ClockThứ Năm, 23/10/2014 09:46

Cần lưu tâm bài toán rừng tự nhiên

TTH - Gần đây, Đảng và Nhà nước có chủ trương cổ phần hóa (CPH) loại hình doanh nghiệp Nhà nước nông, lâm nghiệp. Ở tỉnh ta, cần chuẩn bị tốt giải pháp cho vấn đề quản lý rừng tự nhiên, đất trồng rừng phòng hộ để khi triển khai đồng bộ bảo đảm tính chủ động, tích cực và hiệu quả, đạt mục tiêu đã định.

Thực trạng sản xuất kinh doanh

Hiện trên địa bàn tỉnh còn 4 Công ty lâm nghiệp (LN) là đối tượng để xem xét đưa vào diện CPH.

Trừ Công ty LN Phong Điền, 3 Công ty LN đều đang được nhà nước giao quản lý diện tích rừng tự nhiên. Công ty LN Nam Hòa 13.162 ha, Công ty LN Phú Lộc 796 ha, Công ty LN Tiền Phong 790 ha. Vì vậy, phải có phương án giải quyết hợp lý việc quản lý rừng tự nhiên, vì đây là tài nguyên thiên nhiên không thể đưa vào CPH.

Trồng rừng giao lưu giữa Việt Nam với Nhật Bản tại khu vực Bắc Hải Vân. Ảnh: Hoài Thương

Năm 2005, một số DNNN nông, lâm nghiệp đã thực hiện CPH như Công ty Kinh doanh Lâm nghiệp, Công ty Giống cây trồng & Vật nuôi, Công ty Vật tư Nông nghiệp, Công ty Cao su. Các Công ty này đã được CPH gần 10 năm và đều hoạt động có hiệu quả. So với trước khi CPH, Công ty Cổ phần Giống cây trồng & Vật nuôi có doanh thu bình quân 120 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách 2,5 tỷ đồng/ năm, tăng gấp 10 lần, vốn điều lệ từ 3,5 tỷ đến nay 10 tỷ, thu nhập bình quân công nhân tăng gấp 3 lần, tài sản cố định và cơ sở vật chất tăng từ 5 lên 18 tỷ, thị trường kinh doanh từ “quanh quẩn” trong tỉnh được mở rộng ra cả nước. Các Công ty còn lại được CPH cũng có hiệu quả tương tự. Những bài học kinh nghiệm từ việc CPH các công ty nói trên cần sớm được tổng kết bài bản thực chất để áp dụng cho các công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước 1 thành viên lâm nghiệp. 

4 Công ty LN đều đang quản lý diện tích rừng trồng và đất trồng rừng cả phòng hộ và sản xuất. Nếu thực hiện CPH, diện tích đất và rừng trồng quy hoạch sản xuất có thể chuyển sang hình thức thuê đất; diện tích đất và rừng trồng quy hoạch cho phòng hộ phải có phương án quản lý phù hợp.Về đất và rừng trồng quy hoạch sản xuất, các Công ty đều có quy mô nhỏ, Công ty LN Nam Hòa quản lý 1.743 ha; Công ty LN Tiền Phong quản lý 3.247 ha; Cty LN Phú Lộc quản lý 1.237 ha; Công ty LN Phong Điền quản lý 2.395 ha rừng trồng

Nhìn chung, các Công ty LN có vốn điều lệ thấp, quy mô sản xuất kinh doanh nhỏ; chủ yếu bán nguyên liệu thô, chưa có Công ty nào tổ chức chế biến hoặc tham gia cổ phần vào các doanh nghiệp chế biến. Hầu như chưa có các hoạt động liên kết trong kinh doanh. Hoạt động sản xuất kinh doanh cầm chừng, đóng góp cho ngân sách thấp; thu nhập của công nhân chưa cao, trong khi bình quân mỗi công nhân thấp nhất có 31 ha và cao nhất 89 ha đất rừng sản xuất; chỉ với quy mô 30 ha trong tay 1 hộ gia đình đã bảo đảm “có của ăn của để”. Để có thể mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh doanh đòi hỏi phải thực hiện CPH như chủ trương đã được xác định tại Nghị quyết 30 NQ/TW của Bộ Chính trị. Nếu có giải pháp tách diện tích rừng tự nhiên ra khỏi Công ty thì cả 4 đơn vị đều có thể thực hiện CPH; trong đó, Công ty LN Phong Điền là thuận lợi nhất vì không quản lý rừng tự nhiên và toàn bộ diện tích rừng trồng là rừng sản xuất.

Giải pháp quản lý rừng tự nhiên và đất trồng rừng phòng hộ

Đối với Công ty LN Nam Hòa hiện đang quản lý 13.162 ha rừng tự nhiên cả phòng hộ và sản xuất. Việc khai thác gỗ rừng tự nhiên hiện nay chủ yếu vẫn là dạng “mổ gà lấy trứng” cho dù có xây dựng phương án điều chế rừng về mặt lý thuyết. Vì vậy, nên chuyển giao toàn bộ diện tích rừng tự nhiên cho Ban Quản lý rừng phòng hộ A Lưới, để thực hiện CPH. Trong trường hợp vẫn giữ lại diện tích rừng này thì Công ty LN Nam Hòa phải có phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng quốc tế về quản lý rừng bền vững  hoặc chuyển sang doanh nghiệp công ích.

Đối với Công ty LN Tiền Phong quản lý 790 ha rừng tự nhiên chủ yếu là các khu rừng cảnh quan gắn với các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nên giao cho Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô hoặc các công ty du lịch đang quản lý danh thắng trên địa bàn để quản lý theo quy định của nhà nước. Công ty LN Phú Lộc quản lý 796 ha rừng tự nhiên nên chuyển giao cho Vườn Quốc gia Bạch Mã và cho địa phương để giao cho các nhóm hộ gia đình. Trong trường hợp vẫn giao các công ty quản lý diện tích này sau CPH thì thực hiện ký hợp đồng nhận dịch vụ của nhà nước.

Đối với đất trồng rừng phòng hộ, đây là khu vực rừng ở vùng gò đồi trung du là chủ yếu nên xem xét để chuyển thành rừng sản xuất có mức độ phòng hộ xung yếu và thực hiện phương thức chặt dần, khai thác (mỗi lần) 50% diện tích theo băng hoặc theo đám theo quy định tại Thông tư số 99/2006/TT-BNN ngày 06/11/2006 của Bộ Nông nghiệp &PTNT.

Trăn trở

Sản phẩm chính của các Công ty LN là nhựa thông và gỗ dăm. Trừ Công ty LN Phong Điền (14 tỷ đồng), vốn điều lệ của các Công ty thấp từ 5 tỷ - 7 tỷ đồng. Số lao động hợp đồng dài hạn không nhiều, cao nhất là 80 người (Tiền Phong) và thấp nhất là 21 người (Phú Lộc), chưa có công ty nào thực hiện khoán đất rừng ổn định lâu dài nên rất thuận lợi khi CPH. Công ty nào cũng có lãi và nộp ngân sách đầy đủ; trừ Công ty LN Tiền Phong, tỷ suất lợi nhuận là 0,67, các công ty còn lại biến động từ 0,12 - 0,23; thu nhập của công nhân bình quân năm từ 50 triệu - 70 triệu đồng/năm.

Dự thảo Nghị định sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp để thực hiện Nghị quyết 30NQ/TW của Bộ Chính trị có quy định CPH các công ty LN nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối từ 65% trở lên. Tại các Hội thảo tham gia vào dự thảo nói trên, nhiều chuyên gia kinh tế có ý kiến cho rằng tính khả thi của quy định này không cao. Bởi nếu nhà nước nắm cổ phần chi phối như trên thì vai trò của các cổ đông ít có tác dụng khó thu hút cổ đông. Do đã chuyển giao rừng tự nhiên và đất sản xuất đã chuyển sang hình thức thuê, nên cũng như các doanh nghiệp khác, nên chăng, cần mạnh dạn CPH 100%? Hoặc doanh nghiệp nhà nước chỉ nắm giữ 35% cổ phần và giữ quyền cổ đông ưu đãi biểu quyết, còn bán 65% cổ phần cho các cổ đông khác.

Để rút kinh nghiệm trước khi tham mưu ban hành Nghị định của Chính phủ quy định tổ chức thực hiện, Bộ Nông nghiệp &PTNT cần mở rộng thêm mô hình thí điểm bán 100% cổ phần của công ty LN. Trong trường hợp này, tỉnh ta nên chọn Công ty LN Phong Điền, nơi không quản lý rừng tự nhiên để đăng ký thực hiện.

Võ Văn Dự
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Công bố đồ án Quy hoạch phân khu Khu đô thị phía Bắc

Ngày 5/11, Ban Quản lý dự án (DA) Đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị tỉnh tổ chức hội thảo công bố đồ án Quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2000) Khu đô thị phía Bắc, phường Hương An, Hương Sơ, Hương Vinh (TP. Huế) và xã Hương Toàn (Hương Trà).

Công bố đồ án Quy hoạch phân khu Khu đô thị phía Bắc
Chỉnh trang, phát triển đô thị Sịa

Thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền hôm nay đã mang một diện mạo mới, tuy nhiên, tốc độ phát triển đô thị ở địa phương này vẫn còn chậm.

Chỉnh trang, phát triển đô thị Sịa
HEPCO kiến tạo môi trường làm việc số

Có bề dày gần 50 năm kinh nghiệm hoạt động chính trong lĩnh vực vệ sinh môi trường, Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế (HEPCO) đang triển khai các giải pháp để thích nghi với thời kỳ chuyển đổi số, một bước đi cần thiết nhằm đáp ứng các yêu cầu mới của ngành và sự phát triển không ngừng của xã hội.

HEPCO kiến tạo môi trường làm việc số
Return to top