ClockThứ Ba, 29/09/2015 17:07

Vẫn còn trẻ khiếm thị chưa được đến trường

TTH - Khảo sát của Hội Người mù tỉnh cho thấy, năm học 2015-2016, toàn tỉnh có 55 em khiếm thị có khả năng đi học, Tuy nhiên, Trung tâm Hướng nghiệp trẻ em mù chỉ chiêu sinh được 3 em.

Rào cản từ gia đình

Trong quá trình điều tra, giáo viên ở Trung tâm Hướng nghiệp trẻ em mù trực tiếp đi đến các trạm y tế, bệnh viện mắt… để nắm thông tin về các cháu. Nhiều gia đình có trẻ khiếm thị nhưng khi cán bộ điều tra đến tìm hiểu tình trạng bệnh của trẻ, gia đình phản đối và giấu không muốn chia sẻ bệnh tật của con mình. Chính những điều này gây thiệt thòi cho trẻ vì khi can thiệp muộn, các cảm giác của trẻ không còn nhanh nhạy, dẫn đến kỹ năng sẽ chậm hơn so với trẻ được can thiệp sớm.

Cô giáo Yến Anh hướng dẫn các em học chữ braile

Ông Lê Văn Lộc, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh cho biết: “Giai đoạn can thiệp sớm đạt hiệu quả cao nhất là từ 0-6 tuổi, nếu để muộn trẻ rất khó hồi phục vì não phát triển rất nhanh, dễ bị tổn thương bởi môi trường xung quanh. Các em cần được hướng dẫn đặc biệt hoặc hỗ trợ và giúp đỡ gia đình sử dụng các phương pháp điều trị đáp ứng nhu cầu của trẻ,phát triển tối đa khả năng của các em”.

Những năm trước, Trung tâm Hướng nghiệp trẻ em mù chiêu sinh rất đông, có đợt gần 80 em. Tuy nhiên, gần đây, năm nào cũng chỉ được vài ba em. Mặc dù, trung tâm cử 4 đoàn giáo viên về các thôn ở các xã khó khăn để vận động gia đình đưa các em vào trung tâm nuôi dưỡng, học tập. Song, nhiều người nhất quyết không hợp tác, thậm chí họ đưa con đi giấu mỗi khi đoàn đến. Có nhiều cách thuyết phục, tạo điều kiện để phụ huynh đem con đến học. Chẳng hạn, trung tâm tạo điều kiện cho các bậc phụ huynh sáng đưa con đến, chiều đón về hoặc bố trí cho phụ huynh ở lại với con tại ký túc xá. Song, rất nhiều em lên học được một thời gian thì bố mẹ lại đưa về. Những năm sau, đoàn lại kiên trì đến vận động, nhiều em đã không còn khả năng đi học khi bệnh ngày càng nặng.

Chăm một trẻ khuyết tật là không dễ, nhất là một số gia đình có hoàn cảnh khó khăn, ở vùng nông thôn. Thế nhưng, họ muốn giữ con bên mình vì thương con, sợ các em chẳng biết xoay xở thế nào khi không có người thân bên cạnh. Họ có thể làm mọi việc cho các em từ ăn uống đến vệ sinh cá nhân, thậm chí, không cho các em đi ra ngoài vì sợ vấp ngã, sợ mọi người trêu chọc. Chị Nguyễn Thị Lan (Phong Điền) có hai con sinh đôi bị khiếm thị trải lòng: “Tôi cũng muốn cho cháu lên trung tâm để học lắm, nhưng ở cái làng quê bé nhỏ này đưa con ra khỏi làng là người ta dị nghị, bàn tán rằng, con khuyết tật nên không muốn nuôi, vứt bỏ chúng, nghe đau lòng lắm”. Chính sự bao bọc của phụ huynh khiến bệnh tình các em thêm nặng hơn.

BNhiều phụ huynh cho rằng, các cơ sở dạy trẻ thường từ chối khi đến đăng ký cho con theo học mẫu giáo. Hầu như, không có trẻ khiếm thị nào học hòa nhập ở các trường khi đang ở cùng bố mẹ, nếu chưa qua lớp tiền hòa nhập tại Trung tâm Hướng nghiệp trẻ em mù. Lý giải điều này, cô Nguyễn Thị Dung, giáo viên Trung tâm Hướng nghiệp trẻ em mù cho hay: Các em khó khăn trong định hướng di chuyển nên đi chậm, lệch hướng, hay bị va vấp. Hầu như, các em không thể tự phục vụ, sinh hoạt hàng ngày và không tham gia các trò chơi vận động thể dục, thể thao. Khi bắt đầu học, do không quan sát được, trẻ mù rất khó hoặc không thể bắt chước luyện theo hình miệng của giáo viên để phát âm. Vốn từ của trẻ thường nghèo nàn, thiếu nội dung cụ thể và mang tính hình thức. Do đó, trẻ khó diễn đạt một cách sát thực về sự hiểu biết của mình, đôi khi sai lệch so với thực tế. Trẻ mù viết chữ nổi không khó, nhưng các em gặp những khó khăn khi sửa bài viết bằng chữ nổi. Nguyên nhân là do chữ nổi không thể sửa bài bằng cách viết bổ sung, viết thêm vào phía trên hàng hoặc dưới hàng chữ đã viết.

Khi trẻ mất đi thị giác sẽ ảnh hưởng đến khả năng đi lại và tiếp nhận thông tin, dẫn đến chậm phát triển trí tuệ và kém linh hoạt. Các em thường ít nói, lo sợ trong việc ăn uống, ngại tiếp xúc với người xung quanh. Có em suốt ngày quanh quẩn ở nhà, chỉ có chiếc radio làm bạn nên không biết đối thoại khi tiếp xúc với mọi người. Thế nên, khi đến Trung tâm Hướng nghiệp trẻ em mù, giáo viên sẽ hướng dẫn các em làm tất cả mọi việc như trẻ bình thường như ăn uống, tắm giặt, chăm sóc bản thân, đi lại mà không cần giúp đỡ của người khác. Mặc dù, các em không nhìn được tốt nhưng khả năng nghe, xúc giác, vị giác vẫn hoạt động nên cần được giúp đỡ để phát huy tối đa. Hơn nữa, chơi đùa, kèm theo tập luyện sẽ giúp trẻ tự tin hơn khi vận động và sử dụng cơ thể.

Ông Đặng Công Chánh, Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp trẻ em mù cho biết: Trung tâm nuôi dưỡng khoảng 200 em khiếm thị. Các em đều được học hòa nhập, hàng chục em đỗ đại học, nhiểu em là thủ khoa, tốt nghiệp bằng giỏi ở các ngành học. Ngoài ra, các em học nghề, có việc làm ổn định và lập gia đình như những người bình thường khác. Trẻ khiếm thị hoàn toàn làm chủ cuộc sống của mình, vấn đề, các em phải được can thiệp sớm đúng thời điểm. Thời gian đến, chúng tôi tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương để chiêu sinh trẻ khiếm thị nhằm đảm bảo quyền lợi được đến trường cho các em.

Bài, ảnh: Huế Thu
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ĐẠI HỌC HUẾ HƯỚNG ĐẾN ĐẠI HỌC QUỐC GIA:
Nhiều tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu

Trong tiến trình xây dựng và phát triển, đặc biệt kể từ sau 30 năm tái thành lập, Đại học Huế (ĐHH) đã cơ bản đạt các tiêu chuẩn, tiêu chí để trở thành Đại học Quốc gia theo quy định.

Nhiều tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu
Ngôi trường có 15 cặp vợ chồng cùng công tác

Trường THPT Thừa Lưu đóng trên địa bàn thôn Phước Lộc, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, cách thành phố Huế 60km về phía nam, là nơi theo học của học sinh các xã Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh và thị trấn Lăng Cô. Trong chuyến công tác tại Trường, tôi có những ấn tượng đặc biệt đối với ngôi trường này.

Ngôi trường có 15 cặp vợ chồng cùng công tác
Chuyện nghề của những cô giáo mầm non

Làm cô giáo mầm non, cái nghề “sớm con muộn chồng” ấy trải qua biết bao câu chuyện buồn vui. Thật sự yêu nghề, mến trẻ bằng tất cả cái tâm sáng trong của một người mẹ thì các cô mới có thể làm tròn sứ mệnh của mình.

Chuyện nghề của những cô giáo mầm non
Return to top