ClockThứ Tư, 21/11/2018 05:30

Chấn chỉnh tình trạng rải vàng mã, hoa đăng trên sông Hương

TTH - Trước thực trạng vàng mã, hoa đăng được nhiều người rải từ trên thuyền xuống sông Hương thường xuyên, một lần nữa UBND tỉnh đã phải phát đi công văn gửi các đơn vị liên quan yêu cầu chấn chỉnh tình trạng trên.

Bất chấp quy định, vàng mã từ lễ hội Hòn Chén vẫn rải xuống sông HươngDai dẳng nạn rải vàng mã xuống sông HươngCấm rải, đốt vàng mã: Xử lý chưa đồng bộ

Hoa đăng kim loại - "Sát thủ" của dòng Hương

Không khó để thấy cảnh vàng mã, hoa đăng được thả vào mỗi đêm trên sông Hương, đoạn từ chùa Thiên Mụ về giữa trung tâm TP. Huế. Nó kinh hoàng hơn vào những ngày rằm, lễ lớn, người ta rải một cách vô tội vạ. “Vàng mã, hoa đăng mà đặc biệt gần đây hoa đăng được làm bằng chất liệu nhựa, xốp, thậm chí bằng kim loại kẽm, nhôm vẫn được người trên thuyền thả nhưng không thấy có ai xử lý”, chị Võ Thị Hương Lan một người dân sống dọc theo sông Hương bức xúc.

Người đi lễ điện Hòn Chén vô tư rải vàng mã xuống sông Hương gây ô nhiễm, nhếch nhác

Ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên – Môi trường) xác nhận tình trạng rải vàng mã lâu nay đã gây ô nhiễm, nhưng vẫn không thể bỏ ngay được mà cần phải hạn chế từ từ. Tuy nhiên, đáng nói hơn khi gần một năm trở lại đây xuất hiện một số loại vàng mã có lớp nhúng kim loại, hay các loại hoa đăng được chế tác từ các loại kim loại nặng vô cùng nguy hại cho dòng sông và môi trường sống. “Tôi đề nghị cấm tuyệt đối loại vàng mã, hoa đăng như thế, nó không chỉ ảnh hưởng đến cảnh quan mà sau này ảnh hưởng không tốt đến nguồn nước. Cùng với đó, các cơ quan liên quan hoạt động trong lĩnh vực du lịch, du khách cần phải ý thức, cam kết rõ ràng cùng với các chủ thuyền trên sông Hương, nếu muốn thả hoa đăng phải đăng ký, và buộc phải thả bằng loại hoa đăng truyền thống”, ông Hùng nhấn mạnh.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin, lý giải tục thả hoa đăng không ai nói chính xác có từ khi nào. Chỉ biết rằng đây là một nghi lễ Phật giáo, phóng sanh gắn liền với phóng đăng, như một cách cầu nguyện. Sau này, hình thức này gắn liền với dịch vụ ca Huế và hoa đăng chủ yếu là bằng giấy. “Còn về những loại hoa đăng chất liệu như xốp, cao su, nhôm, kẽm... như vậy vô cùng nguy hại và phải cảnh báo ngay”, ông Hoa nhấn mạnh.

Sẽ làm việc các chủ thuyền, đơn vị lữ hành

Theo đại diện Phòng Văn hóa – thông tin TP. Huế, vàng mã và hoa đăng là 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau, vì vậy tính chất và mức độ của việc rải vàng mã và hoa đăng trên sông Hương không thể gộp chung làm một. Với chức năng quản lý Nhà nước về văn hóa, phòng đã tổ chức các hoạt động truyền thông, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về tác hại của việc rải vàng mã, thả hoa đăng trên sông. Yêu cầu các chủ thuyền thông báo cho người dân và du khách có nhu cầu thả đèn hoa đăng, cần mua các loại hoa đăng truyền thống; không được thả các loại đèn hoa đăng, vàng mã có nhựa, xốp, cao su và kim loại, khẩn trương rà soát, điều chỉnh thời gian, tầng suất vớt rác trên sông Hương hợp lý, đảm bảo mỹ quan cho sông Hương.

Hiện nay, để đáp ứng yêu cầu đổi mới về công tác tuyên truyền, vận động theo hướng hiệu quả hơn, phòng đang dự thảo tập sách “Hỏi và đáp về xây dựng nếp sống văn minh đô thị”. Theo nội dung tài liệu này, sẽ tiến hành lồng ghép đưa các chế tài xử lý vi phạm về rác thải, ô nhiễm môi trường để mọi người biết, chấp hành. Đồng thời, song song với tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành của người dân, phòng sẽ tham mưu UBND TP. Huế chỉ đạo các đơn vị chưc năng như công an, ban quản lý xe thuyền, Phòng VHTT triển khai công tác kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh tình trạng thả hoa đăng có chất liệu không phù hợp.

Cùng quan điểm, đại diện Sở Du lịch tỉnh cho rằng rải vàng mã, hoa đăng biến tướng thời gian gần đây gây phản cảm với du khách, nhất là với khách quốc tế nhưng không dễ để xử lý vấn đề này, vì đoạn sông Hương đi qua các khu vực hay xảy tình trạng nêu trên thuộc địa bàn quản lý của các địa phương, rồi việc quản lý giám sát môi trường, hoạt động ca Huế ở thuyền rồng, lễ hội trên sông lại thuộc nhiều ban ngành khác nhau.

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch, khi nhận sự phân công của UBND tỉnh, sở đang có kế hoạch tổ chức làm việc với các chủ thuyền du lịch, yêu cầu chủ các phương tiện tham gia hoạt động vận chuyển khách nếu phát hiện rác gần khu vực thuyền dừng, neo, đậu... phải tiến hành thu gom, đưa rác thải lên khu vực tập kết trên bờ để đưa đi xử lý.

Ngoài ra, phối hợp với các ban ngành liên quan vận động các chủ thuyền và các nhóm biểu diễn ca Huế chỉ sử dụng loại hoa đăng làm từ giấy và loại nến thông thường, dễ thu gom và phân hủy. Đề nghị các đơn vị lữ hành trong và ngoài tỉnh phối hợp tuyên truyền vận động khách tham quan du lịch không xả rác khi tổ chức tour đi trên sông Hương và từ chối sử dụng các loại hoa đăng làm từ vật liệu nhựa, xốp, kim loại; lồng ghép nội dung tuyên truyền vận động trong các chương trình tập huấn kỹ năng ứng xử du lịch hay nghiệp vụ du lịch cho các nhóm cộng đồng và các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực du lịch.

“Sở đang vận động một số doanh nghiệp hỗ trợ cung cấp thùng rác phân loại rác vô cơ - hữu cơ để bố trí đặt thí điểm trên một số thuyền du lịch, một vài điểm tham quan di tích gần sông Hương và phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp du lịch, cơ sở đào tạo du lịch cùng các nhóm cộng đồng tổ chức những buổi tình nguyện dọn, nhặt rác làm sạch môi trường sông Hương định kỳ…”, ông Phúc nhấn mạnh.

Bài, ảnh: PHAN THÀNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đẩy lùi tình trạng đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt

Với mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi việc người dân đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt trên địa bàn, cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành chức năng của huyện Quảng Điền đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, khép kín địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.

Đẩy lùi tình trạng đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt
Nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu-thừa nhà ở xã hội

Nhằm cải thiện chỗ ở cho người thu nhập thấp, từ năm 2022, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, với mục tiêu đến năm 2025 có thêm 1,25 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, nhưng đến thời điểm này có thể thấy, kế hoạch có nguy cơ “phá sản”. Trong khi đó, nhiều khu nhà ở tái định cư lại bị bỏ hoang, lãng phí, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu-thừa nhà ở xã hội
Hồ Tả Trạch tăng lưu lượng điều tiết nước

Ngày 16/12, Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 5 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có thông báo gửi các sở, ngành, địa phương về việc điều tiết nước hồ Tả Trạch về hạ du sông Hương.

Hồ Tả Trạch tăng lưu lượng điều tiết nước
Return to top