 năm tái thành lập, Đại học Huế (ĐHH) đã cơ bản đạt các tiêu chuẩn, tiêu chí để trở thành Đại học Quốc gia theo quy định.

Nhiều tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu
Nhật Quyên với “Trường học ‘không tường’”

Tại giải thưởng Kiến trúc Xanh sinh viên năm 2024 – SGA 2024, Khoa Kiến trúc, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế vinh dự có 2/19 đồ án được trao giải. Đồ án tốt nghiệp “OTT – Trường học ‘không tường’ – Không gian trải nghiệm hành trình xanh” của sinh viên Nguyễn Hoàng Nhật Quyên (sinh năm 2001) nhận được nhiều sự khen ngợi từ ban giám khảo và giành giải Nhì toàn quốc.

Nhật Quyên với “Trường học ‘không tường’”

TIN MỚI

Return to top