Cần thiết phải đổi mới quản lý nợ theo hướng cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ đối với các địa phương, thay vì cấp phát “cho không” như hiện nay để hạn chế đầu tư dàn trải, kém hiệu quả và gia tăng nợ công. Đây là vấn đề được đặt ra tại Hội thảo “Cơ chế cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ đối với UBND cấp tỉnh” do Bộ Tài chính tổ chức ngày 10/12 tại Hà Nội.
Báo cáo tại hội thảo cho thấy, hiện nay, hơn 92% nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ cho địa phương theo hình thức cấp phát và địa phương vẫn coi đây là khoản "cho không". Điều này dẫn tới tình trạng các địa phương đăng ký vốn nhiều, nhưng đầu tư dàn trải, hiệu quả chưa cao.
Theo Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), có tới 90% dự án phải gia hạn ít nhất một lần, trong đó có những dự án tại các địa phương phải mất tới 10-12 năm mới hoàn thành.
|
Vốn cho vay lại đối với chính quyền địa phương phải cân nhắc tính toán. |
Theo ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và và Tài chính đối ngoại, trong điều kiện ngân sách trung ương hạn chế, tình trạng nợ công tăng cao, dự báo cuối năm 2015 đạt 61,3% GDP và sắp chạm ngưỡng Quốc hội phê duyệt là 65%; chỉ số trả nợ do Chính phủ vay so với thu Ngân sách Nhà nước sắp chạm ngưỡng an toàn (25%), thì cần thiết quản lý vốn vay theo hướng tăng cường cho vay lại với trách nhiệm trả nợ chuyển dần từ Trung ương sang địa phương.
“Hiện nay nợ công đang tăng cao, thông điệp rất rõ của Chính phủ là sử dụng hiệu quả nguồn vốn. Việc cho vay lại đối với chính quyền địa phương phải cân nhắc tính toán trước khi sử dụng nguồn vốn này. Trước đây vốn chủ yếu là nhà nước cấp phát, khi các dự án đó phải vay, tỷ trọng vay cao thì phải cân nhắc ngay từ khâu phê duyệt đầu tư, hiệu quả dự án và tính toán khả năng trả nợ”, ông Hùng chỉ rõ.
Đồng tình với hướng đổi mới này, bà Vũ Hoàng Quyên, Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, từ năm 2017, khi Việt Nam gia nhập các nước có thu nhập trung bình, các khoản vay ODA sẽ giảm dần và tiến tới chấm dứt, chuyển sang vay vốn thương mại.
Do đó, hoạt động cấp phát và cho vay cần minh bạch hơn và gắn với khả năng, trách nhiệm chi trả của địa phương trong tương lai để đảm bảo tính bền vững. Điều này cũng sẽ thay đổi tư duy sử dụng nguồn vốn tại các địa phương. Theo đó, cơ quan chức năng cần có cơ sở pháp lý thật rõ ràng về quy trình, thủ tục cho vay lại vốn nước ngoài.
“Chúng tôi mong là sẽ có cơ chế mới, rõ ràng và được thể chế hóa cho giai đoạn ổn định ngân sách sắp tới 2017 – 2020, để Ngân hàng thế giới khi lên kế hoạch trung hạn cho các chương trình dự án thì các cơ sở dự báo cũng rõ ràng ngay từ đầu. Các địa phương khi tham gia đề xuất các chương trình, dự án thì họ cũng ý thức trước rõ ràng là phải vay bao nhiêu phần để từ đó tính toán kỹ lưỡng hơn”, bà Quyên đề cập.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, cơ quan chức năng trước khi cho vay lại vốn nước ngoài phải xác định thật cẩn thận tính cấp thiết của dự án, mức vốn, nhu cầu và khả năng trả nợ của địa phương để đảm bảo nguồn vốn thật hiệu quả.
Ngoài ra, việc cải cách sẽ có lộ trình và không chuyển hẳn sang 100% cho vay lại để tránh sốc cho các địa phương. Bộ Tài chính cho biết, cơ quan chức năng sẽ vừa làm vừa đánh giá tác động tới Trung ương cũng như địa phương để hoàn thiện cơ chế này./.