ClockThứ Năm, 20/10/2022 14:46

Chính phủ: Có chính sách phù hợp trong điều hành giá điện, xăng dầu

Cùng với các giải pháp để bảo đảm bền vững tài chính quốc gia, Thủ tướng đề nghị có chính sách phù hợp, công khai, minh bạch trong điều hành giá điện, xăng dầu, hàng hóa, dịch vụ quan trọng.

Phân bổ kế hoạch đầu tư vốn từ Chương trình phục hồi kinh tế-xã hộiXây dựng kế hoạch tài chính ngân sách cần đảm bảo tính khả thiĐiều hành chính sách tiền tệ hợp lý khi lạm phát trên thế giới tăngThủ tướng chỉ đạo "nóng" các nhiệm vụ, giải pháp điều hành kinh tế

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: TTXVN)

Phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV diễn ra sáng 20/10, tại Hà Nội Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh mục tiêu tổng quát trong năm 2023 là tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Ước cả năm 2022 đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu

Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, tình hình kinh tế-xã hội trong 9 tháng phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực; ước cả năm đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Trong đó, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm trong điều kiện gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, Chương trình phục hồi và phát triển Kinh tế-Xã hội và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia được tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện, trong 9 tháng đã thực hiện được hơn 60.000 tỷ đồng, chiếm hơn 20% tổng số vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và giao kế hoạch vốn chi tiết 3 Chương trình mục tiêu quốc gia khoảng 92.000 tỷ đồng, đạt 92% kế hoạch giai đoạn 2021-2025.

”Các ngân hàng thương mại yếu kém, doanh nghiệp thua lỗ, dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả kéo dài đã và đang được quyết liệt tháo gỡ, xử lý; thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế đạt kết quả tích cực. Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia được kiểm soát an toàn...,” Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo đánh giá của Chính phủ, trong năm 2023 dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường cả về chính trị, an ninh, kinh tế-xã hội. Tăng trưởng có xu hướng chậm lại; nguy cơ suy thoái kinh tế và các rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực, thông tin gia tăng.

Ở trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng; giá nhiều yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh tiếp tục xu hướng tăng; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống có thể bị thu hẹp; nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài và mới phát sinh cần phải tập trung giải quyết…

Vì vậy, quan điểm chỉ đạo điều hành của Chính phủ là tập trung chỉ đạo điều hành chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả; chủ động thích ứng với tình hình; kiểm soát rủi ro, ứng phó kịp thời với nguy cơ suy thoái, khủng hoảng từ bên ngoài; giải quyết hài hòa, hợp lý giữa hợp tác và cạnh tranh kinh tế quốc tế; vừa tập trung xử lý hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên và giải quyết những vấn đề tồn đọng kéo dài; vừa kịp thời ứng phó những vấn đề mới phát sinh và tạo nền tảng mang tính căn cơ, dài hạn cho phát triển nhanh, bền vững.

Về giải pháp, Thủ tướng nhấn mạnh việc theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, trong nước, kịp thời cảnh báo rủi ro, có đối sách phù hợp, điều hành đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các chính sách kinh tế vĩ mô; tăng cường phân tích, dự báo, chủ động các kịch bản, phương án chỉ đạo điều hành ứng phó với mọi tình huống.

Cùng với đó, thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.

Đặc biệt, Người đứng đầu Chính phủ lưu ý công tác điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp; bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng cho nền kinh tế, tập trung vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

“Phấn đấu tăng thu, triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên, chi sự nghiệp có tính chất đầu tư; bảo đảm an ninh, an toàn, bền vững tài chính quốc gia. Có chính sách phù hợp, công khai, minh bạch trong điều hành giá điện, xăng dầu, hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu khác. Tăng cường phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại,” Thủ tướng nêu rõ.

Quyết liệt các giải pháp để đạt tăng trưởng cao

Trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng nhấn mạnh những kết quả tích cực đạt được trong 9 tháng vừa qua, trong đó GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022.

Đặc biệt, các cân đối khác của nền kinh tế như cân đối lương thực, cân đối điện năng phục vụ cho phát triển kinh tế và sinh hoạt của người dân cơ bản được bảo đảm.

Tuy vậy, theo đại diện cơ quan thẩm tra, tỷ lệ giải ngân các chính sách hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội còn khá thấp, tính đến ngày 28/9/2022 mới đạt 20% tổng số vốn của Chương trình.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh. (Ảnh: TTXVN)

Ngoài ra, gói hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống ngân hàng thương mại có tỷ lệ giải ngân rất thấp, tính đến hết tháng 8/2022 mới chỉ đạt khoảng 13,5 tỷ đồng/gần 16.035 tỷ đồng phân bổ cho năm 2022 trong tổng số 40.000 tỷ đồng gói hỗ trợ lãi suất.

Trong khi đó, chất lượng thu ngân sách Nhà nước còn chứa đựng yếu tố chưa bền vững, phần lớn tăng thu từ đất, dầu thô (đạt 213% dự toán do giá bình quân tăng 47,05 USD/thùng so với dự toán), xổ số kiến thiết, trong khi thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng chậm.

Ngoài ra, thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp 3 năm không đạt dự toán, số thu thực tế rất thấp so với dự toán năm 2022, chỉ đạt 2,8 nghìn tỷ đồng, giảm 37,2 nghìn tỷ đồng so với dự toán.

Ở chiều ngược lại, tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển tiếp tục chậm, vẫn là điểm nghẽn chưa được giải quyết hiệu quả, ước giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 30/9/2022 là 253.148,12 tỷ đồng, mới chỉ đạt 46,7% kế hoạch Thủ tướng giao, thấp hơn với cùng kỳ năm 2021 (47,38%); riêng vốn ODA mới chỉ giải ngân được khoảng 15%.

Đối với các chỉ tiêu chủ yếu năm 2023, Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung cơ sở đề xuất chỉ tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân năm 2023 là 4,5%; với áp lực lạm phát dự kiến sẽ ở mức cao trong năm 2023.

Dẫn báo cáo về việc xây dựng dự toán thu ngân sách Nhà nước chi tương đương ước thực hiện năm 2022 trong điều kiện dự kiến tăng trưởng 6,5%, lạm phát 4%. Cụ thể, tỷ lệ huy động vào ngân sách Nhà nước khoảng 15,7%, thấp hơn mục tiêu 16% GDP bình quân của giai đoạn 5 năm 2021-2025; tỷ trọng thu nội địa 82,3%, thấp hơn mục tiêu khoảng 85-86%, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cân nhắc xây dựng dự toán thu ngân sách Nhà nước tích cực hơn để tăng chi đầu tư phát triển và giảm bớt bội chi.

Theo Vietnam+

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV:
Cần bổ sung quy định về hành lang an toàn mỏ

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, chiều 5/11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản.

Cần bổ sung quy định về hành lang an toàn mỏ
Quốc hội thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2025

Ngày 4/11, tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2025, điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia...

Quốc hội thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2025
Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Chỉ rõ 5 yếu tố về thời gian, trí tuệ, khát vọng, tự lực và hội nhập, cùng 3 nội dung cần đặc biệt lưu ý để tiếp tục đổi mới giáo dục và đào tạo theo chủ trương của Đảng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khát vọng đột phá để đưa nền giáo dục và đào tạo nước ta theo kịp, ngang tầm các nước phát triển càng sớm càng tốt.

Thủ tướng Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

TIN MỚI

Return to top