ClockChủ Nhật, 07/01/2018 14:45

Sư phạm vẫn là ngành đào tạo được quan tâm

TTH - Trở về từ hội thảo “Tác động của chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm đến chất lượng tuyển sinh và đào tạo giáo viên” do Văn phòng Chương trình khoa học giáo dục - Bộ GD&ĐT tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, PGS. TS. Nguyễn Thám, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm – ĐH Huế đã có cuộc trao đổi với Thừa Thiên Huế Cuối tuần về những vấn đề liên quan.

Trường ĐH Sư phạm tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt NamBộ trưởng GD-ĐT: Năm 2018 điểm đầu vào sư phạm nằm trong top đầuGần 1.100 tân sinh viên Trường ĐH Sư phạm bước vào năm học mớiKhảo sát chính thức phục vụ đánh giá ngoài Trường ĐH Sư phạmTrường đại học Sư phạm Huế: Giảm lượng, nâng chất

PGS. TS. Nguyễn Thám. Ảnh: Lê Thọ

Mục tiêu của miễn học phí để thu hút người học, người tài. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng chính sách vẫn chưa đủ sức hấp dẫn, vì thế nhiều người chọn nghề khác để có thu nhập cao hơn, tương xứng hơn với giá trị lao động?

Tôi tham gia công tác quản lý trường sư phạm khá nhiều năm và cùng với thời kỳ thực hiện chính sách miễn giảm học phí cho sinh viên sư phạm và chứng kiến những tác động của chính sách này. Từ năm 1998, khi có chính sách miễn giảm học phí cho sinh viên sư phạm, đây cũng là thời kỳ có sự cân đối cung - cầu giữa đào tạo và tuyển dụng giáo viên, hầu hết sinh viên sư phạm ra trường theo đuổi nghề mình đã chọn. Rất nhiều trường sư phạm trong thời gian này có điểm đầu vào cao, tỷ lệ chọi lớn, nhiều trường sư phạm thu hút được sinh viên giỏi và có phẩm chất, năng lực phù hợp vào trường.

Trong vài năm trở lại đây, đặc biệt là “cơn lốc” tuyển sinh sư phạm năm 2017, nhìn chung mặt bằng điểm tuyển sinh không cao, sinh viên giỏi không mặn mà với sư phạm. Điều đó cho thấy, chính sách miễn giảm học phí không còn là động lực chính trong thu hút sinh viên vào trường sư phạm nữa. Điều cơ bản là sinh viên sư phạm ra trường tìm kiếm việc, nhất là việc làm mà họ đã chọn diễn ra trong điều kiện cạnh tranh gay gắt và mức thu nhập của giáo viên chưa tương xứng với giá trị lao động. Xin nói thêm, nhà giáo không “nhàn” nếu thực hiện đầy đủ chức trách và lương tâm nghề nghiệp.

Nhiều ý kiến đưa ra nên có chính sách khác dành cho sinh viên sư phạm. Thay vì miễn học phí, cần có những quỹ học bổng lớn, đầu tư nâng cấp chất lượng đào tạo giáo viên, chế độ lương thưởng cho giáo viên trong tương lai cao... Còn ý kiến của ông?

Tôi còn nghe ý kiến rằng “bỏ ngay lập tức” chính sách miễn giảm học phí cho sinh viên sư phạm. Nhưng cá nhân tôi có cái nhìn khác. Đồng ý mức cấp bù kinh phí đào tạo sư phạm trung bình 8.000.000 đồng/sinh viên/năm như năm học 2017-2018 thấp hơn nhiều mức thu học phí của rất nhiều ngành của nhiều trường hiện nay. Hơn nữa, các trường sư phạm với chính sách miễn giảm học phí nên tất cả các hoạt động giảng dạy, giáo dục, nghiên cứu khoa học, các hoạt động của sinh viên không thu bất kỳ kinh phí nào, do vậy rất khó khăn trong đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên. Nhưng trong khi chúng ta chưa giải quyết được cái “gốc”, chưa tìm ra giải pháp tối ưu thì việc bỏ chính sách miễn giảm học phí khiến các trường sư phạm càng khó khăn trong tuyển sinh.

Nên chăng cấp bù kinh phí đào tạo sư phạm trên cơ sở tính đủ cho công tác đảm bảo chất lượng. Việc thực hiện một chính sách nhân văn và nhạy cảm cần có những nghiên cứu đồng bộ và có lộ trình thực hiện.

Một tiết học của sinh viên Trường ĐH Sư phạm – ĐH Huế. Ảnh: Ngọc Hà

Gần đây, việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm đặt ra câu hỏi lớn khi họ không xin được việc làm, trong đó có không ít sinh viên giỏi. Gốc rễ vấn đề này do đâu, thưa ông?

Sinh viên tốt nghiệp ra trường khó khăn trong tìm kiếm việc làm không chỉ riêng ngành sư phạm. Nhưng dư luận quan tâm nhiều đến sinh viên sư phạm thể hiện sự quan tâm của cộng đồng đến giáo dục. Hiện nay, cả nước có trên 120 cơ sở đào tạo giáo viên thuộc nhiều cấp học và cấp quản lý khác nhau. Mặc dù Bộ GD&ĐT chủ trương giảm chỉ tiêu đào tạo sư phạm, chẳng hạn năm 2017 giảm 20% so với năm 2016, nhưng trên thực tế chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm năm 2017 khoảng 54.000, trong lúc nhu cầu tuyển dụng giáo viên rất ít (trừ một số ngành của một số địa phương).

Gốc rễ vấn đề thì ai cũng nhận diện được, vấn đề cơ bản là quyết tâm, đồng bộ để tìm giải pháp thực hiện. Theo tôi, trước hết là công tác quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo giáo viên, mặc dù vẫn biết đây là vấn đề rất khó khi "đụng" đến con người, "đụng" đến cơ chế quản lý không thống nhất như hiện nay. Nhưng không giải quyết được vấn đề quy hoạch mạng lưới theo hướng giảm hẳn các cơ sở đào tạo giáo viên trên cơ sở năng lực các trường sư phạm và dự báo nhu cầu nguồn nhân lực ngành giáo dục thì những chính sách liên quan đến sư phạm khó thực hiện cho tốt.

Trên cơ sở quy hoạch mạng lưới, Bộ GD&ĐT thống nhất quản lý chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm. Ngoài ra, tập trung đầu tư cho các trường sư phạm đủ năng lực để nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên; đổi mới công tác quản lý giáo dục, công tác tuyển dụng giáo viên; có các chính sách, trong đó có chính sách lương cho nhà giáo, xây dựng niềm tin của cộng đồng, nhà trường và thầy cô giáo… tạo động lực cho giáo viên trong phát triển nghề nghiệp…

Tương lai, theo ông cần điều chỉnh chính sách này ra sao cho phù hợp?

Trong khi chưa có giải pháp tối ưu thay thế cho chính sách hiện tại thì chưa nên bỏ chính sách miễn giảm học phí. Đây mặc dù không phải là động lực chính nhưng vẫn còn tác dụng, và để các trường sư phạm nâng cao chất lượng thì cần phải tính đến việc cấp bù kinh phí đào tạo sư phạm trên cơ sở tính đủ cho việc đảm bảo chất lượng đào tạo. Những chính sách cho tương lai phụ thuộc vào việc thực hiện có kết quả những vấn đề “gốc” của đào tạo sư phạm - nhân tố quan trọng đối với chất lượng giáo viên – nhân tố quyết định chất lượng nền giáo dục. Và một khi làm được, những tồn tại đã nêu sẽ được khắc phục.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

PHAN THÀNH (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Phụ kiện xe VIP - Nơi mua sắm phụ kiện ô tô chất lượng và uy tín hàng đầu Việt Nam

Phụ kiện xe VIP - Nơi mang đến giải pháp hoàn hảo cho chiếc xe của bạn. Với hơn 3 năm kinh nghiệm, chúng tôi tự tin cung cấp sản phẩm chất lượng, dịch vụ hậu mãi tốt, và giá cả cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của từng khách hàng. Với các mẫu mã không ngừng cập nhật và cải tiến để phù hợp với xu hướng thị trường, đảm bảo rằng khách hàng luôn tìm thấy những lựa chọn mới nhất và tốt nhất cho xế yêu của mình.

Phụ kiện xe VIP - Nơi mua sắm phụ kiện ô tô chất lượng và uy tín hàng đầu Việt Nam
Bảo đảm chất lượng các dự thảo luật, nghị quyết trình Quốc hội biểu quyết thông qua

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các ủy ban chủ trì thẩm tra khẩn trương phối hợp với cơ quan hữu quan hoàn chỉnh báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo luật, nghị quyết bảo đảm chất lượng, sớm gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, bảo đảm đủ thời gian cần thiết để nghiên cứu trước khi biểu quyết thông qua.

Bảo đảm chất lượng các dự thảo luật, nghị quyết trình Quốc hội biểu quyết thông qua

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top