|
|
Hạng mục neo đậu tàu thuyền tại cảng Thuận An đã hoàn thành |
Từ nguồn bồi thường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, với tổng kinh phí 400 tỷ đồng, tỉnh tập trung đầu tư các công trình hạ tầng Cảng cá Thuận An, Cảng cá Tư Hiền kết hợp khu neo đậu, tránh trú bão, nâng cấp khu neo đậu, tránh trú bão Phú Hải và dự án phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh, nguồn lợi thủy sản. Các dự án đều thi công xây dựng chậm tiến độ và được Chính phủ nhiều lần cho phép gia hạn thời điểm hoàn thành. Lần gia hạn gần nhất là đến ngày 31/12/2022, nhưng các dự án vẫn chưa hoàn thành, buộc UBND tỉnh đề nghị Chính phủ xem xét, cho phép gia hạn thời gian hoàn thành các dự án đến ngày 31/12/2023.
Ông Thái Văn Phúc, Trưởng phòng Quản lý và Xây dựng công trình thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lý giải, các dự án đều có nhiều hạng mục phức tạp, quá trình thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán phải có cơ quan liên quan cùng tham gia. Công trình được thực hiện tại địa bàn vùng ven biển, chịu ảnh hưởng rất lớn trong điều kiện thời tiết như triều cường, mưa bão đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công. Mặc dù nỗ lực bằng nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ, các dự án vẫn chậm hoàn thành. Đến nay, tổng giá trị thực hiện đạt khoảng 90%, giá trị giải ngân của các dự 349,403 tỷ đồng, đạt 84% kế hoạch vốn.
Đối với dự án Cảng cá Tư Hiền kết hợp khu neo đậu, tránh trú bão, do đặc thù công trình có hạng mục để ngăn cát, giảm sóng và là hạng mục chỉnh trị cửa biển Tư Hiền nên trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư mất khá nhiều thời gian. Quá trình triển khai thi công cần bổ sung, điều chỉnh một số hạng mục nhằm đảm bảo an toàn và phù hợp với điều kiện thực tế. Quá trình thi công phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết, nhất là thời gian ảnh hưởng của mưa, bão, triều cường. Biến động giá vật liệu xây dựng trên địa bàn cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Hạng mục nạo vét luồng và khu vực neo đậu do ảnh hưởng mặt bằng thi công nên làm kéo dài thời gian thực hiện.
Với dự án Cảng cá Thuận An kết hợp khu neo đậu, tránh trú bão, đến nay đã thi công hoàn thành. Nhưng để đảm bảo lưu thông cho tàu cỡ lớn khi vận chuyển hàng hóa ra vào cảng, trong tình huống tránh trú bão, tăng tính ổn định bền vững, thẩm mỹ cho công trình và bổ sung lắp đặt thiết bị khí tượng thủy văn chuyên dùng phục vụ công tác phòng, chống thiên tai nên phải đầu tư thêm một số hạng mục phụ trợ.
Riêng dự án phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản là dự án lần đầu tiên được thực hiện trên địa bàn tỉnh. Do đặc thù, các định mức xây dựng chưa có nên gặp khó khăn trong công tác thẩm định, phê duyệt dự toán để tổ chức thực hiện. Đồng thời, hợp phần phục hồi rạn san hô liên quan nguồn giống san hô khá khó khăn nên mất thời gian điều chỉnh diện tích phục hồi rạn san hô và thả rạn nhân tạo phù hợp. Hợp phần phục hồi và tái tạo rạn san hô sau khi thực hiện cũng cần có thời gian kiểm tra, theo dõi việc phục hồi của rạn san hô.
Ông Thái Văn Phúc khẳng định, với các hạng mục còn lại, chủ yếu là công trình phụ trợ, cảnh quan tại các công trình được thi công từ nay đến cuối năm chắc chắn sẽ hoàn thành. Chủ đầu tư sẽ kiểm tra, giám sát và đốc thúc các nhà thầu, đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ nhưng phải đảm bảo chất lượng công trình và an toàn lao động trong quá trình xây dựng.
Để đảm bảo các thủ tục nghiệm thu, thanh, quyết toán hoàn thành các dự án theo quy định, sử dụng hiệu quả khoản tiền bồi thường của Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh để khôi phục sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội cho Nhân dân chịu sự ảnh hưởng của sự cố môi trường biển, UBND tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép gia hạn thời gian hoàn thành các dự án đến ngày 31/12/2023, nhưng không đề xuất tăng vốn đầu tư. |
Bài, ảnh: H. Triều - Nhật Hoàng