Lãnh đạo Sở GD&ĐT kiểm tra tình hình tại các điểm thi
Đảm bảo mục tiêu kép
Trong khi một số tỉnh, thành dời ngày thi đầu cấp thì Thừa Thiên Huế vẫn giữ nguyên lịch thi theo kế hoạch. Phụ huynh có con thi lên lớp 10 và thi tuyển kết hợp với xét tuyển vào Trường THCS Nguyễn Tri Phương đều chung một nỗi lo. Lo chuyển ngày thi và an toàn trong phòng thi khi có đến 7.500 thí sinh (hai khối) tham gia kỳ thi, trong đó, có cả thí sinh ngoại tỉnh.
Khi đã thống nhất phương án thi, tất nhiên, cần xây dựng kịch bản với những giải pháp cụ thể về việc tổ chức kỳ thi tại địa phương mình trong trường hợp có dịch COVID-19, cụ thể như: tiến hành rà soát, phân loại các diện thí sinh; bố trí điểm thi riêng cho thí sinh thuộc diện F1, phòng thi riêng cho thí sinh thuộc diện F2; phương án vận chuyển đến điểm thi cho thí sinh diện F1; khử khuẩn điểm thi; tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc 5K; quy trình xử lý bài thi…
Ngoài việc bắt buộc phải đeo khẩu trang, sát khuẩn tay thì còn phải bố trí thí sinh trong phòng thi theo hướng giãn cách tối đa có thể. Nơi bảo quản đề thi, lưu giữ bài thi được lắp đặt camera để theo dõi chặt chẽ. Nơi ăn, nghỉ dành cho cán bộ, giám thị coi thi được các điểm trường sắp xếp hợp lý. Tại các điểm thi bố trí ít nhất hai phòng dự phòng, sắp xếp bàn ghế bảo đảm giãn cách giữa các bàn dành cho thí sinh.
“Chúng ta thống nhất theo tinh thần không lơ là, chủ quan trong công tác tổ chức, nhưng cũng không hốt hoảng, không cực đoan, để đảm bảo mục tiêu kép vừa có kết quả kỳ thi nghiêm túc, công bằng, khách quan, chất lượng, vừa hướng đến mục tiêu an toàn cao nhất trong mùa dịch cho thí sinh và lực lượng tham gia tổ chức kỳ thi”, ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT nhấn mạnh.
Chọn trường phù hợp
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, công tác ra đề của kỳ thi năm nay sẽ đổi mới một cách hợp lý, đảm bảo an toàn và bảo mật cao. Đề thi năm nay sẽ không đánh đố học sinh, bám sát chương trình sách giáo khoa. Theo chỉ đạo giảm tải cho học sinh nên tỉnh cũng sẽ hướng giảm độ khó ở phần đề thi chung.
Thông tin này khiến phụ huynh và học sinh phần nào yên tâm. Chỉ tính riêng chuyện trường học phải đóng cửa sớm khiến học sinh và giáo viên cập rập. Các trường đều chủ động triển khai cho học sinh ôn tập qua mạng. Giáo viên lớp 9 tập trung giải đề, hệ thống lại toàn bộ kiến thức mà học sinh đã được học; nếu các em có thắc mắc thì trao đổi với giáo viên thông qua email hoặc zalo. Đặc biệt, giáo viên còn làm công tác tâm lý cho học sinh trong giờ học trực tuyến, giúp các em bình tĩnh, tự tin trong kỳ thi.
Học trực tuyến là phương án khả thi trong tình hình dịch bệnh, nhưng không phải tất cả các em đều tiếp thu tốt lượng kiến thức. Thế nên, có phụ huynh đã giảm áp lực cho con bằng cách điều chỉnh nguyện vọng để đăng ký vào các trường vừa sức, chắc chắn đậu cao hơn. “Con tôi có sức học chưa tốt, lại phải học trực tuyến, tự ôn tập là chính nên sẽ khó khăn nếu phải cạnh tranh ở những trường tốp đầu. Tôi đã điều chỉnh nguyện vọng 1, chọn trường vừa sức hơn”, chị Huỳnh Bảo An, phụ huynh có con học lớp 9 chia sẻ.
Sau Trường THPT chuyên Quốc Học, hai Trường THPT Hai Bà Trưng và Nguyễn Huệ có số lượng thí sinh đăng ký lần lượt là 1.023 và 888, trong khi chỉ tiêu dành cho mỗi trường là 616 em. Ở các trường còn lại, như Gia Hội dễ thở hơn khi chỉ tiêu 572 thì chỉ có 594 học sinh đăng ký; Trường THPT Nguyễn Trường Tộ chỉ tiêu 360 thì có 416 em đăng ký. Đặc biệt, nhiều học sinh có sức học thường thường đã “ăn chắc, mặc bền” khi đăng ký vào Trường THPT Bùi Thị Xuân. Thế nên, chỉ tiêu của trường này vẫn giữ nguyên như cũ là 462 em nhưng có đến trên 800 hồ sơ đăng ký.
Trong số trên 6.000 học sinh dự thi tuyển vào THPT năm nay, sẽ có khoảng 70% học sinh vào học tại các trường THPT, 30% các em sẽ đi học tại các trường nghề. Thực tế, vẫn có trường THPT trong thành phố chưa tuyển đủ chỉ tiêu nên dự báo sẽ chờ những thí sinh đăng ký nguyện vọng 2, điều đó cũng khó đảm bảo về chất lượng đầu vào.
Tất cả đã sẵn sàng cho kỳ thi vào lớp 10 diễn ra nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế và đảm bảo công bằng cho học sinh.
Bài, ảnh: Huế Thu