Tờ rơi chỉ là một kênh tiếp cận thông tin tuyển sinh từ thí sinh
Ngành nào cũng “hot”
Có mặt tại một số hoạt động TVHN-QBTS ở các trường trung học phổ thông (THPT) trên địa bàn tỉnh, vẫn chứng kiến một câu chuyện tưởng cũ nhưng vẫn mới. Cùng với việc phát tờ rơi giới thiệu thông tin tuyển sinh, các đơn vị đào tạo ĐH giới thiệu về ngành nghề, chỉ tiêu, chính sách học bổng, cơ hội việc làm. Đáng nói, ngành nào cũng có nhu cầu xã hội lớn, cơ hội việc làm cao. Minh Tuấn, học sinh một trường THPT tại TP. Huế băn khoăn: “Ngành nào, trường nào cũng “hot”, vậy tại sao nhiều năm qua, không ít ngành trong số đó khó tuyển sinh (?)”.
Ông Trần Thanh Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đăng Lưu chia sẻ, các mùa tuyển sinh, một số đơn vị về trường TVHN-QBTS nhưng thường hướng nghiệp thì ít mà QBTS thì nhiều và chính ông cũng không ủng hộ cách làm này. Theo ông Dũng, học sinh cần các thông tin khách quan trước kỳ thi tuyển sinh ĐH, nhưng một số trường ĐH chỉ chú trọng giới thiệu về đơn vị mình để thu hút thí sinh về trường họ. Điều này khó mang lại hiệu quả định hướng nghề nghiệp cho học trò.
Không chỉ các trường tại vùng đồng bằng, tại nhiều trường ở hai huyện vùng cao Nam Đông và A Lưới, cũng có nhiều trường ĐH ở trong và ngoài tỉnh đến tổ chức chương trình TVHN-QBTS. Ông Phạm Văn Tiển, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nam Đông cho biết, năm nay, đã có khoảng 10 cơ sở đào tạo ĐH đến TVHN-QBTS. Song, thông tin học sinh nhận được chủ yếu là thông tin “một chiều” của đơn vị họ, chưa cung cấp một cái nhìn toàn cảnh về tuyển sinh, thông tin ngành nghề có nhu cầu việc làm cao thực sự… Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng Trường THPT A Lưới, do chỉ tranh thủ các giờ ra chơi giữa các tiết, việc hướng nghiệp cho học sinh từ các trường ĐH và cả hoạt động QBTS đều khó mang lại hiệu quả.
Sự gắn kết hai bậc học chưa tốt
Câu chuyện hướng nghiệp không chỉ là trăn trở của các giáo viên phổ thông, mà còn ở cả bậc ĐH. ThS. Phan Thanh Tiến, Phó Trưởng phòng Đào tạo, người có nhiều năm làm ở bộ phận tuyển sinh Trường ĐH Ngoại ngữ thừa nhận, lâu nay các đơn vị vẫn còn sự nhập nhằng TVHN-QBTS. Hướng nghiệp chưa tốt đã nảy sinh tình trạng nhiều sinh viên bỏ học ngay trong những năm học đầu tiên, thậm chí có trường hợp học xong tốt nghiệp vẫn phải rẽ sang một ngành khác, vì ngành đã chọn thực sự không đam mê, phù hợp. Nguyên nhân cho vấn đề trên không thể không nhắc đến sự gắn kết của hai bậc học chưa tốt.
Về mặt lý thuyết, vai trò hướng nghiệp thuộc về các trường THPT. Còn các trường ĐH lại nắm rõ các thông tin về ngành nghề, cơ hội việc làm để tư vấn cho thí sinh. Bối cảnh hiện nay, đơn vị nào cũng muốn thu hút người học và sự phối hợp giữa hai bậc học chưa hiệu quả dẫn đến tính hướng nghiệp bị “mờ” đi. Các trường tranh thủ dịp gặp gỡ học sinh để chuyển tải thông tin tuyển sinh trường mình đến với thí sinh.
Ông Phạm Văn Tiển cho rằng, việc phối hợp TVHN-QBTS vẫn còn tình trạng việc ai, nấy làm. Trường THPT lo khẩu tổ chức, tập trung học sinh, còn trường ĐH giới thiệu, tư vấn. Mục tiêu hướng nghiệp cho học sinh rất rõ, nhưng cách làm lại chưa đi đến hiệu quả.
Theo nhiều trường, vai trò hướng nghiệp thuộc về giáo viên phổ thông, nhưng điểm hạn chế dễ nhận thấy là họ chỉ tìm hiểu và tư vấn những thông tin cơ bản, chưa nắm rõ, cập nhật được tình hình ngành nghề, cơ hội việc làm và dự báo thị trường lao động bằng các trường ĐH. Vì vậy, rất cần sự đồng hành của các trường ĐH.
Cần triển khai các chương trình thiết thực
Không phủ nhận, trong bối cảnh tự chủ ĐH và học phí là nguồn thu chính, đơn vị đào tạo cần thí sinh. Mặt khác, công tác chuẩn bị cho hoạt động TVHN - QBTS khá vất vả, các trường ĐH cũng cần đảm bảo được mục tiêu QBTS cho mình. Song, đầu vào tốt mới đảm bảo được chất lượng đầu ra và thương hiệu nhà trường. Sự gắn kết giữa trường ĐH và trường phổ thông để hài hòa lợi ích các bên, vừa thực hiện mục tiêu giáo dục, hướng nghiệp và tuyển sinh đáp ứng mong đợi của cả trường phổ thông, ĐH và học sinh rất cần thiết.
Xây dựng những chương trình TVHN-QBTS với cách làm phù hợp là điều cần hướng tới. Theo ông Dũng, hiện nay, từ đầu năm học nhà trường tận dụng công nghệ làm các điều tra cho học sinh chọn ngành nghề thông qua bộ câu hỏi định hướng nghề nghiệp, sau đó phân loại học sinh theo các nhóm ngành nghề. Nhà trường đặt hàng các đơn vị đào tạo ĐH về chia sẻ theo từng nhóm ngành nghề học sinh quan tâm, ưu tiên thời lượng chính nói về thông tin ngành nghề đó, xu hướng việc làm trong 5 - 7 năm tới, sau đó mới dành thời lượng ngắn để giới thiệu về đơn vị đào tạo của họ gắn về các ngành nghề liên quan. Đây là cách làm có thể vẹn cả đôi đường.
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng cho rằng, nên kết hợp nhiều trường để cùng tư vấn cho học sinh thông qua hình thức trực tuyến vào thời gian ngoài giờ chính khóa. Điều này sẽ tiện để học sinh tập trung đầy đủ, lắng nghe và tiếp cận.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, nên xây dựng các chương trình Open day - trải nghiệm tại trường ĐH hiệu quả, phối hợp các trường phổ thông cho học sinh đăng ký theo nhu cầu. Bên cạnh đó, công tác phối hợp hướng nghiệp cho học sinh nên làm sớm, ngay từ lớp 9 - 10, vì hướng nghiệp cho học sinh lớp 12 đã muộn.
Bài, ảnh: Hữu Phúc