ClockThứ Bảy, 31/10/2015 15:46

Bám biển

TTH - Ở biển mà không làm nghề biển thì chẳng biết làm nghề gì sinh sống, nên ngư dân trở lại bám biển. Mấy năm gần đây, nhiều ngư dân đóng mới thuyền, mua sắm ngư cụ vươn ra khơi xa.

Ngư dân trở lại nghề biển ngày càng nhiều

Nhớ lại một thời nguồn lợi hải sản dồi dào, ông Phan Theo ở thôn Thế Mỹ A, xã Điền Hòa (Phong Điền) tặc lưỡi: “Cá, tôm hồi đó không biết bao nhiêu mà kể. Mỗi chuyến đánh bắt chỉ từ nửa ngày đến một ngày thôi, thuyền nào cũng chở đầy ắp cá, tôm, ruốc (khuyết). Khó khăn, vất vả đến mấy, ngư dân vẫn hồ hởi, hằng ngày cùng con thuyền xuôi theo con nước. Nhiều chuyến biển, hải sản bán không hết phải làm mắm dự trữ. Dù khó làm giàu, nhưng nghề biển cũng giúp nhiều hộ ổn định cuộc sống, nuôi con ăn học đến nơi đến chốn”.

Hơn chục năm trở lại đây, cá, tôm gần bờ không còn dồi dào như trước. Nhiều hộ ngư dân vùng bãi ngang các xã Điền Hòa, Phong Hải (Phong Điền), Quảng Công, Quảng Ngạn (Quảng Điền)… không còn mặn mà với nghề biển. Ông Phan Văn Mong ở thôn 11, xã Điền Hòa than thở: “Từ ngày có các tàu giã cào và nạn đánh bắt bằng mìn khiến cá, tôm gần bờ ngày càng cạn kiệt. Có khi rong ruổi suốt ngày cũng chỉ kiếm đủ bữa ăn, may ra bán được một vài trăm ngàn đồng. Các nghề “kéo dạ”, “kéo rùng”, “bủa xăm”… ngày càng mai một, thậm chí không còn”.

Vượt sóng vươn khơi

Ông Võ Viên ở thôn Thế Mỹ C, xã Phong Hải từng bỏ nghề biển, lên Huế mua nhà sinh sống, nay lại về quê sắm thuyền, lưới theo nghề biển. “Cá, tôm không còn nhiều như trước, song làm biển vẫn là nghề phù hợp đối với ngư dân. Tôi quyết định về quê sinh sống và theo đuổi nghề cha ông. Muốn đánh bắt hiệu quả thì phải cải tiến ngư lưới cụ, bám biển kiên trì và đánh bắt xa bờ hơn”, ông Viên chia sẻ.

Nếu như trước đây chủ yếu các nghề “kéo dạ”, “kéo rùng”, hay nghề lưới 2, thì nay người dân mua sắm thêm lừ, lưới 3 vừa đa dạng nghề, vừa đánh bắt hiệu quả hơn. Nghề lưới 2 thì bủa các loại cá trích, nục, bạc má…, lưới 3 đánh bắt cá thu, thiều, dủa, còn lừ thì bủa mực… Ông Võ Viên chia sẻ: “Từ ngày mua sắm lưới 2, lưới 3 và lừ, thuyền đi biển hầu như quanh năm (trừ những ngày biển động), hiệu quả đánh bắt cao hơn. Mỗi ngày thu nhập thấp nhất cũng 5-7 trăm ngàn đồng, những ngày cao thì vài triệu đồng. Trừ chi phí nhiên liệu, mỗi thuyền viên được vài trăm ngàn đồng, tương đối ổn định so với các nghề khác.

Ngoài các nghề bủa lưới, nhiều ngư dân còn mở rộng nghề lừ đánh mực. Lừ thường đặt từ ngày trước đến sáng hôm sau, ít cũng vài cân, nhiều cả chục cân. Mỗi cân mực hiện nay có giá bình quân từ 200 ngàn đồng trở lên… Đa dạng hóa nghề đánh bắt, cộng với kiên trì, nhiều hộ ngư dân ổn định cuộc sống. Ông Võ Toản ở thôn Hải Thế (Phong Hải) cởi mở: “Một thời gian khá dài bỏ biển, nhiều chơi dân cứ chơi “phè phè”. “Nhàn cư vi bất thiện” dẫn đến nạn cờ bạc, rượu chè gây mất an ninh trật tự địa phương. Giờ đây, ai cũng tu chí làm ăn, bám biển mưu sinh, quyết tâm nuôi con ăn học đến nơi đến chốn”.

Ông Phan Khánh, Chủ tịch UBND xã Phong Hải cho biết, những năm qua, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động ngư dân trở lại nghề biển. Các ban, ngành hướng dẫn người dân mua sắm, nâng cấp, đa dạng hóa ngư lưới cụ nhằm đánh bắt hiệu quả hơn. Giờ đây, trên địa bàn có trên 500 thuyền đánh bắt gần bờ, chủ yếu lừ, bủa lưới 2, 3, câu… Sản lượng và hiệu quả đánh bắt ngày càng cao. Đánh bắt gần bờ có vai trò quan trọng trong đời sống, đang thu hút nhiều ngư dân trở lại với nghề. 

 

Bài, ảnh: Hoàng Triều
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mở rộng cao tốc La Sơn- Hòa Liên lên 4 làn xe

Đó là thông tin được lãnh đạo Ban Quản lý (BQL) Dự án (DA) đường Hồ Chí Minh thông tin sáng 28/4, khi Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 348/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư DA mở rộng cao tốc Bắc-Nam phía Đông đoạn La Sơn-Hòa Liên.

Mở rộng cao tốc La Sơn- Hòa Liên lên 4 làn xe
Đột phá trong thu hút đầu tư

Nhiều dự án nghìn tỷ, hàng chục nghìn tỷ được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đã khẳng định vị thế của Thừa Thiên Huế. Chưa bàn đến chuyện “xoay chuyển tình thế” trong việc sẽ tạo ra các giá trị cao, song các dự án đó minh chứng, tỉnh đã có bước đột phá trong thu hút đầu tư.

Đột phá trong thu hút đầu tư
Bảo vệ “lá phổi xanh”

Dù gặp nhiều thiệt thòi nhưng cán bộ bảo vệ rừng, kiểm lâm vẫn chấp nhận gian nan, bám rừng để bảo vệ “lá phổi xanh”, các loài động vật hoang dã trong những ngày nghỉ lễ.

Bảo vệ “lá phổi xanh”
Quảng bá hình ảnh, tiềm năng địa phương tại Hoa Kỳ và Canada

Chương trình quảng bá địa phương Việt Nam tại Hoa Kỳ và Canada được kỳ vọng sẽ góp phần giới thiệu hình ảnh, tiềm năng của Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng đến với bạn bè quốc tế; đồng thời thu hút đầu tư, thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại của các đối tác Mỹ và Canada vào Thừa Thiên Huế.

Quảng bá hình ảnh, tiềm năng địa phương tại Hoa Kỳ và Canada
Ưu tiên nguồn lực chỉnh trang vỉa hè

Thành phố Huế đã và đang hoàn thiện hạ tầng đô thị Huế bắt đầu từ những dự án (DA) chỉnh trang vỉa hè, hạ lề các tuyến đường ở khu vực trung tâm nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và du khách.

Ưu tiên nguồn lực chỉnh trang vỉa hè
Return to top