Vỉa hè trên địa bàn TP. Huế bị chiếm dụng, làm nơi buôn bán
Không chỉ ở Huế mà tất cả các tỉnh, thành trong cả nước, vỉa hè đang là vấn đề nhức nhối nhất của các nhà quản lý, bởi ở đâu vỉa hè cũng bị lấn chiếm để buôn bán, dẹp chỗ này thì chỗ kia vẫn mọc lên.
Tại sao vỉa hè khó có thể dẹp được? Điều này có thể lý giải ngay rằng, kinh tế vỉa hè từ lâu rất phù hợp với thói quen tiêu dùng của người Việt Nam, là quốc gia có nhiều xe máy, thói quen mua sắm lặt vặt, thiếu kế hoạch, người dân có thể dừng, đỗ để mua đồ ăn, món hàng bất chợt, nhanh chóng ngay trên đường đi làm về; mạng lưới phân phối vỉa hè len vào từng ngõ ngách đô thị và vô cùng đa dạng. Hơn nữa, cần phải nhìn thấy rằng, đằng sau vỉa hè là cuộc sống mưu sinh, là cơm áo gạo tiền, học hành của cả một gia đình. Họ không có điều kiện mở doanh nghiệp kinh doanh, thuê mặt bằng bán hàng thì buộc phải bám lấy vỉa hè mưu sinh.
Tôi đã từng chứng kiến, rất nhiều lực lượng chức năng của các phường trên địa bàn TP. Huế thường xuyên tổ chức ra quân để dọn dẹp vỉa hè, lập lại trật tự đô thị, song phải khẳng định rằng, khó đảm bảo vỉa hè đã vắng bóng người buôn bán. Trong một lần trò chuyện, lực lượng của Đội Trật tự đô thị phường An Cựu cho hay: “Chúng tôi thường xuyên ra quân, song địa bàn quá rộng, lực lượng thì mỏng, dẹp chỗ này, chỗ kia mọc lên nên vất vả vô cùng”.
Theo các chuyên gia kinh tế, nền kinh tế Việt Nam đang ở mức trung bình so với thế giới thì khu vực kinh tế phi chính thức vẫn chiếm tỷ lệ tương đối cao trong cơ cấu nền kinh tế với hàng triệu hộ kinh doanh, ước tính đóng góp khoảng 20% GDP cho nền kinh tế. Và kinh tế vỉa hè là sự tồn tại vốn có của nó. Một vấn đề đặt ra là kinh tế vỉa hè không chỉ tạo thêm công ăn việc làm, thu nhập cho người dân mà còn là mạng lưới tiêu thụ, phân phối sản phẩm, hàng hóa ra thị trường. Chính vì vậy, mặt nhiên chúng ta phải thừa nhận sự tồn tại của nền kinh tế vỉa hè, song ở đây đòi hỏi một sự quản lý phù hợp nhất.
Tôi cũng đã có dịp đến một số nước trong khu vực châu Á như Singapore, Nhật Bản, Indonesia… Ở những quốc gia phát triển này, kinh tế vỉa hè được cho là quan trọng, đóng góp rất lớn vào GDP của các quốc gia đó. Ở đây, người ta xác định bao nhiêu phần trăm diện tích vỉa hè sẽ được cho các hộ dân thuê để kinh doanh. Tuy nhiên, muốn thuê được vỉa hè, người kinh doanh sẽ phải trình bày dự án kinh doanh của mình, phác thảo thiết kế, phương án sử dụng vỉa hè, số bàn ghế sẽ bày ra vỉa hè, kiểu dáng bàn kế, kiểu dáng dù che... Nói chung là vô cùng phức tạp và chi li. Và khi đáp ứng được các tiêu chí đó, vỉa hè sẽ được cho thuê.
Trở lại Huế, bao nhiêu năm qua chưa có một chính sách khai thác vỉa hè hợp lý và khả thi đồng bộ. Đã đến lúc chúng ta phải xem kinh tế vỉa hè là quan trọng của một bộ phận không nhỏ của người dân thì phải có những chính sách và một sự quản lý phù hợp nhất. Chẳng hạn chúng ta phân chia ranh giới vỉa hè, nơi nào có thể kinh doanh, nơi nào dành cho người đi bộ, để xe hoặc chúng ta quy định một số tuyến đường được phép kinh doanh trên vỉa hè, một số tuyến đường không được phép kinh doanh. Người kinh doanh trên vỉa hè phải đáp ứng đủ một số tiêu chí như đảm bảo cảnh quan môi trường, trật tự đô thị, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, thời gian buôn bán trên vỉa hè…
Mong Huế sớm có quyết sách hợp lý cho kinh tế vỉa hè, tránh chuyện cứ rầm rộ ra quân dọn dẹp nhưng kết thúc người dân vẫn cứ kinh doanh, nhà nước thất thu thuế, vỉa hè vẫn mãi bị lộn xộn.
Bài, ảnh: Gia Hân