Khoa Du lịch - ĐH Huế tư vấn tuyển sinh ở tỉnh Quảng Trị
Quảng bá theo cách mới
Khác với mọi năm là các trường thành viên tự tổ chức tư vấn, quảng bá tuyển sinh và ĐH Huế có đợt triển khai riêng thì năm nay, hoạt động này được tổ chức tập trung, do ĐH Huế chủ trì và có sự tham dự đầy đủ của các đơn vị trực thuộc. Tại các điểm, ĐH Huế tổ chức một gian hàng chung để giới thiệu thông tin tổng quan về ĐH Huế và các đơn vị thành viên, các ngành nghề đào tạo. Trong gian hàng lớn chia ra từng gian nhỏ để các trường, khoa và phân hiệu tư vấn thông tin chuyên sâu các ngành học, đồng thời phát các sổ tay và tờ rơi cho thí sinh. “Cách làm mới giải quyết được truyền thông tập trung, số liệu chuẩn, thống nhất trong toàn ĐH Huế nên học sinh các trường trung học phổ thông dễ tiếp cận”, TS. Hoàng Tịnh Bảo, Trưởng ban Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH Huế nói.
Tính đến ngày 25/2, ĐH Huế đã tổ chức 3 đợt tư vấn, quảng bá tuyển sinh tại 3 “thị trường” lớn thường thu hút thí sinh là Huế (27/1), Đà Nẵng (28/1) và Quảng Trị (25/2). Trong tháng 3/2018, ĐH Huế tiếp tục đến Quảng Nam, Quảng Ngãi để tổ chức hoạt động này. Với những tỉnh, thành xa, ĐH Huế có các đợt tư vấn, quảng bá tuyển sinh quy mô nhỏ, chủ yếu phát phụ trương, tờ rơi giới thiệu ĐH Huế, các trường thành viên và các ngành học, đồng thời sẽ làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh để định hướng nghề nghiệp cho người học. Quan điểm năm nay của ĐH Huế là không làm dàn trải, chỉ tập trung tổ chức tư vấn, quảng bá tuyển sinh ở những địa phương có lượng thí sinh nộp hồ sơ đăng ký vào ĐH Huế các năm cao để tiết kiệm kinh phí và tăng tính hiệu quả.
Việc tư vấn, quảng bá tuyển sinh trực tuyến cũng được khởi động. ĐH Huế vừa nâng cấp lại trang tuyển sinh, liên kết tốt hơn với bộ phận tuyển sinh các trường, giúp giải đáp tốt các thông tin, thắc mắc của thí sinh và xã hội. Bộ phận tư vấn, quảng bá tuyển sinh ĐH Huế cũng đã hoạt động “tính năng” giải đáp thắc mắc của người học, phụ huynh và xã hội qua hệ thống email, mạng xã hội và điện thoại. Những ngày qua, đã có thí sinh liên lạc nhờ giải đáp thắc mắc và cơ bản được đáp ứng nhanh, kịp thời.
Hiện, các thông tin liên quan đến tuyển sinh đều được đăng tải sớm lên trang tuyển sinh ĐH Huế. Ngoài các thông tin hỏi – đáp tuyển sinh, ĐH Huế chia thành các mục thông tin: thông báo tuyển sinh, thông báo thi năng khiếu và các thông tin quảng bá khác để người học dễ theo dõi. Các thông tin tuyển sinh, ngành học cũng được sắp xếp thuận lợi để thí sinh dễ tìm kiếm. Cùng với trang web tuyển sinh của ĐH Huế thì các trường thành viên, khoa trực thuộc và phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị cũng đã có sự chuẩn bị tốt hạ tầng công nghệ để đáp ứng nhiệm vụ quảng bá tuyển sinh khi mùa tuyển sinh 2018 đang nóng dần sau tết Mậu Tuất.
Bước đầu có hiệu quả
Phải đến khi kỳ tuyển sinh kết thúc mới đánh giá mức độ thành công của công tác tư vấn, quảng bá tuyển sinh, song bước đầu cũng đã thấy hiệu quả của cách làm mới. Tại đợt tư vấn, quảng bá tuyển sinh, ĐH Huế cùng các trường thành viên đón khoảng 5.000 thí sinh đến tìm hiểu; con số này tại Đà Nẵng là gần 3.000 thí sinh và tại Quảng Trị là hơn 1.000 thí sinh. “Lượng thí sinh tập trung đến gian hàng của ĐH Huế chiếm phần lớn. Đặc biệt, ngay tại Đà Nẵng, vì ĐH Đà Nẵng không làm tập trung, chỉ có gian hàng của Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng nên ĐH Huế với tư cách là đơn vị ĐH công, thu hút rất nhiều thí sinh quan tâm, tìm hiểu các ngành học. Đây là một thành công ngoài mong đợi. Cũng với cách làm năm nay, dư luận xã hội đánh giá cao việc ĐH Huế thể hiện được tính chất mái nhà chung, điều đó góp phần khẳng định thương hiệu ĐH Huế”, ông Bảo nói.
Ông Trần Hữu Dực, Hiệu trưởng Trường THPT Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) cho rằng, năm nay ĐH Huế làm quảng bá tuyển sinh hay, giải đáp được thắc mắc của lãnh đạo các trường và thí sinh liên quan đến nhiều góc độ, vấn đề khác nhau. “Thông tin này không chỉ cần thiết với thí sinh mà còn giúp ban giám hiệu các trường định hướng tốt cho học sinh chọn ngành nghề. Đơn cử như trường tôi ở xa, học sinh chưa có điều kiện tham gia đợt tư vấn lần này. Việc ĐH Huế mời tôi đại diện trường tham dự, tiếp cận các thông tin tuyển sinh của ĐH Huế cũng là cơ hội để tôi có những thông tin chuẩn hơn sau đó về trường định hướng cho học sinh của mình vào các giờ chào cờ, các hoạt động sinh hoạt hướng nghiệp”, ông Dực nói.
Một hiệu quả nữa từ cách làm tập trung trong tư vấn, quảng bá tuyển sinh là giúp ĐH Huế và các đơn vị thành viên tiết kiệm kinh phí. Năm 2017, toàn ĐH Huế bỏ ra khoảng 2,1 tỷ đồng cho hoạt động tư vấn, quảng bá tuyển sinh, còn năm nay dù chưa tổng kết được con số chính xác, nhưng kinh phí các trường bỏ ra cho hoạt động này giảm đi nhiều. “Hàng năm, các trường bỏ ra hàng trăm triệu cho hoạt động tư vấn, quảng bá tuyển sinh nhưng tính hiệu quả vẫn còn chừng mực. Năm nay, ĐH Huế làm chung với các trường, ngoài hiệu quả về mức độ quan tâm của thí sinh thì chi phí chung cho hoạt động này ở các trường cắt giảm nhiều, nhất là chi phí các khoảng từ xe, kinh phí tổ chức, cơ sở vật chất…”, ông Bảo nói.
Nguyễn Thị Ngọc My, học sinh Trường THPT Lê Lợi (TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) chia sẻ: “Chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp của ĐH Huế năm nay giúp ích thí sinh rất nhiều, nhất là với những thí sinh chọn ĐH Huế để đăng ký xét tuyển, sẽ có cơ hội để so sánh giữa các ngành, các trường trực thuộc qua đó đưa ra lựa chọn phù hợp”.
Bài, ảnh: Hữu Phúc