ClockThứ Bảy, 09/09/2023 07:44

Chuẩn bị cho kỳ thi mới

TTH - Năm học 2023 - 2024 là năm học thứ hai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Vậy là, chỉ còn thêm một năm nữa các em học sinh 12 sẽ thi tốt nghiệp theo chương trình GDPT mới. Việc chuẩn bị cho kỳ thi này đang là điều mà xã hội đặc biệt quan tâm.

Thi tốt nghiệp THPT: Hoàn tất chuẩn bị, sẵn sàng trước giờ G

Trao đổi ngoài giờ. Ảnh: MC 

Theo dự thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giai đoạn 2025 - 2030 vẫn giữ ổn định phương thức thi trên giấy, đồng thời tăng cường ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm. Ở các địa phương có đủ điều kiện, có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính. Giai đoạn sau năm 2030, phấn đấu để tất cả các địa phương trên toàn quốc chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm. Đây là một bước đột phá mới. Tuy nhiên, việc thi trên máy tính phải hết sức thận trọng trong tất cả các khâu để đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Hiện nay, học sinh học chương trình GDPT 2018 với các môn bắt buộc là: Ngữ văn, toán, ngoại ngữ, lịch sử, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng - an ninh, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, giáo dục địa phương. 4 môn học được lựa chọn từ các môn: Vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ, mỹ thuật, âm nhạc. Việc xác định môn thi tốt nghiệp cần phải có 4 môn bắt buộc là: ngữ văn, toán, ngoại ngữ và lịch sử (đối với GDPT) và 3 môn: ngữ văn, toán và lịch sử (đối với GDTX); đồng thời, học sinh được lựa chọn thêm 2 môn thi nằm trong các môn học lựa chọn là vừa phù hợp vừa giảm áp lực cho học sinh.

Để phù hợp với chương trình GDPT 2018, đề thi các môn phải được xây dựng theo định hướng chú trọng đánh giá năng lực học sinh. Nội dung thi nằm trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, chủ yếu là chương trình giáo dục cấp THPT. Năm 2025 là năm đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới nên việc xây dựng ngân hàng câu hỏi thi tốt nghiệp của các môn thi cần phải làm mới hoàn toàn, để tránh áp lực về mặt thời gian, việc xây dựng ngân hàng câu hỏi cần tiến hành gấp rút ngay từ bây giờ. Để đánh giá năng lực của học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần đổi mới cách thức ra đề, dạng đề các môn thi sao cho phù hợp và hiệu quả.

Theo dự thảo phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, phương thức tổ chức thi tốt nghiệp THPT chương trình mới vẫn tổ chức thi chung đề, chung đợt đối với các môn học bắt buộc, môn học lựa chọn trong số các môn thí sinh đã chọn học ở bậc THPT đáp ứng được yêu cầu của chương trình GDPT 2018, phù hợp với cách thức chọn môn học lựa chọn, bảo đảm đánh giá được các năng lực cốt lõi cơ bản, thiết yếu và năng lực sở trường phù hợp với định hướng nghề nghiệp ở bậc học THPT. Việc tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT theo tinh thần gọn nhẹ, thiết thực, hiệu quả, bảo đảm đánh giá được năng lực của học sinh theo chuẩn đầu ra của chương trình GDPT 2018.

Năm học này, các em học sinh lớp 11 sẽ tiếp tục học chương trình GDPT 2018 và năm sau, các em sẽ là lứa học sinh đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới. Vì vậy, giáo viên giảng dạy, học sinh lẫn cha mẹ học sinh không khỏi lo lắng.

Chương trình GDPT 2018 là chương trình định hướng phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh, các năng lực và phẩm chất này được cụ thể hóa bằng những yêu cầu cần đạt ở từng môn học, cấp học. Giáo viên cần bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình môn học để xây dựng kế hoạch bài dạy, tránh bám vào nội dung sách giáo khoa để giảng dạy như thói quen thường làm khi thực hiện chương trình GDPT 2006.

Đối với học sinh, để có kết quả tốt cho kỳ thi tốt nghiệp cuối cấp cũng như sự phát triển năng lực và phẩm chất thực sự của bản thân, ngay từ lớp 10 – năm đầu tiên áp dụng chương trình GDPT 2018 đối với học sinh THPT, các em cần học tập nghiêm túc, có phương pháp học hiệu quả, tăng cường tự học… Khi đáp ứng được yêu cầu cần đạt của các môn học thì các em có thể tự tin bước vào kỳ thi tốt nghiệp theo chương trình GDPT mới với kết quả như mong đợi.

NGUYỄN THỊ HOA PHƯỢNG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giáo dục pháp luật cho học sinh qua phiên tòa thực tế

Nhằm nâng cao kiến thức về pháp luật cho học sinh, chiều 6/12, Trường THPT Nguyễn Huệ tổ chức cho học sinh tham dự một phiên tòa xét xử thực tế tại Tòa án Nhân dân TP. Huế. Đây là một hoạt động bổ ích nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật và ý thức trách nhiệm của học sinh trong cuộc sống.

Giáo dục pháp luật cho học sinh qua phiên tòa thực tế
Tiếp sức cho học sinh, sinh viên đến trường

Nguồn vốn tín dụng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Lộc đã hỗ trợ cho nhiều học sinh, sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục theo đuổi ước mơ học tập, kiến tạo tương lai.

Tiếp sức cho học sinh, sinh viên đến trường

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top