Thí sinh chuẩn bị hồ sơ làm thủ tục nhập học đợt 1
Nhiều ngành phải tuyển thêm
Mặc dù chưa kết thúc đợt xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo, song qua tính toán, ngày 22/9, Hội đồng Tuyển sinh Đại học (ĐH) Huế đã thông báo tuyển bổ sung hơn 3.000 chỉ tiêu các phương thức ở hơn 90 ngành, chương trình đào tạo.
Thực tế, tuyển sinh năm nay gây ra nhiều bất ngờ khi có biến động lớn về điểm chuẩn. Song, so với lượng chỉ tiêu theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) là 8.963 chỉ tiêu, ĐH Huế cũng thu hút đến 43.399 tổng số nguyện vọng đăng ký, trong đó có 9.191 nguyện vọng 1. Nếu xét tổng số nguyện vọng 1 thí sinh đăng ký so với chỉ tiêu, nhiều đơn vị như Trường ĐH Luật, Trường ĐH Ngoại ngữ, Trường ĐH Kinh tế, Trường ĐH Y - Dược đều ở mức vượt; một số đơn vị khác cũng đạt hoặc gần chạm mốc chỉ tiêu.
Tuy nhiên, con số trên chỉ mới xét phương diện tổng thể. Tại các đơn vị, vẫn có nhiều ngành thiếu nhiều chỉ tiêu trong đợt tuyển sinh đầu tiên, nhất là nhóm ngành nông - lâm - ngư nghiệp, các ngành khoa học cơ bản… Cũng vì lý do đó, đợt tuyển bổ sung lần này, ngoại trừ Trường ĐH Luật thì tất cả các trường ĐH thành viên, đơn vị đào tạo thuộc, trực thuộc ĐH Huế đều có tuyển bổ sung. Đáng chú ý, Trường ĐH Sư phạm tuyển bổ sung đến 684 chỉ tiêu, Trường ĐH Nông Lâm tuyển bổ sung 595 chỉ tiêu, Trường ĐH Khoa học 521 chỉ tiêu, Trường ĐH Ngoại ngữ tuyển thêm 302 chỉ tiêu. Các đơn vị còn lại tuyển bổ sung với chỉ tiêu thấp hơn. Trong số các phương thức tuyển sinh bổ sung đợt này, phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT tuyển nhiều nhất với 1.853 chỉ tiêu, tiếp đó là phương thức xét học bạ với 1.096 chỉ tiêu và chỉ có 79 chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức riêng.
Thí sinh làm thủ tục nhập học năm 2022
Xét về số lượng ngành phải tuyển bổ sung, Trường ĐH Khoa học tuyển bổ sung đến 22 ngành trong tổng số 24 ngành, Trường ĐH Nông Lâm tuyển bổ sung 17/22 ngành, Trường ĐH Sư phạm tuyển bổ sung 11/27 ngành. Riêng các trường, khoa còn lại chỉ tuyển thêm vài ngành.
TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên ĐH Huế cho biết, để xác định chính xác số lượng người học của mỗi ngành, phải đợi khi thí sinh nhập học xong. Nhưng qua tính toán, Hội đồng Tuyển sinh ĐH Huế vẫn xác định được các ngành khả năng thiếu nhiều chỉ tiêu thông qua thống kê nguyện vọng sau khi lọc ảo.
Bài toán chất lượng & số lượng
Nổi lên năm nay là bên cạnh những ngành giảm điểm chuẩn, có nhiều ngành lại tăng vọt điểm trúng tuyển. Song, ngay tại ĐH Huế, một số ngành vẫn còn giữ mức điểm chuẩn thấp 15-18 điểm (tức là mỗi môn chỉ 5-6 điểm sẽ trúng tuyển). Đáng trăn trở hơn, với mức điểm chuẩn chưa cao nhưng vẫn khó thu hút đủ thí sinh vào học. “Điểm chuẩn nhiều ngành ở các đơn vị chưa cao đúng là một trăn trở, bởi ít nhiều đầu vào cũng là một trong các yếu tố góp phần tạo nên chất lượng”, TS. Nguyễn Quang Lịch, Phó Khoa trưởng Phụ trách Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - ĐH Huế phân tích.
Nhìn vào kết quả điểm chuẩn được công bố năm nay, hai đơn vị được nhiều người chú ý là Trường ĐH Khoa học và Trường ĐH Nông Lâm. Trong khi tất cả điểm trúng tuyển của 24 ngành tại Trường ĐH Khoa học theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT đều quanh mức 15-17 điểm thì tại Trường ĐH Nông Lâm, ngoại trừ ngành công nghệ thực phẩm và ngành thú y cùng mức 20 điểm thì 20 ngành còn lại đều chỉ ở mức điểm 15-16 điểm. Riêng ở Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị, mức điểm năm nay dù có tăng, nhưng vẫn không vượt qua ngưỡng 15-17 điểm.
Theo những “người trong cuộc”, bài toán trên thực sự rất đáng trăn trở. Tất cả các đơn vị đào tạo đều muốn nâng chất lượng đầu vào thông qua điểm chuẩn, nhưng cái khó là ngay cả với mức điểm hiện tại, việc thu hút thí sinh vẫn còn nỗi lo làm sao đáp ứng đủ chỉ tiêu. Trong bối cảnh dần tự chủ, học phí lại đang là nguồn thu quan trọng nhất. Cũng vì thế, nảy sinh trường hợp phải chọn lựa giữa việc nâng chất lượng đầu vào và thu hút thí sinh.
Chủ động hơn về giải pháp
Khó khăn trên không thể phủ nhận khi khác với giai đoạn trước, hiện nay có quá nhiều đơn vị đào tạo ĐH, hầu như tỉnh, thành nào cũng có cơ sở giáo dục ĐH. Điều này phần nào chia sẻ lượng thí sinh trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt.
Tuy nhiên, về lâu dài, nếu “tụt lại” về chất lượng đầu vào, ảnh hưởng đến vị thế, thương hiệu là điều chắc chắn. Những bài học, kinh nghiệm, giải pháp từ các mùa tuyển sinh đã được đặt ra, nhưng ĐH Huế và các trường cũng cần rà soát, đánh giá lại giải pháp nào phù hợp với bối cảnh hiện tại.
Đào tạo phải hướng đến nhu cầu thực tiễn gắn với đòi hỏi của thị trường lao động. Các cơ sở giáo dục cũng cần phải tính toán lại chỉ tiêu hợp lý, ưu tiên chỉ tiêu cho các ngành xã hội cần, nhu cầu người học lớn, ngược lại cũng cần giảm chỉ tiêu những ngành khó tuyển.
Bên cạnh đó, các đơn vị đào tạo thông qua hợp tác các cơ quan, doanh nghiệp cũng cần thúc đẩy đào tạo theo đơn đặt hàng, từ đó xác định chỉ tiêu những ngành có tính đặc thù, đào tạo đáp ứng được chuẩn đầu ra và có việc làm ngay.
Chủ động hơn về mặt giải pháp mới giúp các đơn vị đào tạo có thể “thay đổi” trong bối cảnh tuyển sinh nhiều biến động. Từ đó, mới giải quyết hài hòa được bài toán khó về chất lượng đầu vào và thu hút thí sinh.
Bài, ảnh: Hữu Phúc