Ngành chế biến chế tạo VN đang thu hút nhà đầu tư ngoại. Ảnh: Nguyên Nga
Đã có ý kiến lo ngại, dự án đầu tư trọn gói mới đã giảm, thay vào đó là tình trạng doanh nghiệp (DN) trong nước liên kết với các công ty ngoại ngày càng tăng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng không cần quá lo lắng về tình trạng này.
Dấu hiệu tốt của thị trường chứng khoán
Chuyên gia kinh tế tài chính, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, nhận xét nhìn vào con số hơn 20 tỉ USD FDI, vốn đầu
Nhiều người lo lắng vốn Trung Quốc không chất lượng, lợi dụng xuất xứ…Tôi cho rằng, việc để họ lợi dụng chúng ta hay không là chính chúng ta quyết định, không phải nhà đầu tư
GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài
|
tư vào dự án và mở rộng đầu tư đều giảm, trong khi việc mua cổ phần của DN lại tăng mạnh chứng tỏ thị trường chứng khoán đang đà tăng trưởng khá tốt.
“Dấu hiệu vốn FDI tăng mạnh vào mua cổ phần, góp vốn tăng theo chiều hướng tích cực từ năm 2018 đến nay. Một mặt là từ cổ phần hóa của DN trong nước đang tiến triển khá khả quan, một mặt DN tư nhân trong nước đã lớn mạnh hơn, gây được sự quan tâm chú ý của nhà đầu tư ngoại. Tất nhiên, đã là nhà đầu tư, họ sẽ chọn ngành nghề sản xuất kinh doanh nào có xu hướng phát triển mạnh tại thị trường trong và ngoài nước. Ngay từ năm 2018, quan sát cho thấy nhiều nhà đầu tư chọn lĩnh vực dệt may, chế tạo để xâm nhập thị trường VN qua việc mua cổ phần, góp vốn. Tôi nghĩ điều này là bình thường trong thế giới hội nhập mà VN là một trong những quốc gia đang khát khao hội nhập vươn lên khá tốt”, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Một nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cũng cho thấy trong xu thế hội nhập, FDI vào VN ngày càng lớn. Đặc biệt, nguồn vốn FDI vào VN chủ yếu trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và đóng góp vào GDP ngày càng lớn. Theo VEPR, đây là dấu hiệu cho thấy mức độ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của hàng hóa được sản xuất từ VN ngày càng tăng. Năm 1995, tỷ lệ VN tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu chỉ khoảng 34% giá trị sản phẩm, nay con số đó lên hơn 50%.
GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, cũng cho rằng đây là dấu hiệu tốt. Trước đây DN nội địa nhỏ quá, có muốn bán cũng không ai mua. Nay giá trị vốn hóa DN có thể tăng lên 17 - 18 tỉ USD.
“Việc gia tăng nhà đầu tư góp vốn, mua cổ phần DN cũng nằm trong tham vọng muốn mở rộng thị trường xuất khẩu của chính DN trong nước. Theo tôi nghĩ đây là xu thế tất yếu và là đôi bên cùng có lợi”, ông Mại bày tỏ.
Tránh bị lợi dụng xuất xứ
Tuy nhiên, nghiên cứu của VEPR cũng chỉ ra trong khi tỷ lệ đóng góp của VN tăng 50% trong chuỗi giá trị toàn cầu thì chính sản phẩm nội địa lại giảm xuống 11%. Điều này cho thấy VN xâm nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, song giá trị tạo ra cho chính DN nội địa lại có xu hướng giảm.
TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, nhận xét điều này cho thấy sự thất bại của DN VN trong quá trình tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng quan điểm, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh phân tích nhu cầu mở rộng, tăng vốn, bán cổ phần đi là bình thường. Việc quyết định để trong nước nắm tỷ lệ vốn bao nhiêu để nắm phần điều hành thuộc về quyền quyết định của các thành viên quản trị DN tại đại hội cổ đông. Tuy nhiên, để bị “biến mất” dần trong chuỗi giá trị toàn cầu là điều đáng tiếc khi hội nhập lại gia tăng.
“Theo tôi, xu hướng DN đang bán cổ phần tăng mạnh ở lĩnh vực chế biến, chế tạo và bán lẻ từ nhu cầu tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, mở rộng thị trường xuất khẩu. Ngay chính DN Việt trong lĩnh vực chế biến chế tạo vẫn đang còn yếu về công nghệ, quản lý và tìm kiếm thị trường. Tuy nhiên, về lâu dài, cần lưu ý là cả ngành sản xuất chế tạo, bán lẻ Việt sẽ rơi vào tay nhà đầu tư ngoại. Điều này không còn là cảnh báo nữa mà là đã xảy ra. Tôi nghĩ trách nhiệm từ các địa phương trong chiến lược thu hút đầu tư bằng mọi giá”, PGS-TS Thịnh cảnh báo và cho rằng: “Các địa phương khi thu hút FDI cần tỉnh táo hết sức tránh bị lợi dụng xuất xứ để xuất khẩu hàng hóa”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, GS Nguyễn Mại phân tích, với ký kết hợp tác thương mại mới giữa VN và các nước, hàng hóa xuất từ VN đi Mỹ, EU hay một số thị trường lớn có lợi thế nhiều so với hàng hóa từ “công xưởng thế giới” là Trung Quốc. Thế nên, nếu có bị lợi dụng xuất xứ, cũng do chính mình mà ra, không thể đổ lỗi cho nhà đầu tư được.
“Việc chọn nhà đầu tư, chọn bán dự án, đồng ý để góp vốn ngoại hay không là quyết định của DN Việt. Nhiều người lo lắng vốn Trung Quốc không chất lượng, lợi dụng xuất xứ... Tôi cho rằng, việc để họ lợi dụng chúng ta hay không là chính chúng ta quyết định, không phải nhà đầu tư”, ông Nguyễn Mại nói.
Theo Tổng cục Thống kê, tổng vốn FDI đăng ký vào VN đạt hơn 20,21 tỉ USD trong 7 tháng qua. Trong đó, có 2.064 dự án đăng ký mới với tổng vốn gần 8,3 tỉ USD và 791 lượt dự án đăng ký tăng thêm vốn với 3,42 tỉ USD. Còn lại lượng góp vốn, mua cổ phần tại 4.387 dự án đạt trị giá hơn 8,52 tỉ USD. Đáng lưu ý, FDI góp mua cổ phần lại tăng mạnh, gần 78%. Trong đó, chế biến chế tạo vẫn là lĩnh vực thu hút vốn ngoại nhiều nhất với 14,46 tỉ USD, thứ hai là kinh doanh bất động sản với 1,47 tỉ USD và bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy đạt 1,09 tỉ USD.
|
Theo Thanh niên