ClockThứ Năm, 01/09/2016 14:17

Nhiều đại học không tuyển bổ sung đợt 2

Kết thúc xét tuyển bổ sung đợt 1, nhiều trường top trên nhận số hồ sơ đăng ký sát với chỉ tiêu, trường top giữa còn thiếu. Song nguồn tuyển gần như cạn kiệt nên lãnh đạo nhiều đại học cho biết sẽ không tuyển bổ sung đợt 2.

Sáng 1/9, ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, 12 trường nhóm GX đã tuyển gần như đủ chỉ tiêu và xác định không tuyển bổ sung đợt tiếp theo. Riêng Bách khoa nhận được hơn 1.000 hồ sơ, xác định tuyển đủ hơn 600 chỉ tiêu còn thiếu.

Ông Phạm Văn Bổng, Hiệu phó Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết, trường tuyển bổ sung 700 chỉ tiêu, số hồ sơ đăng ký xét tuyển đợt này khoảng 1.000. Trường xác định sẽ không tuyển bổ sung đợt 2 dù số hồ sơ này vẫn có tỷ lệ ảo.

Thí sinh đến nộp hồ sơ xét tuyển bổ sung nguyện vọng 1 tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Phương Hòa

Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhận được 502 hồ sơ đăng ký trong khi chỉ tiêu còn thiếu là hơn 500. Thí sinh nộp hồ sơ đông vào những ngày đầu còn ngày cuối thì hầu như không có. "Chắc chắn số nộp vào vẫn có tỷ lệ ảo. Nếu cần tuyển đủ chỉ tiêu thì trường phải gọi gấp 3 lần nhưng chúng tôi chỉ gọi ở mức thấp 150% và không tuyển bổ sung đợt 2", ông Mai Đức Ngọc, Trưởng ban Đào tạo Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết.

Đại học Lâm nghiệp xét tuyển bổ sung 800 chỉ tiêu, đến ngày cuối 31/8 trường nhận được 600 hồ sơ đăng ký. Đại học Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên nhận được hơn 200 hồ sơ trong khi tuyển bổ sung hơn 600 chỉ tiêu. Lãnh đạo trường cho biết chỉ tuyển sinh nốt đợt này bởi xác định nguồn tuyển gần như đã cạn. 

Tại TP HCM, đa số trường cũng không xét tuyển bổ sung đợt 2. PGS.TS Nguyễn Minh Hà, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Mở TP HCM, thông tin trường đã nhận được 1.350 hồ sơ đăng ký xét tuyển cho 380 chỉ tiêu. Dù tỷ lệ ảo cao, nhưng với lượng hồ sơ lớn, ông Hà dự báo sẽ tuyển đủ. "Trường sẽ không tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 2 nữa để bắt tay vào chương trình đào tạo", ông Hà nói.

Kết thúc đợt 1 tuyển bổ sung, Đại học Công nghệ TP HCM nhận được 2.650 hồ sơ đăng ký với phổ điểm trung bình 16-19. Mức điểm trúng tuyển của nhiều ngành tăng từ 0,5-2 so với nguyện vọng 1. Trong đó, ngành Dược có điểm chuẩn là 20; tiếp theo là ngành Truyền thông đa phương tiện và ngành Ngôn ngữ Nhật 17; khối ngành năng khiếu, kiến trúc tăng thêm 1 điểm là 19. Hội đồng tuyển sinh của Đại học Công nghệ TP HCM quyết định không tuyển bổ sung đợt 2.

Đại học Kinh tế - Tài chính TP HCM cũng vừa công bố điểm trúng tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 1 theo phương thức xét tuyển kết quả thi THPT quốc gia vào các ngành đào tạo trình độ đại học, cao đẳng. Trong đó, ngành có mức điểm cao nhất là Ngôn ngữ Anh 19, tiếp đến là Thương mại điện tử, Quan hệ công chúng 18; các ngành còn lại đều tăng từ 1 đến 2 điểm so với nguyện vọng 1. Đại học Kinh tế - Tài chính TP HCM vì thế không xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 2.

Trong khi đó, tại Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, điểm chuẩn nguyện vọng bổ sung không thay đổi so với điểm nhận hồ sơ. Ngành Công nghệ Thực phẩm lấy điểm cao nhất là 20,25; tiếp đó là Quản trị kinh doanh, Công nghệ sinh học, Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm lấy 19 điểm.

Lịch xét tuyển đại học 2016. Đồ họa: Tiến Thành - Hoàng Thùy

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đợt xét tuyển nguyện vọng 1 (1-12/8) có 398.000 thí sinh đăng ký, số xác nhận nhập học là 230.000. Như vậy, còn 168.000 thí sinh nhưng không tham gia đăng ký xét tuyển.

Trong đợt 1 xét tuyển bổ sung (21-31/8), có khoảng 48.800 thí sinh đăng ký vào gần 81.000 lượt trường với 144.000 nguyện vọng. Số liệu này cho thấy nhiều thí sinh chỉ đăng ký xét tuyển vào một trường với 3 nguyện vọng trong tổng số 6 nguyện vọng được phép đăng ký tối đa. Như vậy, còn rất nhiều em đủ điều kiện xét tuyển nhưng đăng ký.

Lý giải điều này, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho rằng, quy chế năm nay ưu tiên cho thí sinh chọn ngành yêu thích, không khuyến khích các em cố đỗ vào đại học bằng mọi giá. Rất nhiều thí sinh đạt điểm cao nhưng không trúng tuyển vào ngành mình yêu thích đã không nộp đơn xét tuyển vào ngành khác mà chấp nhận học lại để sang năm thi. Ngoài ra, một lượng lớn thí sinh trúng tuyển bằng học bạ qua đề án tự chủ tuyển sinh của nhiều trường, đi du học nước ngoài, đi học nghề hoặc tham gia thị trường lao động.

"Đại học giờ không còn là lựa chọn duy nhất của thí sinh, nên các trường cũng phải có chiến lược điều chỉnh cho phù hợp khi thí sinh đòi hỏi chất lượng đào tạo cao hơn, yêu cầu khi tốt nghiệp đại học có nhiều cơ hội việc làm hơn", ông Ga nói.

Theo VnExpress

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top