ClockThứ Bảy, 19/12/2020 06:30

Xây dựng thương hiệu học viện âm nhạc Huế

TTH - Là một trong ba cái nôi đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp lớn của cả nước, Học viện Âm nhạc (HVAN) Huế đang từng bước xây dựng thương hiệu từ những việc nhỏ nhất, phát huy vai trò trong đào tạo tài năng âm nhạc... là chia sẻ của TS. Hà Mai Hương, Giám đốc Học viện Âm nhạc Huế trong cuộc trò chuyện với Thừa Thiên Huế Cuối tuần.

Ươm mầm đam mê với piano, guitarCông bố quyết định công nhận Hội đồng trường Học viện Âm nhạc Huế

TS. Hà Mai Hương, Giám đốc Học viện Âm nhạc Huế

Festival Piano – Guitar lần thứ nhất do HVAN Huế vừa tổ chức tại Nhà hát Sông Hương nhận được những phản hồi tích cực. Từ sân chơi này, học viện muốn hướng tới ươm mầm đam mê, truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ?

Đúng vậy, đó chính là mục đích của HVAN Huế khi tổ chức sân chơi âm nhạc này. Trong tương lai, chúng tôi sẽ tổ chức nhiều sân chơi âm nhạc có hình thức đa dạng hơn, dành cho nhiều đối tượng và lứa tuổi, với các chuyên ngành khác nhau, như: đàn hát dân ca Việt Nam, nhạc thính phòng, nhạc nhẹ và một số nhạc cụ khác…

Festival Piano – Guitar lần đầu tiên do HVAN Huế tổ chức tạo được hiệu ứng tốt nên tôi tin rằng, những lần sau sẽ thành công hơn nữa. Việc tổ chức các Festival âm nhạc không chỉ quảng bá cho hình ảnh học viện, tạo ra sân chơi cho các bạn trẻ yêu nhạc, ươm mầm tài năng mà còn thu hút sự quan tâm của mọi người đối với âm nhạc.

Đề cập đến tài năng âm nhạc, hình như lâu lắm rồi, Huế thiếu vắng những nghệ sĩ tên tuổi?

Đây là một thực tế mà chúng tôi luôn trăn trở. Trước đây, Trường Âm nhạc Huế (tiền thân của HVAN Huế) chỉ đào tạo trình độ trung cấp âm nhạc nhưng đã có những tên tuổi nghệ sĩ thành danh, như: Ánh Tuyết, Nhất Sinh, Mỹ Lệ, Vân Khánh, Giang Quân, Thiên Kim, Ngọc Mai… Còn bây giờ, HVAN Huế phát triển ở quy mô lớn hơn, là một trong ba cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp lớn của cả nước nhưng lại thiếu vắng những gương mặt tài năng.

Điều gì khiến chúng ta thiếu vắng những ca sĩ thương hiệu. Vai trò đào tạo của HVAN Huế trong vấn đề này như thế nào?

Có nhiều lý do. Thứ nhất, HVAN Huế trong giai đoạn vừa qua đã trải qua những biến động, ảnh hưởng không nhỏ đến đội ngũ nhân lực của học viện. Các giảng viên có năng lực phải ra đi. Thương hiệu học viện giảm sút. Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, tập thể cán bộ, giảng viên học viện đang nỗ lực phấn đấu xây dựng lại, bắt đầu từ những việc nhỏ như tạo ra các phong trào, hoạt động, sân chơi âm nhạc… bằng khả năng, con người hiện có để dần lấy lại uy tín.

Bên cạnh tài năng, một ca sĩ muốn thành công cần những điều kiện gì, thưa bà?

Ngoài tài năng, cái quan trọng nhất là đam mê và khổ luyện, tìm tòi, học hỏi. Giai đoạn trước, Huế có nhiều ca sĩ nổi tiếng hơn bây giờ, bởi vì người ta có mục đích rõ ràng và quyết tâm học. Còn bây giờ, các em có quá nhiều mối bận tâm, phương tiện giải trí và học nhạc không còn say mê, nhiệt huyết như ngày xưa. Nhiều em học một thời gian sau đó bỏ ngang đi học ngành khác. Điều này cũng ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Âm nhạc truyền thống là thế mạnh phát triển của Học viện Âm nhạc Huế

Ngày xưa, tuyển sinh chỉ tiêu rất ít nên chất lượng đầu vào được chú trọng hàng đầu. Còn bây giờ, các em có nhiều sự lựa chọn, học các ngành khác dễ có việc làm. Ngành nghệ thuật đào tạo thì hiếm, khó nhưng cơ hội việc làm không sẵn có nên người ta ít mặn mà. Liệu một trăm bạn học thì bao nhiêu bạn thành ca sĩ, nghệ sĩ? Đối tượng đầu vào không nhiều như ngày xưa, không được tuyển chọn khắt khe ảnh hưởng lớn đến chất lượng mặc dù bây giờ cơ sở hiện đại, thầy giáo có trình độ cao hơn. 

Huế là nơi đào tạo, sản sinh ra những tài năng nhưng không thể nuôi dưỡng, phát triển để tài năng có thể kiếm sống bằng nghề. Thế nên, nhiều ca sĩ phải ra đi. Đó là một thực tế. Môi trường âm nhạc của Huế chưa sôi động có tác động đến việc đào tạo tài năng âm nhạc không, thưa bà?

Điều đó hẳn nhiên là có tác động lớn. Học viện có hai ngành “hot” nhất là piano và thanh nhạc. Ai cũng muốn trở thành ca sĩ, nhạc công, nghệ sĩ… nhưng để ca sĩ, nhạc công sống được ở Huế rất khó. Điều này cũng ảnh hưởng đến người học. Môi trường âm nhạc của Huế không sôi động, sân chơi không nhiều thì các em không hứng thú học. Vì vậy, học viện đang cố gắng tạo ra nhiều sân chơi, hoạt động âm nhạc để thu hút giới trẻ. Tôi tin rằng, có nhiều sân chơi cho học sinh, sinh viên và giới trẻ, sự quan tâm của người học sẽ nhiều hơn.

Điều vui là mấy năm gần đây, các trung tâm âm nhạc ở Huế phát triển và có nhiều bạn trẻ theo học. Hy vọng trong tương lai, khi mức sống được nâng cao hơn, người ta sẽ quan tâm nhiều hơn đến nghệ thuật. Phụ huynh sẽ thấy việc đào tạo toàn diện cho con em mình là điều cần thiết. Không chỉ kiến thức văn hóa, các em cần có những kỹ năng mềm khác, phát triển tư duy thông qua âm nhạc.

Tuyển sinh khó khăn của ngành nghệ thuật, HVAN Huế sẽ thu hút thí sinh như thế nào để có thể tuyển chọn, đào tạo những gương mặt tài năng?

Từ năm 2016 đến 2018, đúng là số lượng thí sinh ngày càng giảm nhưng đến năm 2019 đã có sự thay đổi. Lần đầu tiên, học viện mở được lớp trung cấp chính quy đào tạo tại Đà Nẵng. Nếu làm được mô hình này sẽ rất khả thi khi tâm lý nhiều phụ huynh không muốn gửi con em đi học xa. Trong tương lai, học viện cũng muốn phát triển mô hình này ở các tỉnh lân cận: Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh.

Quan trọng hơn, đội ngũ cán bộ, giảng viên học viện phải tự nâng cao trình độ, vì thầy giỏi mới có trò giỏi. Đây cũng là hạn chế của học viện. Trong những năm qua, học viện đều đề ra chỉ tiêu cán bộ, giảng viên phải chuẩn hóa về trình độ. Đồng thời, mời giảng viên trong nước, nước ngoài tập huấn, cử cán bộ đi học… để nâng cao chất lượng đội ngũ.

Hiện nay, HVAN Huế được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, hiện đại. Sắp tới, học viện có chiến lược gì để trở thành một trong ba cái nôi đào tạo âm nhạc lớn của cả nước?

HVAN Huế là một trong ba cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp lớn của cả nước. Nhưng HVAN Huế “sinh sau, đẻ muộn”, ở địa phương kinh tế - xã hội còn khó khăn nên không phát triển bằng học viện ở hai đầu đất nước. Thông thường, khi kinh tế phát triển, người ta mới chú ý đến nghệ thuật. Mức sống ở Huế vẫn còn thấp, việc học nhạc cũng chưa thực sự được xã hội quan tâm.

Trong định hướng chiến lược phát triển, HVAN Huế không thể bước theo mô hình của Học việc Âm nhạc quốc gia Việt Nam hay Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh mà sẽ lấy âm nhạc di sản, âm nhạc truyền thống làm thế mạnh phát triển, gắn với văn hóa của địa phương.

Dàn nhạc dân tộc của học viện đạt nhiều giải thưởng tại các cuộc thi, đi công diễn nhiều ở nước ngoài. Chúng tôi sẽ phát triển hơn nữa hoạt động của dàn nhạc dân tộc cũng như nâng cao chất lượng của đội ngũ giảng viên ngành nhạc cụ dân tộc, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên và dàn nhạc dân tộc được giao lưu, tham gia các cuộc thi và biểu diễn cộng đồng. Nhưng để làm được điều này, học viện cần sự quan tâm, giúp đỡ của tỉnh, Sở Văn hóa và Thể thao trong việc tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Ngoài ra, học viện cũng muốn đẩy mạnh hoạt động biểu diễn phục vụ cộng đồng của các dàn nhạc để đưa âm nhạc đến gần với tất cả mọi người.

Nhà hát Sông Hương vừa đưa vào sử dụng là thiết chế văn hóa quy mô, sang trọng. Học viện sẽ khai thác như thế nào để nhà hát phát huy công năng và hiệu quả?

Nhà hát Sông Hương là thiết chế văn hóa sang trọng và hiện đại vào bậc nhất Việt Nam. Đây cũng là áp lực lớn cho tập thể lãnh đạo học viện là làm sao để sử dụng nhà hát hiệu quả, khi kinh phí hoạt động của nhà hát phải tự trang trải chứ không được bao cấp. Nhà hát chưa có cơ chế hoạt động riêng, chưa có bộ máy hoạt động độc lập. Trong tương lai, nhà hát vẫn thuộc HVAN Huế nhưng hoạt động tự chủ và sẽ có bộ máy riêng.

Nhà hát vẫn chủ yếu dành cho các hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp trong nước và quốc tế. Nó còn là cơ sở dịch vụ để các đơn vị nghệ thuật thuê địa điểm khi đến Huế biểu diễn. Ngoài ra, chúng tôi mong muốn Nhà hát Sông Hương sẽ là điểm đến biểu diễn nghệ thuật truyền thống trong tour du lịch phục vụ du khách. Nếu được vậy, vừa quảng bá âm nhạc truyền thống Huế, vừa giúp du khách có địa điểm thưởng thức âm nhạc.

Xin cảm ơn bà!

MINH HIỀN (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xây dựng thành phố xanh từ những vạch sơn vỉa hè

Việc sơn xanh một phần vỉa hè một số tuyến giao thông nằm trong Khu đô thị mới An Vân Dương (TP. Huế) nhằm đảm bảo an toàn cho người đi xe đạp, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng thành phố xanh.

Xây dựng thành phố xanh từ những vạch sơn vỉa hè
Khởi công xây dựng Nhà Nhân ái cho hộ nghèo ở Phong Sơn

Ngày 25/7, Huyện đoàn Phong Điền phối hợp với Ban từ thiện xã hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh tổ chức lễ khởi công xây dựng Nhà Nhân ái cho hộ gia đình chị Châu Thị Yến, ở thôn Hiền An, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền.

Khởi công xây dựng Nhà Nhân ái cho hộ nghèo ở Phong Sơn
Xây dựng thương hiệu cho chè xanh Thủy Bằng

Chè xanh Thủy Bằng, TP. Huế vốn rất nổi tiếng với diện tích trồng chè lớn với khoảng 35ha đất gò đồi trồng chè, là sản phẩm chè sạch, khi uống đậm vị, luôn được người dùng đón nhận... Nay, sản phẩm chè xanh của Thủy Bằng được biết đến nhiều hơn, khi nhiều hộ trồng chè đã liên kết, xây dựng thương hiệu cho những sản phẩm của mình.

Xây dựng thương hiệu cho chè xanh Thủy Bằng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với tâm huyết xây dựng đội ngũ trí thức

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một trí tuệ lớn, tài năng lớn của cách mạng Việt Nam, nhà văn hóa, ngọn cờ lý luận của Đảng, người học trò xuất sắc không ngừng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, sống trọn cuộc đời vì nước, vì dân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với tâm huyết xây dựng đội ngũ trí thức
Giảm nhiệt cho đô thị

Những ngày nắng nóng, nhất ở khu vực đô thị - nơi có nhiều nhà xi măng bê tông hấp thu nhiệt lượng cao sẽ làm cho đô thị nóng hơn. Để “giảm nhiệt” cho đô thị cần nhiều giải pháp; trong đó tăng cường những “mảng xanh” cần được xem trọng.

Giảm nhiệt cho đô thị

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top