ClockThứ Bảy, 10/06/2017 05:46

Tuyển sinh ngành năng khiếu, nghệ thuật tụt dốc

TTH - Chưa khi nào tuyển sinh ngành năng khiếu, nghệ thuật tại Trường đại học (ĐH) Nghệ thuật, Khoa Giáo dục thể chất (GDTC) thuộc ĐH Huế lại rơi vào cảnh èo uột, vắng bóng thí sinh như hiện nay. Số liệu thí sinh đăng ký nhập học tuột dốc theo từng năm.

Sinh viên Trường ĐH Nghệ thuật - ĐH Huế trong giờ thực hành

Có ngành không tuyển được sinh viên

Thống kê từ ĐH Huế, trong đợt tuyển sinh năm 2016, Trường ĐH Nghệ thuật chỉ tuyển sinh được 63 thí sinh, đạt 30% so với 210 chỉ tiêu đề ra trước đó; trong đó, có 55 thí sinh trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển dựa vào kết quả điểm thi kỳ thi THPT quốc gia và 8 thí sinh trúng tuyển theo đề án tuyển sinh riêng.

"Bi đát" nhất là ngành đồ họa, với 10 chỉ tiêu nhưng không tuyển sinh được thí sinh nào. Tiếp đến, ngành điêu khắc chỉ tuyển được 1 thí sinh trong số 5 chỉ tiêu đề ra. Các ngành sư phạm mỹ thuật (30 chỉ tiêu) và hội họa (20 chỉ tiêu) nhưng chỉ tuyển được 3 thí sinh/ngành. Ngành thiết kế nội thất cũng chỉ tuyển được 10 thí sinh/60 chỉ tiêu và ngành thiết kế thời trang cũng 10 thí sinh/25 chỉ tiêu. Ngành học khả quan nhất là thiết kế đồ họa nhưng cũng chỉ tuyển được 36 thí sinh trong số 60 chỉ tiêu (đạt 60%).

Không riêng gì năm 2016, số liệu thí sinh trúng tuyển của Trường ĐH Nghệ thuật – ĐH Huế những năm trước đó rất thấp. Cụ thể năm 2012, trường tuyển được 153 thí sinh/180 chỉ tiêu. Đến năm 2013, chỉ tiêu của trường này tăng lên 260 và trường tuyển được 167 thí sinh. Năm 2014 khả quan hơn khi trường tuyển được 174 thí sinh trong tổng số 225 chỉ tiêu. Năm 2015, số chỉ tiêu giảm còn 210 nhưng chỉ tuyển được 82 thí sinh; trong đó, có hai ngành hội họa và đồ họa không tuyển được thí sinh. Đến kỳ tuyển sinh 2016, Trường ĐH Nghệ thuật chỉ tuyển được 63 thí sinh, đạt 30% so với 210 chỉ tiêu. Kỳ tuyển sinh 2017 năm nay, chỉ tiêu cũng không mấy khả quan khi trường giảm xuống còn 135 chỉ tiêu cho 7 ngành.

Những năm trở lại đây, việc tuyển sinh của trường Trường ĐH Nghệ thuật - ĐH Huế gặp nhiều khó khăn

Không chỉ Trường ĐH Nghệ thuật, các ngành năng khiếu khác thuộc ĐH Huế cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Có thể thấy rõ nhất đó là Khoa GDTC, từ kỳ tuyển sinh năm 2012 về trước luôn tuyển đủ, thậm chí tỉ lệ chọi của khoa luôn ở “top” cao. Thế nhưng, đến năm 2013, tỉ lệ bắt đầu giảm nhẹ, tuyển được 174/220 chỉ tiêu. Năm 2014, tuyển 170 thí sinh/180 chỉ tiêu. Năm 2015, chỉ tuyển được 23 thí sinh/167 chỉ tiêu, chưa đến 14%. Đến năm 2016, khoa này chỉ tuyển được 14 thí sinh… trong số 150 chỉ tiêu, đạt 9,4%. Kỳ tuyển sinh 2017 này, khoa giảm chỉ tiêu xuống còn 85 chỉ tiêu.

Đối mặt với nhiều khó khăn

Hơn 900 HSĐKDT các môn năng khiếu vào ĐH Huế

Thông tin từ ĐH Huế, tính đến ngày 1/6 đã nhận được 906 hồ sơ đăng ký dự thi (HSĐKDT) các môn năng khiếu. Trong đó, 44 HSĐKDT khối T (Khoa GDTC)/85 chỉ tiêu; 110 HSĐKDT khối V (ngành Kiến trúc, ĐH Khoa học)/150 chỉ tiêu; 74 HSĐKDT khối H (Trường ĐH Nghệ thuật))/135 chỉ tiêu; 678 HSĐKDT khối M (ngành Giáo dục mầm non, ĐH Sư phạm)/150 chỉ tiêu.

Thạc sĩ Đỗ Xuân Phú, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nghệ thuật – ĐH Huế cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng “tụt dốc không phanh”, khiến nhiều thí sinh không còn mặn mà với khối ngành nghệ thuật. Theo ông Phú, những năm gần đây Bộ GD & ĐT cho mở tràn lan các ngành văn hóa, nghệ thuật khắp cả nước. Những trường mở ngành sau bao giờ cũng “khôn” hơn các trường đi trước đó là hạ thời gian đào tạo xuống, thay vì một số ngành có thời gian đào tạo 5 năm bây giờ còn 4 năm. Ngoài ra, tâm lý phụ huynh không muốn con cái theo đuổi các ngành nghệ thuật với lý do khó xin việc cũng ảnh hưởng đến việc các em đăng ký theo học.

Trước thực trạng đó, ông Phú cũng đã đưa ra ý kiến xây dựng lại đề án báo cáo lên ĐH Huế và Bộ GD & ĐT để giảm tải chương trình đào tạo. Tuy nhiên, một số cán bộ nhà trường cho rằng, không nên hạ thấp chương trình đào tạo. “Nhưng theo tôi, đã đến lúc phải làm như vậy, phần vì nhu cầu xã hội, phần mình chắt lọc được thời gian, người học cũng thấy tiện ích”, ông Phú lý giải.

Việc đầu vào giảm cũng ảnh hưởng trực tiếp đến cán bộ giảng dạy, nhiều giảng viên thiếu giờ. Ở góc độ quản lý, ông Phú mong muốn các khoa “gánh” cho nhau. Thế nhưng, những ngành đào tạo sâu thì không thể “gánh” được. Để giải quyết tình trạng này, trước mắt phải để giảng viên làm việc hành chính cho đủ giờ, về lâu dài cũng phải tính toán lại. “Kỳ tuyển sinh năm nay, trường chú trọng vào việc quảng bá hình ảnh. Ngoài ra, có đội ngũ tư vấn đến tận một số trường THPT để giới thiệu cụ thể từng ngành của trường, cơ hội việc làm…Theo thống kê, đến thời điểm này có hơn 60 hồ sơ nộp về”, ông Phú nói.

Tương tự, Thạc sĩ Bùi Hoàng Phúc, Trưởng khoa GDTC ngán ngẩm khi nói về tình hình tuyển sinh mấy năm trở lại đây. Theo ông Phúc, không riêng gì khoa mà đây là thực trạng chung xảy ra ở nhiều trường đào tạo các ngành liên quan đến thể chất như ĐH Thể dục thể thao Đà Nẵng hay ĐH Thể dục thể thao Bắc Ninh. Nguyên nhân chính là việc thay đổi cơ chế tuyển sinh, phần còn lại do đầu ra, việc làm thời buổi hiện tại khó khăn nên thí sinh không mấy mặn mà đăng ký. “Trước kia khoa có con dấu, có tài khoản và có quyền tự chủ nhưng đến cuối năm 2014 thì hết rồi. Kể từ đó, mọi việc muốn đi quảng bá, giới thiệu thông tin đến với thí sinh cũng gặp khó khăn”, ông Phúc nói và cho biết thêm, đến 23/5, trường chỉ mới nhận được 19 hồ sơ trong số 85 chỉ tiêu.

PHAN THÀNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

NGÀNH NGHỆ THUẬT ĐẶC THÙ:
Lận đận tuyển sinh

Dù việc tuyển sinh những năm gần đây có tín hiệu tích cực, nhưng một số ngành đặc thù liên quan đến văn hóa nghệ thuật vẫn rơi vào tình cảnh khó tìm học sinh, sinh viên. Đó là điều mà Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật (TCVHNT) Thừa Thiên Huế đang phải đối mặt.

Lận đận tuyển sinh
Sáng tạo nghệ thuật từ cộng đồng

Tham gia các hoạt động hướng về cộng đồng và tìm hiểu, cảm nhận vùng đất mới là cách để sinh viên Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế thỏa sức sáng tạo nghệ thuật.

Sáng tạo nghệ thuật từ cộng đồng
Return to top