ClockThứ Năm, 04/01/2018 06:06
TUYỂN SINH ĐẠI HỌC HUẾ 2018:

Đẩy mạnh truyền thông & tương tác với người học

TTH - Kỳ tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng năm 2018, ĐH Huế thành lập Ban Tư vấn và quảng bá tuyển sinh. Đây là giải pháp phát huy sức mạnh của ĐH vùng, hứa hẹn mang lại hiệu quả hơn trong bối cảnh tuyển sinh chung đang gặp khó.

Đại học Huế xếp hạng thứ 8/49 trường đại học ở Việt Nam969 thí sinh thi năng khiếu vào Đại học HuếĐại học Huế chuẩn bị cho kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2017

Hướng dẫn sinh viên nộp hồ sơ tuyển sinh vào ĐH Huế

Cách làm mới

Ngay từ tháng 12/2017, ĐH Huế có bước chuẩn bị khá kỹ cho kỳ tuyển sinh 2018 khi thành lập Ban Tư vấn và quảng bá tuyển sinh. PGS. TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc ĐH Huế khẳng định, mô hình này là cách làm mới và đã được nghiên cứu kỹ.

Ban Tư vấn và quảng bá tuyển sinh gồm 35 thành viên, do PGS. TS. Huỳnh Văn Chương làm Trưởng ban. Ngoài đại diện các ban, ngành, đoàn thể như: Ban Khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục, Ban Đào tạo, Ban Công tác học sinh - sinh viên, Đoàn Thanh niên…, thành viên Ban Tư vấn và quảng bá tuyển sinh còn có Phó Hiệu trưởng hoặc người phụ trách công tác tuyển sinh, truyền thông tại các cơ sở giáo dục trực thuộc ĐH Huế. Mô hình ra đời với ba mục đích chính: Đảm bảo thông tin thống nhất và chính xác trong toàn ĐH Huế để quảng bá tuyển sinh; tăng tính tương tác, thông tin với các cơ quan báo chí; đẩy mạnh tương tác với thí sinh và người nhà liên quan đến thông tin tuyển sinh.

Bên cạnh các cuộc họp, thành viên của Ban sử dụng một group email chung và hộp thoại tin nhắn để tiếp nhận và xử lý thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) của ĐH Huế hoặc của thí sinh. “Với nguồn lực đầy đủ các ban, đơn vị, khi có những thông tin quan trọng hoặc thắc mắc của thí sinh, người phụ trách trực tiếp vấn đề đó sẽ trả lời sâu, kỹ trong thời gian nhanh nhất. Thông tin này được thống nhất trong toàn ĐH Huế, tiện cho thí sinh và xã hội theo dõi”, ông Chương nói.

Ngoài phát huy sức mạnh truyền thông trên các website, mạng xã hội… nhất là chuyên mục hỏi đáp tuyển sinh, để chuyển tải thông tin tuyển sinh của ĐH Huế đến xã hội, Ban Tư vấn và quảng bá tuyển sinh cũng tiến hành các hoạt động quảng bá tuyển sinh, ngày hội việc làm, hoạt động định hướng nghề nghiệp cho học sinh các trường trung học phổ thông trong việc lựa chọn ngành, nghề để học. Qua đó, giúp thí sinh hiểu đúng và kỹ các ngành, nghề ĐH Huế đang đào tạo và nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

TS. Hoàng Tịnh Bảo, Trưởng Ban Khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục, Thường trực Ban Tư vấn và quảng bá tuyển sinh ĐH Huế cho biết, theo kế hoạch, Ban sẽ có hội nghị với hiệu trưởng các trường trung học phổ thông, trước tiên là trên địa bàn tỉnh sau đó mở rộng ra các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam để trao đổi nhờ Ban Giám hiệu các trường phổ thông làm đầu mối chia sẻ thông tin tuyển sinh ĐH Huế đến với học sinh trong các giờ chào cờ hay các hoạt động của trường. Ban cũng sẽ làm việc với Sở GD&ĐT để phối hợp đơn vị hướng nghiệp của Sở có những hoạt động định hướng ngành, nghề cho thí sinh. Cách làm này sẽ tạo ra những đầu mối thông tin, giúp lan tỏa thông tin tốt hơn.

PGS. TS. Huỳnh Văn Chương chia sẻ, vấn đề truyền thông lâu nay các đơn vị trực thuộc vẫn làm nhưng tính hiệu quả chưa cao với nhiều lý do, trong đó có việc thông tin còn chậm, chưa thống nhất và mang tính đơn lẻ từng đơn vị khiến người học khó tiếp cận. Mô hình mới sẽ cải thiện được khó khăn của cách truyền thông cũ. Nguồn thông tin đưa ra xã hội sẽ nhanh hơn, kịp thời, mang tính chính xác và thống nhất chung trong toàn ĐH Huế. Khi Bộ GD&ĐT hay ĐH Huế có thông tin mới về tuyển sinh thì ngay lập tức các trường sẽ biết và chuyển tải ngay đến xã hội qua các kênh truyền thông.

Phát huy tính chất “mái nhà chung”

Phải đến khi mùa tuyển sinh 2018 kết thúc mới có thể đánh giá được mức độ hiệu quả của cách làm mới này, song với nhiều chuyên gia giáo dục, thành công đầu tiên thấy rõ từ Ban Tư vấn và quảng bá tuyển sinh là phát huy được tính chất “mái nhà chung”.

ĐH Huế gồm 8 trường thành viên, 2 khoa thực thuộc và 1 phân hiệu tại Quảng Trị. Trong bối cảnh tuyển sinh hiện nay khó khăn, nhất là giữa các trường, các địa phương có sự cạnh tranh gay gắt để thu hút người học thì việc phát huy tính chất “mái nhà chung” sẽ giúp ĐH Huế hiệu quả hơn trong quảng bá tuyển sinh, đồng thời tạo cơ hội để đưa ra chiến lược tuyển sinh hợp lý. Điển hình là có thể nắm bắt tình hình tuyển sinh giữa các ngành, các trường để có những điều tiết và định hướng thông tin cho người học cũng như xã hội. Đây cũng là cơ hội để khảo sát nhằm đưa ra những phương án tuyển sinh phù hợp với các năm tiếp theo.

Ban Tư vấn và quảng bá tuyển sinh có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, đoàn thể và các trường. Trước, trong và sau kỳ tuyển sinh sẽ có những cuộc họp đánh giá những mặt mạnh, mặt yếu để nhanh chóng đưa ra giải pháp. Điều này không chỉ đem lại hiệu quả về mặt truyền thông mà còn giúp chia sẻ kinh nghiệm tuyển sinh cho từng đơn vị, nhân rộng thêm lợi ích.

Một trong những hiệu quả dễ thấy là sẽ tiết kiệm được nguồn kinh phí. Theo ông Chương, hàng năm ĐH Huế cấp kinh phí cho các đơn vị truyền thông nhưng ít hiệu quả và có thể trùng lặp. Nếu chọn lọc, thống nhất thông tin chuyển tải chung thì thí sinh, người nhà và xã hội có thể dễ dàng theo dõi, so sánh và chọn lựa, nhưng cũng tính toán hợp lý nguồn kinh phí. Cũng với cách làm này, thí sinh dễ dàng nắm bắt đầu mối thông tin để trao đổi, liên lạc.

Một đại diện Ban Tư vấn và quảng bá tuyển sinh cho rằng, với hình thức tổng lực thông tin và truyền thông chuyên nghiệp, người học sẽ thay đổi cách đánh giá về ĐH Huế và yên tâm hơn trong việc lựa chọn môi trường học tập phù hợp. Đây cũng là cách để quảng bá, khẳng định thương hiệu ĐH Huế.

Việc thành lập Ban Tư vấn và quảng bá tuyển sinh là giải pháp phù hợp khi bối cảnh tuyển sinh những năm gần đây khá khó khăn. Vấn đề là phải làm sao tạo được sức mạnh tập thể như kế hoạch đề ra. Điều đó cần quá trình nghiên cứu kỹ không chỉ trong giai đoạn bắt đầu mà cần làm liên tục suốt cả mùa tuyển sinh.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xứng tầm Đại học Quốc gia

Gần 70 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt trong 30 năm tái thành lập đã tạo cho Đại học Huế (ĐHH) tầm vóc của một cơ sở giáo dục quốc gia.

Xứng tầm Đại học Quốc gia

TIN MỚI

Return to top