ClockThứ Bảy, 19/09/2020 07:05

Điểm sàn tăng: Mừng & lo

TTH - Sau khi Hội đồng tuyển sinh Đại học (ĐH) Huế công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào tuyển sinh ĐH hệ chính quy năm 2020 (điểm sàn), vẫn còn ý kiến hai chiều bàn luận về ngưỡng điểm. Có người mừng vì điểm sàn tăng, nhưng cũng không ít ý kiến đặt câu hỏi mức điểm sàn đó liệu đã xứng tầm với vị thế?

Thí sinh tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020

Mừng và lo

Theo công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào tuyển sinh ĐH hệ chính quy năm 2020 của Hội đồng Tuyển sinh ĐH Huế, trong 115 ngành (kể cả những ngành của các trường ĐH thành viên đào tạo ở Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị) đã có điểm sàn (ngoại trừ khối ngành đào tạo giáo viên, khoa học sức khỏe do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định) thì có 12 ngành có điểm sàn là 14 điểm; 69 ngành có mức điểm sàn 15; mức điểm từ 15,5 - 17 điểm có 31 ngành và 3 ngành có mức điểm 18 – 20.

TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên ĐH Huế cho biết, so với mức điểm sàn trong năm 2019, mức điểm sàn của các ngành năm nay tăng từ 1 - 3 điểm. Nếu mức điểm sàn năm 2019 dao động từ 13 - 17 điểm với nhiều ngành có mức điểm 13 - 14 thì năm nay, điểm sàn các ngành dao động từ 14 - 20 điểm, rất nhiều ngành từ 15 điểm trở lên.

Dù mới chỉ điểm sàn, song sau khi được ĐH Huế công bố, cũng có không ít bàn luận xung quanh ngưỡng điểm. Theo nhiều người, điểm sàn tăng là tín hiệu tích cực kéo theo điểm chuẩn sẽ tăng. Anh Nguyễn Văn Hiếu, một cựu sinh viên ĐH Huế đánh giá: “Xét mặt bằng chung về điểm sàn các năm qua, điểm sàn năm nay khá cao, đặc biệt là những trường tuyển sinh khá khó khăn, như Trường ĐH Nông Lâm cũng đã tăng điểm mạnh”.

Trái ngược với những ý kiến hài lòng về điểm sàn, không ít người vẫn còn hoài nghi về mức điểm sàn vừa được công bố. Ông Hoàng Đề, một người quan tâm đến điểm tuyển sinh tại Huế cho rằng, các năm qua, còn nhiều ngành của các trường thuộc ĐH Huế lấy điểm chuẩn ngang bằng điểm sàn. “Đề kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay được đánh giá không quá khó, phổ điểm thi cũng cho thấy mặt bằng chung đều tăng nên việc tăng điểm sàn là tất yếu. Tuy nhiên, mức điểm sàn 14 là thấp vì nếu xét 3 môn, mỗi môn chưa tới 5 điểm”, ông Đề nhận xét.

Lo lắng về mức điểm sàn cũng khiến nhiều người so sánh về tương quan điểm giữa nhiều cơ sở đào tạo. Đơn cử, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP. HCM) công bố điểm sàn cho phương thức xét tuyển trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, mức điểm từ 16 - 20 điểm; Trường ĐH Mở TP. Hồ Chí Minh công bố điểm sàn từ 16 - 19 điểm hay Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp - ĐH Thái Nguyên lấy điểm sàn từ 15 – 18 điểm… Điều này đồng nghĩa, vẫn còn lo cho một số ngành của ĐH Huế, nhất là những ngành có điểm sàn vừa công bố chưa cao.

Điểm sàn chỉ là ngưỡng điểm tối thiểu

Theo PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc ĐH Huế, trên thực tế, để đưa ra mức điểm sàn, Hội đồng Tuyển sinh đã tính toán rất kỹ. Tinh thần trong năm nay là tất cả các đơn vị đều tăng điểm sàn, đặc biệt là những ngành, nhóm ngành mũi nhọn như nhóm ngành về du lịch, kinh tế, luật, công nghệ thông tin… Ngay cả một số ngành tại Trường ĐH Nông Lâm như Thú y có mức điểm sàn đến 19 điểm là rất cao.

“Cơ sở để tính toán điểm sàn dựa trên phổ điểm thi tốt nghiệp THPT 2020. Theo phân tích của Bộ GD&ĐT biên độ mỗi môn trung bình khoảng 5 – 6, nhân lên ba môn khoảng 15 – 18 điểm. Năm nay, ĐH Huế đa phần lấy từ 15 điểm trở lên. Điểm chuẩn có thể cao hơn điểm sàn 1 – 3 điểm, thậm chí có ngành có thể cao hơn 4 – 5 điểm. Riêng các ngành có mức điểm sàn 14 chủ yếu tại Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị và các ngành của các trường đào tạo tại Phân hiệu. Mục đích một phần để đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương. Ngoài ra, đó mới chỉ là điểm sàn và quan trọng hơn vẫn là chất lượng đào tạo”, PGS.TS. Huỳnh Văn Chương nhấn mạnh.

ThS. Phan Thanh Tiến, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế phân tích, mức điểm sàn là mức để các trường chấp nhận hồ sơ xét tuyển và thậm chí với một số ngành, điểm chuẩn có thể cao hơn điểm sàn đến 7 – 8 điểm. Trường ĐH Ngoại ngữ năm nay có 4 ngành có mức điểm sàn ở mức 14 điểm, nhưng theo tính toán, các ngành này sẽ có điểm chuẩn cao hơn, không lấy chuẩn ngang sàn.

“Chất lượng đầu vào phụ thuộc vào điểm chuẩn, còn điểm sàn chưa phản ánh được chất lượng đầu vào mà chỉ là cơ sở để thí sinh dựa vào đó xem xét, có thể điều chỉnh nguyện vọng. Việc xác định điểm sàn cũng phải tính toán dựa trên tương quan các năm, kể cả những năm sắp tới, theo hướng ổn định tăng dần, tránh tình trạng năm nay tăng quá cao, năm sau lại giảm đột ngột”, ThS. Phan Thanh Tiến cho hay.

Theo đại diện Hội đồng Tuyển sinh ĐH Huế, dự kiến trước ngày 5/10, ĐH Huế sẽ công bố điểm chuẩn. Trước đó, ngày 17/9, ĐH Huế đã livestream tư vấn, hỗ trợ hướng dẫn thí sinh điều chỉnh nguyện vọng. Thí sinh có thể xem điểm sàn vừa được công bố như một cơ sở để điều chỉnh nguyện vọng, song thực tế điểm chuẩn sẽ khác.

Bài, ảnh: MINH TÂM

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhật Quyên với “Trường học ‘không tường’”

Tại giải thưởng Kiến trúc Xanh sinh viên năm 2024 – SGA 2024, Khoa Kiến trúc, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế vinh dự có 2/19 đồ án được trao giải. Đồ án tốt nghiệp “OTT – Trường học ‘không tường’ – Không gian trải nghiệm hành trình xanh” của sinh viên Nguyễn Hoàng Nhật Quyên (sinh năm 2001) nhận được nhiều sự khen ngợi từ ban giám khảo và giành giải Nhì toàn quốc.

Nhật Quyên với “Trường học ‘không tường’”
Return to top