|
Không gian Local Corner góp phần quảng bá sản phẩm địa phương |
Kết nối, hỗ trợ DN
Đưa hàng hóa của DN Huế vào siêu thị, tham gia vào các chuỗi cung ứng giúp DN tận dụng mạng lưới khách hàng đối tác để gia tăng doanh số, tối ưu hóa quy trình sản xuất là mục tiêu mà Trung tâm đang theo đuổi thời gian gần đây. Trong đó việc hỗ trợ DN trên địa bàn tỉnh đưa hàng hóa vào hệ thống siêu thị Aeon Mall, Siêu thị Go, Co.opmart là dấu ấn rõ nét nhất.
Theo sát, đồng hành và kết nối hỗ trợ DN, lãnh đạo Trung tâm đã nhiều lần làm việc trực tiếp với Tổng Quản lý Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế về các giải pháp hỗ trợ DN địa phương vào kinh doanh tại Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế. Hai bên đã đi đến thống nhất triển khai ý tưởng hình thành khu vực văn hóa địa phương với nhiều chính sách hỗ trợ cho DN quảng bá giới thiệu sản phẩm. Như cách nói của bà Nguyễn Thị Bích Thảo, Giám đốc Trung tâm “Không gian Local Corner là kết quả của một quá trình đồng hành kết nối của tỉnh và nhà đầu tư nhằm hiện thực hóa không gian giao thoa văn hóa, quảng bá hình ảnh, sản phẩm đặc sản địa phương đến với du khách khi đến Huế tham quan, trải nghiệm”.
Hiện, khu vực này có 7 DN địa phương tham gia trưng bày quảng bá sản phẩm, như các sản phẩm thêu may Đoan Trang, các loại mứt đặc sản Huế và gia vị của Huefarm, các sản phẩm từ sâm Bố Chính của SBC Hoàng Gia…
|
Sản phẩm tham gia trưng bày tại các hoạt động xúc tiến thương mại |
Bà Hồ Nhật Phương, Giám đốc Công ty TNHH SBC Hoàng Gia cho hay, tham gia vào không gian Local Corner tại Aeon Mall là một trong những thành công lớn của DN trong năm 2024. Bởi đây không chỉ là cơ hội của DN trong quảng bá, khẳng định thương hiệu DN, khẳng định được chất lượng hồ sơ năng lực, mà còn là cơ hội cho DN trong tỉnh tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng hơn cũng như tìm kiếm các đối tác đầu tư.
Không chỉ hỗ trợ kết nối đưa sản phẩm vào trưng bày tại Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế, thông qua các hoạt động kết nối này, 7 DN Huế cũng đã đưa sản phẩm vào Siêu thị Aeon Mall Huế. Ngoài ra, trong khuôn khổ các hoạt động xúc tiến thương mại, nhất là hội nghị kết nối cung cầu giữa Thừa Thiên Huế và các tỉnh, thành năm 2024, diễn ra vào tháng 9/2024, Trung tâm đã kết nối 40 DN ký thỏa thuận hợp tác đưa sản phẩm tham gia vào chuỗi cung ứng lớn, như: Siêu thị Go, Co.opmart, sàn kinh tế hợp tác, hệ thống chuỗi cửa hàng tiện lợi Auminimart, Công ty CP Đặc sản Kinh Đô; Trung tâm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP Quảng Điền. Đến nay, 9 hợp đồng đã được ký kết chính thức, đưa các sản phẩm của DN Huế vào cửa hàng, đại lý phân phối. Ngoài ra, thông qua việc kết nối Công ty CP Đặc sản Kinh Đô với đối tác Thái Lan, Trung tâm cũng góp phần đưa một số sản phẩm đặc sản Huế xúc tiến sang thị trường Thái Lan.
Bà Nguyễn Thị Huệ, đại diện Công ty CP Đặc sản Kinh Đô chia sẻ, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm kỹ năng xúc tiến thương mại là điểm yếu cố hữu của các DN nhỏ và vừa. Vì thế, sản phẩm của DN dù đảm bảo các tiêu chuẩn nhưng vẫn rất khó tham gia vào các chuỗi cung ứng lớn hay đơn giản là phát triển thị trường cho sản phẩm. Vì lẽ đó, DN rất cần sự đồng hành từ các chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa, nhất là hỗ trợ trang bị các kiến thức, kỹ năng xúc tiến thương mại, kết nối thị trường, hỗ trợ máy móc, giải pháp tối ưu hóa các quy trình sản xuất…
Đổi mới để hỗ trợ hiệu quả
Thực tế từ hoạt động xúc tiến thương mại trong thời gian gần đây của Trung tâm cho thấy, việc hỗ trợ DN không chỉ gói gọn trong các phạm vi kết nối tại các diễn đàn, hội nghị… mà bắt đầu có sự đồng hành theo chiều sâu hơn, hỗ trợ theo nhu cầu và khó khăn phát sinh thực tế của DN. Các hoạt động xúc tiến thương mại được đa dạng từ phương thức trực tiếp, trực tuyến, trực tuyến kết hợp trực tiếp, đã góp phần quan trọng giúp DN đưa sản phẩm đi xa hơn phạm vi ngoại tỉnh và hướng tới xuất khẩu. Từ đó, DN dễ dàng tiếp cận nắm bắt các thông tin thị trường, thị hiếu người tiêu dùng của các nước; chủ động đăng ký tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến, trực tiếp.
Các hoạt động đào tạo nâng cao kỹ năng bán hàng trên các sàn thương mại điện tử hay tập huấn trang bị các kỹ năng, kiến thức cần thiết, kết nối với các đơn vị đã xuất khẩu… đang dần hiện thực hóa mục tiêu này. Trong đó, chương trình tập huấn "Giải pháp nâng cao trải nghiệm khách hàng trên nền tảng thương mại điện tử" vừa được Trung tâm tổ chức gần đây được cộng đồng DN đánh giá cao.
Ông Võ Ca Dao, Phó Tổng Giám đốc OBC Việt Nam nhận định, hoạt động vừa nêu đã cung cấp các giải pháp cụ thể và nhiều công cụ hữu ích giúp gia tăng nhận diện thương hiệu, sản phẩm của DN trên các nền tảng thương mại điện tử. Từ đó, DN có cơ hội tăng tương tác, tiếp cận khách hàng tiềm năng và hiểu sâu hơn về cách thức chăm sóc khách hàng cũng như các chiến lược hậu mãi, hướng đến xây dựng thương hiệu và uy tín đối với khách hàng.
Bà Nguyễn Thị Bích Thảo, Giám đốc Trung tâm cho hay, với tinh thần hỗ trợ thực chất cho DN trên địa bàn tỉnh, nhất là khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Trung tâm sẽ xây dựng chương trình xúc tiến thương mại giai đoạn mới theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải. Đặc biệt là ưu tiên hỗ trợ DN công nghiệp nông thôn tiêu biểu, DN OCOP, các DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh mở rộng thị trường tiêu thụ. Cùng với xúc tiến thương mại, Trung tâm cũng đồng hành với DN địa phương tốt hơn trong việc thực hiện nâng cấp, chuẩn hóa các sản phẩm địa phương thông qua các đề án khuyến công, huy động một số nguồn lực hỗ trợ DN… nhằm nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm theo nhu cầu của thị trường.
Trung tâm cũng triển khai khảo sát, lắng nghe ý kiến phản hồi, đánh giá của DN địa phương về chương trình xúc tiến thương mại, học hỏi các địa phương có nhiều thành công trong công tác xúc tiến thương mại cũng như phát triển quan hệ với các trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại các tỉnh, thành phố để tìm "chìa khóa" mở rộng thị trường cho cộng đồng DN Huế.