Tiến sĩ Phạm Văn Hùng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo
Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2017 tại 11 điểm thi trên địa bàn Thừa Thiên Huế cơ bản hoàn thành. Ngoài cơ sở vật chất, các công tác khác, như tập huấn coi thi; phối kết hợp với các đơn vị truyền thông, điện lực, công an… diễn ra đúng tiến độ và đạt hiệu quả cao. Công tác chuẩn bị cho kỳ thi được tiến hành chu đáo tại từng địa phương, từng điểm thi, giúp các thí sinh tự tin bước vào kỳ thi. Ngày 13/6, Sở GD & ĐT đã họp với lãnh đạo các trường đặt điểm thi; ngày 14/6, tập huấn cho cán bộ và giáo viên làm công tác coi thi đến từ Trường cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế và cán bộ của sở.
Trước kỳ thi, với vai trò là người chịu trách nhiệm chính, ông lo lắng điều gì nhất?
Lo nhất là việc nhân sao đề thi. Nhân sao hàng chục vạn đề thi, làm sao bảo đảm từng trang đề rõ ràng, chính xác không phải chỉ là an toàn công tác tổ chức mà còn là vì bảo đảm quyền lợi cho từng thí sinh. Chúng tôi đặt vấn đề nhân sao đề thi 2017 vào vị trí trọng tâm, với quy trình chặt chẽ, chuẩn bị đầy đủ các bước và hạn chế sai sót tới mức tối đa. Hai là, yếu tố thời tiết, mong rằng sẽ đừng mưa gió bất thường, nắng đừng quá lớn để các em bảo đảm sức khoẻ trong suốt kỳ thi. Nỗi lo thứ ba là giao thông. Chúng tôi hết sức lưu ý khi chọn địa điểm thi, nghiên cứu khá kỹ về tuyến đường, mong sẽ không có bất trắc xảy ra. Giao thông an toàn là các em không bị kẹt xe, đề thi đến điểm thi đúng giờ.
Thưa ông, “vòng trong” chặt chẽ, vậy còn “vòng ngoài” ?
Hiền và có tác phong văn hóa, theo tôi, là đặc thù của phụ huynh tỉnh ta. Tôi luôn quan sát phụ huynh và nhận ra một điều, dù rất kỳ vọng và cũng không kém phần lo lắng cho con em, nhưng người Huế chúng ta luôn có phong cách đẹp. Phụ huynh có thể ngồi chờ con cả buổi trước cổng trường, trong nắng, trong mưa nhưng họ không “manh động”, không tìm kiếm sự “may mắn” một cách vô ý thức. Điều này giúp cho đội ngũ giám thị “vòng ngoài” cũng như đội ngũ an ninh trường thi ít áp lực và vì thế, kỳ thi luôn được đánh giá chính xác.
Ông có lo lắng trước một kỳ thi với nhiều đổi mới, về chất lượng bài làm của thí sinh chẳng hạn, nó sẽ đánh giá cả quá trình đào tạo?
Chúng tôi đã rất cố gắng, nhất là quan tâm đến chất lượng kỳ thi từ đầu cấp và từ đầu năm học cuối và đã làm mọi điều có thể, từ quan hệ nhà trường, gia đình, trách nhiệm bản thân đến công tác tư vấn. Tôi tin, học sinh mình học thật và thông qua một kỳ thi mà toàn ngành đang tập trung để thể hiện thực chất sẽ cho ra một kết quả chính xác. Mức độ thành công của mỗi thí sinh sẽ làm nên kết quả chung và đó là cả quá trình. Chúng tôi kỳ vọng vào sự nỗ lực của thầy trò suốt quá trình học, thời gian ôn thi và cả sự may mắn về thời tiết.
Ông đánh giá như thế nào về công tác tư vấn trong các trường?
Tôi nghĩ, các trường đã rất cố gắng trong công tác tư vấn, giúp học sinh sáng suốt hơn trong lựa chọn môn thi, ngành nghề… nên lộ trình học tập của các em nhẹ nhàng hơn. Các trường đều có khảo sát nguyện vọng của học sinh, lấy đó làm căn cứ để tổ chức ôn tập, đồng thời đánh giá mức độ đón nhận của các em với hình thức thi trắc nghiệm và bài thi tổ hợp. Sở đã tổ chức thi thử đề chung và thông báo kết quả rộng rãi để học sinh và giáo viên tham khảo. Có lẽ vì thế mà năm nay, thí sinh lựa chọn môn sử và địa nhiều hơn những năm trước.
Sự phối hợp với các trường đại học, cao đẳng trong công tác tổ chức thi có giúp nâng cao chất lượng kỳ thi?
Về phía Sở GD & ĐT, quy mô tổ chức một kỳ thi như thế này cũng không lớn, vì trước đây chúng tôi từng làm tốt những kỳ thi với số thí sinh lên đến 15, 16 ngàn thí sinh. Với việc chủ trì cụm thi, công tác rà soát và xác định các điểm thi sẽ bảo đảm thuận lợi cho thí sinh, bảo đảm an toàn cho kỳ thi theo hướng chính xác và chặt chẽ. Việc các trường đại học, cao đẳng cùng tham gia càng tốt, như vậy phía tuyển sinh sẽ tự tin vào kết quả kỳ thi hơn. Sự chia sẻ trách nhiệm như vậy càng giúp kỳ thi an toàn hơn và có kết quả tin cậy hơn.
Cám ơn ông về cuộc trao đổi!
Hương Giang (thực hiện)