Thủy điện Bình Điền điều tiết xả lũ ngày 15/10
Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Bình Điền, ông Nguyễn Quang Hải khẳng định, từ nhiều năm trở lại đây chưa có năm nào lượng mưa lớn như đợt mưa lũ vừa qua. Hầu hết những ngày mưa lũ, lưu lượng nước đến hồ đều rất lớn. Gần nhất vào ngày 14/10, lưu lượng nước đến hồ thủy điện Bình Điền bình quân đạt 377m3/s, lưu lượng đến lớn nhất từ 3.000 - 3.855 m3/s, lưu lượng về hạ du 553m3/s.
Đến ngày 15/10, mực nước tại hồ Bình Điền đạt +83,54m, so với MNDBT của hồ +85m. Mưa lũ sẽ còn diễn biến phức tạp, kéo dài, trong khi mực nước trong hồ xấp xỉ MNDBT, buộc thủy điện Bình Điền phải tuân thủ điều tiết xả lũ về hạ du theo quy định để tiếp tục đón lũ mới nhằm đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du.
Ông Hải cho rằng, theo dõi diễn biến thời tiết, lượng mưa, mực nước đến hồ một cách chính xác là giải pháp quan trọng trong để điều tiết nước hợp lý, ứng phó các tình huống. Công ty đã lắp đặt các trạm quan trắc đo lượng mưa tự động và 15 camera nhằm kiểm soát mực nước trong hồ khi xảy ra mưa lớn; đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng mọi phương án bảo vệ an toàn công trình và vùng hạ du trong điều kiện, tình huống khẩn cấp.
Ông Trịnh Xuân Khoa, Phó Giám đốc phụ trách Công ty CP Thủy điện Hương Điền thông tin, đến ngày 14/10, mực nước tại hồ thủy điện Hương Điền đạt +57,71m, chỉ còn cách MNDBT 0,29m. Lúc 7 giờ sáng cùng ngày, lưu lượng đến hồ trung bình 652m3/s, lưu lượng đến lớn nhất từ 3.000 - 4.577m3/s, lưu lượng về hạ du 652m3/s.
Hồ thủy điện Hương Điền cũng như các hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh không chỉ có nhiệm vụ sản xuất kinh doanh mà còn phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt cho vùng hạ du. Việc tích nước đảm bảo phát điện là điều cần thiết, tuy nhiên thủy điện Hương Điền luôn tuân thủ quy trình vận hành liên hồ, lệnh của tỉnh trong điều tiết, xả lũ đảm bảo an toàn cho công trình và tính mạng, tài sản vùng hạ du.
Một số công nghệ, trang thiết bị hiện đại đã được thủy điện Hương Điền đầu tư phục vụ ứng phó bão, lũ, như hệ thống phần mềm dropbox, hệ thống scada… Đây là các thiết bị quan trọng phục vụ giám sát các hạng mục trên công trình thông qua mạng máy tính, làm cơ sở cho nhà máy tham mưu kịp thời với cấp trên để có sự chỉ đạo vận hành điều tiết, xả lũ một cách hợp lý, đúng với quy trình và an toàn.
Thủy điện Hương Điền điều tiết xả lũ
Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phan Thanh Hùng thông tin, từ đầu năm, các chủ hồ thủy điện xây dựng các phương bảo vệ an toàn hồ đập trong mùa bão, lũ, thiên tai, ứng phó các tình huống khẩn cấp… Các phương án đã trình các cấp, ban ngành phê duyệt.
Trước mùa bão lũ, chủ các công trình cũng đã kiểm tra, duy tu bảo dưỡng, sửa chữa các hạng mục, trang thiết bị trên công trình. Các bộ, ngành Trung ương, tỉnh đã kiểm tra và khẳng định các hạng mục hồ đập, thiết bị tại các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh đảm bảo chất lượng, an toàn.
Ông Hùng khẳng định, các hồ thủy điện chấp hành tốt các quy định, quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ và lệnh của tỉnh trong vận hành, điều tiết, xả lũ một cách hợp lý, an toàn. Từ ngày 6/10 đến 13/10 xảy ra mưa lớn trên diện rộng với lượng mưa từ 1.500 - 2.000mm, có nơi cao hơn như Bạch Mã 2.869mm, A Lưới 2.208mm. Tổng lượng nước về trên 3 tỷ mét khối, trong đó các hồ chứa đã tích khoảng 1 tỷ mét khối, góp phần giảm lũ cho hạ du trên 1 mét.
Dự báo từ chiều 16 đến 19/10, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới hoạt động mạnh, hoàn lưu áp thấp nhiệt đới (khả năng mạnh lên thành bão), gây mưa to đến rất to trên diện rộng. Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 300 - 500mm, có nơi trên 600mm, nguy cơ xảy ra sạt lở đất vùng núi, ven sông, ven biển rất cao. Mưa lũ dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo dài đến 21-24/10.
Trong khi đó, ngoài thủy điện Bình Điền, Hương Điền, mực nước tại hồ Tả Trạch, thủy điện A Lưới hiện nay cũng xấp xỉ MNDBT (hồ Tả Trạch +44,74m, so với MNDBT +45m; hồ thủy điện A Lưới +552,93m, so với MNDBT +553m).
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã yêu cầu chủ công trình các hồ chứa thuỷ điện, thủy lợi tổ chức trực ban theo dõi, quan trắc diễn biến của mưa lũ, thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành đơn hồ và liên hồ chứa nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn công trình và vùng hạ du. Các chủ hồ phải thông báo sớm cho chính quyền địa phương và Nhân dân vùng hạ du trước khi vận hành điều tiết xả lũ.
Chủ đầu tư các công trình đang thi công, đặc biệt là công trình ven biển, cửa sông, ven sông, vùng đồi núi cần có phương án khơi thông dòng chảy, đảm bảo an toàn tính mạng công nhân, người dân, phương tiện, thiết bị, vật tư thi công.
Toàn tỉnh hiện có 6 hồ thủy điện đưa vào vận hành với tổng dung tích chứa khoảng 2 tỷ m3, công suất lắp máy 330,2MW (theo quy hoạch có 13 hồ thủy điện, tổng công suất lắp máy là 442,7MW). Hiện nay, trên địa bàn đang triển khai thi công 7 thủy điện với tổng công suất lắp máy 112,5MW, gồm: A Lin B1, A Lin B2, A Lin Thượng, Rào Trăng 3, Rào Trăng 4, Sông Bồ và Thượng Nhật.
Bài, ảnh: Hoàng Triều