ClockThứ Năm, 30/07/2020 06:15

Thêm nhiều ngành liên quan các vấn đề quốc tế

TTH - Nhu cầu của thí sinh về ngành nghề cạnh tranh lao động quốc tế ngày càng cao trong khi các cơ sở đào tạo cũng đang giải bài toán về nhân lực trình độ quốc tế. Năm 2020, nhiều ngành mới được mở ra hướng đến chuẩn bị nguồn nhân lực có trình độ về các vấn đề quốc tế được xem là cơ hội cho cả người học và đơn vị đào tạo.

Nhiều ngành thu hút thí sinh đăng ký xét tuyển học bạĐảm bảo công bằng cho thí sinh tự doThêm cơ hội từ phương thức xét tuyển mới

Nhu cầu của thí sinh về ngành nghề liên quan đến các vấn đề quốc tế đang cao (Ảnh minh họa)

Nhu cầu cao

Mùa tuyển sinh 2020, nhiều thí sinh đặt ra những câu hỏi cho bộ phận tuyển sinh các trường, trong đó, không ít thắc mắc của thí sinh liên quan đến vấn đề: Học ngành gì để ra trường làm việc trong môi trường quốc tế, hay muốn cạnh tranh việc làm ở các nước trong khu vực, nên chọn những ngành gì?...

Nhu cầu của người học về các ngành liên quan đến quốc tế không phải mới, nhưng vài năm trở lại đây có xu hướng tăng cao trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng và ngày càng có nhiều người Việt thành công trên các lĩnh vực ở tầm quốc tế. Đồng thời, thị trường lao động ở các quốc gia rộng mở khi nhân lực đáp ứng các yêu cầu, điều kiện.

Nguyễn Thành Trung, học sinh một trường THPT tại TP. Huế chia sẻ: “So sánh về thu nhập hay cơ hội phát triển, nếu được làm các công việc ở môi trường quốc tế luôn là một điều mơ ước của rất nhiều người. Tuổi trẻ năng động và muốn thử thách bản thân nên tụi em mong muốn sau này được thử sức ở môi trường làm việc hiện đại”.

 Sinh viên Khoa Quốc tế - ĐH Huế học tập

Một trong những minh chứng dễ thấy là ngay trong đợt 1 xét tuyển học bạ vừa qua, số nguyện vọng thí sinh đăng ký xét tuyển cũng khá lớn. Đơn cử như ngành Quốc tế học (Trường ĐH Ngoại ngữ) có đến 149 nguyện vọng đăng ký/40 chỉ tiêu, ngành Quan hệ Quốc tế (Khoa Quốc tế) đạt đến 344% nguyện vọng đăng ký so với chỉ tiêu; hay ngành Đông phương học cũng đạt 210% nguyện vọng đăng ký so với chỉ tiêu.

ThS. Phan Thanh Tiến, Phó Trưởng phòng Đào tạo, đại diện bộ phận tuyển sinh Trường ĐH Ngoại ngữ cho rằng, thí sinh khi nghe đến tên quốc tế khá hào hứng. Trong đào tạo, mục tiêu của các ngành về quốc tế là nghiên cứu sâu những vấn đề của các quốc gia không chỉ trên một vài lĩnh vực, đồng thời còn trang bị kỹ ngoại ngữ cho sinh viên nên nhiều người học lựa chọn.

Đáp ứng về ngành nghề

Theo đại diện Hội đồng Tuyển sinh ĐH Huế, năm 2020, ĐH Huế tuyển sinh các ngành liên quan đến mục tiêu trang bị cho sinh viên có đầy đủ kiến thức và kỹ năng trong bối cảnh ngày càng gia tăng các mối quan hệ kinh tế, chính trị và văn hóa trên bình diện quốc tế. Bên cạnh các ngành như Quốc tế học (Trường ĐH Ngoại ngữ), Đông phương học (Trường ĐH Khoa học), ĐH Huế mở thêm các ngành như Quan hệ quốc tế (Khoa Quốc tế), Kinh tế quốc tế (Trường ĐH Kinh tế)…

Mỗi ngành đào tạo liên quan đến các vấn đề quốc tế có chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo riêng. Song, sẽ tập trung giải quyết các vấn đề kiến thức và kỹ năng cần thiết cho sinh viên, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và môi trường công việc thực tế.

PGS.TS. Nguyễn Hoàng Khánh Linh, phụ trách Khoa Quốc tế cho biết, nếu như Quốc tế học cung cấp cho người học một cái nhìn tổng quan, hướng đến đào tạo các nhà nghiên cứu quốc tế thì Quan hệ quốc tế hướng đến đào tạo cán bộ nghiệp vụ ngoại giao, đi sâu vào các khía cạnh của các vấn đề toàn cầu giữa các nước thông qua hệ thống quốc tế, bao gồm các quốc gia, tổ chức đa chính phủ, tổ chức phi chính phủ và các công ty đa quốc gia. Quan hệ quốc tế còn quan tâm đến những lĩnh vực khác nhau như kinh tế, lịch sử, luật, triết học...

“Sinh viên theo học ngành Quan hệ Quốc tế sẽ được cung cấp những kiến thức cơ bản về lịch sử - chính trị thế giới hiện đại; kiến thức về khoa học chính trị; những lý thuyết, trường phái cơ bản trong quan hệ quốc tế; kiến thức cơ bản về luật quốc tế; nắm vững chính sách đối ngoại của Việt Nam; hiểu biết về chính sách đối ngoại các nước lớn trên thế giới; kiến thức nền tảng về văn hóa-tôn giáo thế giới; kiến thức cơ bản về tổ chức và hoạt động của các tổ chức quốc tế”, đại diện Khoa Quốc tế thông tin thêm.

Theo lãnh đạo các cơ sở đào tạo ĐH tại Huế, về cơ hội việc làm, tất cả các ngành đào tạo trên đều có thể giúp người học có được việc làm ở cơ quan quốc tế. Các chương trình giúp người học có cơ hội tiếp xúc với các hoạt động mang tính quốc tế, như trở thành những nhà ngoại giao làm việc cho Chính phủ, hoặc làm công tác quan hệ quốc tế trong các tập đoàn kinh tế, dịch vụ, văn hóa và du lịch, lữ hành quốc tế, khách sạn hay làm việc trong các cơ quan đại diện của người Việt Nam và người nước ngoài, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ...

Tuy nhiên, trên hết vẫn là nỗ lực của sinh viên trong quá trình học, phải có đam mê và biết hoạt động tích cực, tiếp xúc nhiều, rèn luyện kỹ năng ngoại ngữ, người học mới có thể nắm bắt được cơ hội và lựa chọn được công việc mình thích.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhật Quyên với “Trường học ‘không tường’”

Tại giải thưởng Kiến trúc Xanh sinh viên năm 2024 – SGA 2024, Khoa Kiến trúc, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế vinh dự có 2/19 đồ án được trao giải. Đồ án tốt nghiệp “OTT – Trường học ‘không tường’ – Không gian trải nghiệm hành trình xanh” của sinh viên Nguyễn Hoàng Nhật Quyên (sinh năm 2001) nhận được nhiều sự khen ngợi từ ban giám khảo và giành giải Nhì toàn quốc.

Nhật Quyên với “Trường học ‘không tường’”
NGÀNH NGHỆ THUẬT ĐẶC THÙ:
Lận đận tuyển sinh

Dù việc tuyển sinh những năm gần đây có tín hiệu tích cực, nhưng một số ngành đặc thù liên quan đến văn hóa nghệ thuật vẫn rơi vào tình cảnh khó tìm học sinh, sinh viên. Đó là điều mà Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật (TCVHNT) Thừa Thiên Huế đang phải đối mặt.

Lận đận tuyển sinh

TIN MỚI

Return to top