ClockThứ Bảy, 26/08/2023 13:14

Cân nhắc kỹ khi đưa lịch sử trở thành môn thi bắt buộc

TTH.VN - Dự thảo phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) từ năm 2025, môn lịch sử có thể trở thành môn thi bắt buộc đã nhận được sự quan tâm từ dư luận. Phương án này được cho là phù hợp, song, cần tính toán kỹ tránh gây áp lực cho học sinh.

Khi lịch sử trở thành môn học bắt buộcKhông bất ngờ khi điểm lịch sử cao

 Học sinh Trường THCS Trần Cao Vân thăm quan di tích lịch sử 

Theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, học sinh lớp 10 đang học 4 môn bắt buộc, gồm: Ngữ văn, toán, ngoại ngữ, lịch sử (đối với GDPT); ngữ văn, toán, lịch sử (đối với giáo dục thường xuyên) và các môn học lựa chọn, gồm: Vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ. Đưa lịch sử thành môn thi bắt buộc với mục đích giúp học sinh có cái nhìn đúng đắn hơn về giá trị môn học.

Dựa vào nguyên tắc, các kỳ thi sẽ bám sát chương trình GDPT 2018, học sinh dự kiến sẽ dự thi 4 môn bắt buộc, gồm: Ngữ văn, toán, ngoại ngữ, lịch sử và 2 môn lựa chọn trong số các môn đã chọn học. Nếu phương án này được triển khai, bắt đầu từ năm 2025, học sinh thực hiện chương trình GDPT 2018 sẽ là những thí sinh đầu tiên tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT theo phương án tổ chức thi mới.

Em Nguyễn Hải Anh, học sinh lớp 11 Trường THPT Hai Bà Trưng chia sẻ: “Thông tin môn lịch sử có thể là môn thi tốt nghiệp bắt buộc khiến em lo lắng. Em gặp khó khăn trong hệ thống kiến thức và mốc thời gian để nhớ sự kiện”. Cũng theo Hải Anh, mong muốn phương pháp dạy ở trường có thể gợi mở, hấp dẫn hơn đề học sinh hứng thú với môn học. Rõ ràng, khi lịch sử là môn thi bắt buộc, giáo viên dạy Sử cũng sẽ đổi mới phương pháp dạy, tránh tình trạng đọc - chép, truyền thụ kiến thức một chiều.

 Trường THCS Nguyễn Tri Phương dàn dựng các tiết mục về lịch sử dân tộc 

Cô Nguyễn Tuyết Nga, cựu giáo viên dạy môn lịch sử cho rằng, nếu thi môn lịch sử, học sinh chủ động ôn tập đã đành, giáo viên cũng cần đổi mới về phương pháp giảng dạy, áp dụng những bài học lịch sử vào cuộc sống hằng ngày, làm cho tri thức trở nên sinh động và thiết thực hơn, tránh cách học thuộc lòng máy móc. Phụ huynh cũng có tâm trạng lo lắng, nếu triển khai môn lịch sử theo hướng bắt buộc, cần sớm công bố phương án chi tiết để học sinh, giáo viên sớm chuẩn bị về cả tâm lý và kiến thức. Ngoài ra, phạm vi kiến thức trong đề thi môn lịch sử chỉ nên ở mức độ nhận biết và thông hiểu, không nên ra đề quá đánh đố học sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang nhận được khá nhiều ý kiến khác nhau về việc môn lịch sử liệu có trở thành môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Tại hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 24/8, nhiều ý kiến từ các tỉnh, thành không tán thành khi được Bộ thăm dò ý kiến tại hội nghị. Nhiều ý kiến cho rằng, hàng năm, có đến 70% - 80% thí sinh chọn bài thi khoa học xã hội. Nếu như môn lịch sử là môn thi bắt buộc thì mất cân bằng giữa số lượng chọn tổ hợp các môn xã hội và tổ hợp các môn tự nhiên.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng, nếu lịch sử cùng với toán, ngữ văn, ngoại ngữ là các môn thi bắt buộc thì sẽ thiệt thòi cho học sinh lựa chọn tổ hợp các môn tự nhiên ở bậc THPT. Vì thế, phương án chọn 3 môn bắt buộc gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ và thêm 2 môn tự chọn, trong đó có cả môn lịch sử là hợp lý.

Nhiều người bày tỏ lo ngại việc Bộ vừa đưa lịch sử thành môn bắt buộc ở bậc THPT mà ngay sau đó lại thành môn thi bắt buộc thì liệu có nên không? Điều này đồng nghĩa gia tăng áp lực cho học sinh cuối cấp, nhất là với học sinh theo đuổi khối thi khoa học tự nhiên, vốn ít chú tâm đến việc học Lịch sử từ năm lớp 10, nên bắt đầu ôn tập lại môn thi này sẽ gặp khó khăn.

Không ít ý kiến lập luận, không nên thêm lịch sử vào danh sách môn thi bắt buộc. Có rất nhiều cách bồi dưỡng cho thế hệ trẻ về lòng yêu nước, hiểu biết lịch sử nước nhà chứ không chỉ phụ thuộc vào việc bắt buộc hay lựa chọn môn thi lịch sử. Trước những thay đổi về môn thi mới, phản ứng đa chiều của dư luận là lẽ tất yếu.

Lịch sử trở thành môn học bắt buộc xuất phát từ Nghị quyết số 63/2022/QH15 của Quốc hội khóa XV chỉ rõ: “Thiết kế môn lịch sử trong Chương trình giáo dục cấp THPT bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, bảo đảm hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh". Tất nhiên, trước khi quyết định đưa môn lịch sử là một trong bốn môn thi bắt buộc như trong dự thảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cân nhắc kỹ và lấy ý kiến đa chiều.

An Nhiên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

HỘI NGHỊ BỘ TRƯỞNG CẤP CAO TOÀN CẦU LẦN THỨ 4 VỀ AMR:
Các sáng kiến về kháng thuốc trở thành tâm điểm

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng toàn cầu cấp bách về tình trạng kháng thuốc kháng sinh (AMR), các sáng kiến về kháng thuốc một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý, khi các bên liên quan nhóm họp tại Hội nghị Bộ trưởng cấp cao toàn cầu lần thứ 4 về AMR.

Các sáng kiến về kháng thuốc trở thành tâm điểm
Đưa du lịch cộng đồng trở thành sản phẩm chủ đạo

Du lịch cộng đồng được xem là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích trong việc phát triển kinh tế bền vững cho cư dân bản địa. Với nhiều tiềm năng, Thừa Thiên Huế cùng các địa phương có thể đẩy mạnh loại hình du lịch cộng đồng trở thành một sản phẩm hoàn chỉnh, chủ đạo trong hệ thống sản phẩm của du lịch Việt Nam.

Đưa du lịch cộng đồng trở thành sản phẩm chủ đạo
Tìm hiểu truyền thống văn hóa lịch sử:
Cách làm hay ở Kim Long

Đảng ủy phường Kim Long (TP. Huế) đã tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu truyền thống văn hóa lịch sử cách mạng địa phương. Đây là hình thức truyền thông giáo dục sinh động, không chỉ giúp lan tỏa giá trị lịch sử mà còn góp phần nâng cao nhận thức trong các tầng lớp Nhân dân…

Cách làm hay ở Kim Long

TIN MỚI

Return to top