ClockThứ Tư, 29/09/2021 06:45

Cần lời giải mới trong kết nối cung - cầu tiêu thụ nông sản

TTH - Nông sản tồn đọng, đặc biệt tại các địa phương thuộc diện phong tỏa, giãn cách do dịch COVID-19. Bài toán kết nối cung cầu bây giờ trở nên bức thiết, trong đó vai trò của các sàn thương mại điện tử (TMĐT) rất quan trọng khi đối tượng đang chịu thiệt thòi lớn nhất đang là nông dân.

“Cứu cánh” cho gạo OCOPTối ưu hóa tiện ích, mở cơ hội cho tiêu thụ nông sảnXây dựng nền nông nghiệp hữu cơ “xanh, sạch và bền vững”

Nông dân cần nhiều hơn sự liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản

Chuyện cũ đến giờ vẫn… cũ

Cụm từ “giải cứu” bây giờ phải không nên sử dụng bởi qua mấy đợt dịch COVID-19, giải pháp này mang tính chất… thương hại. Đặc biệt, “giải cứu” cũng chỉ mang tính tức thời chứ không bền vững, căn cơ trong cái thời phải sống chung với COVID-19.

Khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, các loại nông sản có dấu hiệu ứ đọng. Không riêng gì nông sản Thừa Thiên Huế (chủ yếu tiêu thụ nội tỉnh) mà trên bình diện cả nước, hầu hết các mặt hàng nông nghiệp đều khó tiêu thụ. Khi ấy, các cơ quan, đoàn thể, cấp hội… đã cùng chung tay để hỗ trợ nông dân gỡ khó. Từ gia súc, gia cầm, thủy sản, trái cây… Mặt hàng nào cũng tới tay đoàn thanh niên, hội phụ nữ, mặt trận… trước khi được bán cho người tiêu dùng.

Bây giờ, nhắc đến dịch COVID-19, như là điều mặc nhiên, sự đón nhận của người dân cũng không còn bất ngờ như trước. Điều bất ngờ có lẽ là nông sản người dân khi ứ đọng thì việc tiêu thụ cũng sử dụng phương pháp cũ, hội phụ nữ chung tay kêu gọi; các cơ quan, ban, ngành cùng nhau hỗ trợ nông dân…

Hãy điểm qua một số mặt hàng khó tiêu thụ trong thời gian qua tại Thừa Thiên Huế, đó là hàng chục tấn cá đặc sản vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai; thanh trà Thủy Biều; bưởi da xanh Hương Thọ… Tất cả những sản phẩm ấy đều ở các điểm ảnh hưởng của COVID-19 và loại hàng hóa ấy được xem là đặc trưng của vùng đất Cố đô.

Sự chung tay của các cơ quan, ban, ngành là điều đáng ghi nhận, Thị đoàn Hương Trà phải livestream để bán hàng đặc sản địa phương trong thời điểm việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa hạn chế. Hội LHPN huyện Phú Lộc cũng thông qua trang mạng xã hội kêu gọi người dân tiêu thụ cá. Với thanh trà Thủy Biều thì việc tiêu thụ rất chậm và giá bị rớt đáng kể, ngay cả gạo hữu cơ chất lượng cao An Lỗ vẫn tồn đọng hàng chục tấn trong kho…

Trước thực tế đó, ai cũng nhận ra rằng, các phương án giải phóng sản phẩm cho người dân ấy trông qua có vẻ hữu hiệu, song giá trị hàng hóa đang không được đánh giá đúng bản chất, thiệt thòi vẫn là người dân.

“Chắc chắn giá trị sản phẩm của nông dân không thể bằng so với thời điểm xuất bán bình thường. Thậm chí, khi nhiều mặt hàng bị rớt giá thê thảm khiến người dân không chỉ lỗ khâu đầu vào mà lỗ cả công chăm sóc”, Nhà nông học, TS. Lê Tiến Dũng nhận định.

COVID-19 chưa có dấu hiệu ngừng và cuộc sống người dân cũng phải tiếp diễn. Tạo ra điểm chạm giữa sản phẩm của nông dân với thị trường tiêu thụ phải phù hợp với thực tiễn dịch bệnh.

Cá đặc sản Lộc Bình (Phú Lộc) chưa có kênh tiêu thụ chính thống

Trân quý truyền thống & hướng đến hội nhập

Thông thường, quy trình một sản phẩm nông nghiệp bây giờ như thế này: Nông dân tạo ra sản phẩm, thương lái có nhu cầu sẽ đến thu mua, nếu không họ sẽ bán lẻ tại các ngôi chợ ở địa phương. Đại đa số nông sản nội tỉnh không có mặt tại các siêu thị hay kênh phân phối lớn, ngay cả các sản phẩm đặc sản. Trong thời điểm COVID-19, rất nhiều lý do để quy trình này phải tắc nghẽn. Việc chưa tạo ra một chuỗi giá trị khiến hàng hóa nông dân khó tìm đến bàn tay người tiêu dùng.

“Không phải nông dân địa phương không giỏi bằng các tỉnh, thành khác, song, quy mô nhỏ lẻ khiến việc tạo ra chuỗi giá trị khó khăn. Cá đặc sản Tam Giang – Cầu Hai cũng vậy, dù chất lượng khỏi phải nói nhưng sản lượng không lớn nên hàng năm chỉ cung cấp cho các đầu mối phía nam mà chưa thể tạo thành một chuỗi giá trị”, ông Nguyễn Văn Thông, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Lộc nhìn nhận.

Với Thừa Thiên Huế, so với các tỉnh, thành khác không phủ nhận ngành nông nghiệp đang có quy mô khiêm tốn, và chủ yếu tiêu thụ nội tỉnh, song giá trị và chất lượng hàng hóa, nhất là đặc sản thì không phải nơi nào cũng bằng. Chính việc tư duy sản xuất và phương pháp tiêu thụ truyền thống khiến nông sản địa phương chưa thể bắt nhịp với thời kỳ hội nhập. Bằng chứng trước mắt chính là việc tiêu thụ dù là nội tỉnh rất khó khăn trong lúc này.

Mới đây, trong lần cung cấp thông tin cho chúng tôi, đại diện Sở NN&PTNT nói về việc ứng dụng mạng xã hội trong việc lưu thông hàng hóa và hỗ trợ cập nhật các hệ thống quản lý chất lượng mới, đưa sản phẩm lên sàn TMĐT trong và ngoài nước, đáng chú ý có thanh trà Thủy Biều và nước mắm Cô Ri. Song, chừng đó là quá ít so với các sản phẩm đặc sản hiện hữu tại các địa phương.

Mạng xã hội hay sàn TMĐT cần được tận dụng trong việc phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng trong thời đại số. Việc nông dân bị tồn hàng, trong khi người tiêu dùng không có kênh thông tin khi có nhu cầu là mâu thuẫn cần được giải quyết. Vai trò của các sàn TMĐT cần được thể hiện hơn nữa trong bối cảnh này để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng. Nói về cái khó, ông Trần Lưu Quốc Doãn, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh bảo, hiện giá của người sản xuất đưa ra và giá để người tiêu dùng chấp nhận chưa tương đồng. Nhiều sản phẩm có chất lượng cao như gạo An Lỗ, Phú Hồ, Thủy Thanh thị trường chưa chấp nhận với giá sản xuất.

Ngang đây có thể thấy rằng việc quảng bá sản phẩm và quy trình tạo thành sản phẩm chất lượng dường như không được như mong đợi, dẫn đến việc thị trường có đánh giá không tương xứng giá trị hàng hóa. Theo đó, tỷ lệ giao dịch thành công của các sản phẩm này trên các sàn TMĐT cũng không cao.

Trước khi muốn có “đất” trên sàn TMĐT, sản phẩm phải minh bạch và đảm bảo đúng quy trình, nghĩa là tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm, đồng thời với đó là việc quảng bá. Thời đại số điều này càng quan trọng để lấy được lòng tin khách hàng.

“Chúng tôi đã thành lập tổ công tác để nắm bắt thông tin các sản phẩm nhằm đưa lên tiêu thụ tại sàn kinh tế hợp tác và hệ thống kết nối cung cầu hàng hóa của Liên minh HTX Việt Nam. Từ đó, định hình được vai trò của sàn TMĐT trong khâu tiêu thụ trước bối cảnh dịch bệnh. Tôi cũng đề nghị nếu được, các trung tâm cách ly trên toàn tỉnh ủng hộ tiêu thụ các sản phẩm đến từ các hợp tác xã, từ đó tạo ra kênh tiêu thụ và quảng bá tốt”.

Bài, ảnh: LÊ THỌ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kết nối các tuyến, điểm phát triển du lịch

Huế có tiềm năng phát triển du lịch, nhưng vẫn còn hạn chế trong việc liên kết phát triển du lịch, nhất là kết nối giữa các điểm đến, kết nối điểm đến với doanh nghiệp lữ hành. Đây là điểm cần khắc phục để tăng sức hấp dẫn và tạo ra nhiều trải nghiệm thu hút khách.

Kết nối các tuyến, điểm phát triển du lịch
Kết nối - sẻ chia

Để những tấm lòng thơm thảo có thể đến với những hoàn cảnh khó khăn, những mảnh đời bất hạnh, rất cần có sự kết nối nghĩa tình.

Kết nối - sẻ chia
Đưa nông sản Việt vươn xa

150 doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể OCOP của 32 tỉnh, thành phố, địa phương trong cả nước cùng quy tụ tại công viên Long Biên, quận Long Biên, thành phố Hà Nội từ ngày 28/11-1/12 tới để trưng bày, giới thiệu nông sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu; đồng thời quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại sản phẩm hàng hóa nông sản Việt tới các thị trường trong nước và quốc tế.

Đưa nông sản Việt vươn xa

TIN MỚI

Return to top