ClockThứ Ba, 09/01/2018 05:51
THỊT ĐỘNG VẬT THỐI RỮA TRÔI DẠT VÀO BỜ BIỂN PHÚ LỘC:

Chôn lấp, khử độc, tránh nguy cơ dịch bệnh

TTH - Nhiều ngày qua, một lượng lớn thịt động vật thối trôi dạt vào ven bờ biển các địa phương Lộc Vĩnh, Lăng Cô (Phú Lộc) khiến môi trường bị ô nhiễm, nguy cơ lây lan dịch bệnh. Các cơ quan chức năng đã tiến hành thu gom, chôn lấp, xử lý tiêu độc khử trùng.

 Nhiều túi đựng thịt thối trôi dạt vào bờ biển xã Lộc Vĩnh được chôn lấp, xử lý. ảnh: Đ.T

Những ngày gần đây, ngư dân các địa phương Lộc Vĩnh, Lăng Cô phản ánh tình trạng thịt động vật đã phân hủy nặng trôi dạt vào ven bờ sau đó đánh dạt hẳn vào bãi cát. Việc xuất hiện một khối lượng lớn thịt động vật thối trên bờ biển đã ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh bãi biển, môi trường du lịch của các địa phương này.

Ông Lê Công Minh, Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh cho biết, hiện tượng các túi ni lông, thùng xốp bên trong chứa thịt động vật thối dạt vào bờ biển Lộc Vĩnh xuất hiện trong 3 ngày: mồng 1, mồng 5 và mồng 6/1. Các túi dạt vào rải rác ở các thôn Bình An 1, Bình An 2 và Phú  Hải với khối lượng mỗi bì từ 1-5kg.

Chính quyền địa phương đã kịp thời chôn lấp thịt thối trôi dạt vào ven biển, tránh tính trạng ô nhiễm. ảnh: Đ.T

Các túi được gói rất kỹ, vuông vắn như những kiện hàng. Khi mở các túi ra kiểm tra thì toàn bộ là thịt động vật đã thối. Một số túi khi mở ra có cả dấu kiểm dịch trên thịt, không có thông tin gì thêm ở các túi hàng. Sau khi phát hiện, xã đã báo cáo lên huyện, đồng thời phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chân Mây tiến hành thu gom và tiêu hủy bằng hình thức chôn lấp ở các rừng dương, xa khu dân cư, khử trùng bằng vôi.

Do các túi ni lông dạt vào bờ rải rác trong ngày, lực lượng chức năng chưa phát hiện kịp thì có một số người dân mang đi tiêu hủy bằng hình thức chôn lấp gần bờ nhưng số lượng không đáng kể. Chính quyền địa phương đã khuyến cáo người dân cần thông báo kịp thời cho lực lượng chức năng để có hướng xử lý phù hợp, không tự ý mang chôn không đúng quy định gây ô nhiễm môi trường.

Ông Nguyễn Văn Qua, ngư dân thôn Phú Hải, xã Lộc Vĩnh cho biết: “Các túi ni lông dạt vào bờ nhiều ngày qua, khi đánh bắt trên biển gần bờ, trung bờ thì các túi thịt này mắc vào lưới, gây nhiều khó khăn cho ngư dân. Bà con phải mang chôn lấp gấp vì mùi xú uế nặng không chịu được”.

Cận cảnh túi thịt trôi dạt vào bờ biển Lộc Vĩnh

Ông Phan Văn Trọng, Trưởng phòng TN&MT huyện Phú Lộc thông tin, ngay khi nhận phản ánh của chính quyền địa phương, để tránh tình trạng ô nhiễm, phòng đã cử đơn vị về kiểm tra và hướng dẫn người dân, chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp chôn lấp, phun tiêu độc khử trùng.

“Theo sự phân cấp, phân quyền của UBND tỉnh thì vấn đề này sẽ do Ban quản lý Khu kinh tế công nghiệp tỉnh xử lý. Địa phương chỉ nắm tình hình, hướng dẫn khắc phục bước đầu mà thôi”, ông Trọng nói.

Ông Nguyễn Quê, Phó Trưởng ban quản lý Khu kinh tế công nghiệp tỉnh khẳng định, hiện nay cán bộ phụ trách công tác môi trường của đơn vị đang kiểm tra nhằm báo cáo UBND tỉnh hướng xử lý tiếp theo. “Đơn vị chỉ kiểm tra về môi trường công nghiệp, du lịch, xả thải… còn xử lý về mặt môi trường biển thì thuộc trách nhiệm của Sở TN&MT cùng địa phương”, ông Quê nói.

TS. Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, qua kiểm tra, có khoảng 500 kg thịt động vật trôi dạt vào bờ biển của các địa phương. Các dấu kiểm dịch của cơ quan thú  y đều bị mờ, không thể đọc được, đến nay vẫn chưa xác định nguồn thịt này từ đâu tới; tuy nhiên, theo dòng hải lưu có thể bắt nguồn từ hướng Đà Nẵng.

Ngoài hướng dẫn công tác chôn lấp, tiêu độc khử trùng, đơn vị cũng đã khuyến cáo các địa phương, thú y cơ sở, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát nguồn thịt động vật sau khi giết mổ trong và ngoài tỉnh. Trong đó, chú trọng các tuyến đường bộ của các xã ven biển. Trong trường hợp phát hiện thịt không rõ nguồn gốc, bị bỏ trôi dạt cần báo cho chính quyền địa phương, cơ quan thú y xã để tiến hành chôn lấp, tiêu độc khử trùng đúng quy trình, tiêu chuẩn tránh tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh.

Hà Nguyên- Quang Đức

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ĐỐI MẶT VỚI DỊCH ĐẬU MÙA KHỈ:
Cần rút bài học từ Covid-19

Khi đại dịch COVID-19 vừa kết thúc, với sự xuất hiện của một chủng virus mới, được biết đến là virus Mpox gây bệnh đậu mùa khỉ, cảnh báo về việc căn bệnh này đã và đang nghiêm trọng hơn ở châu Phi cũng như lây lan nhanh tại nhiều nước trên thế giới, sẽ giành được nhiều sự chú ý hơn.

Cần rút bài học từ Covid-19
Xử lý kịp thời ca bệnh sốt xuất huyết, ngăn muỗi sinh sôi

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có gần 900 ca bệnh sốt xuất huyết, có tuần ghi nhận đạt đỉnh 70 trường hợp dương tính với sốt xuất huyết Dengue. Ngành y tế tỉnh nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp truyền thông, tổ chức vệ sinh môi trường, nâng cao nhận thức cho người dân…

Xử lý kịp thời ca bệnh sốt xuất huyết, ngăn muỗi sinh sôi
TP. Huế tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè

Nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa hè, không để dịch bệnh bùng phát và hạn chế tối đa số ca mắc bệnh và tử vong, UBND TP. Huế chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè năm 2024, đặc biệt là sốt xuất huyết và các bệnh dự phòng bằng vắc xin.

TP Huế tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè

TIN MỚI

Return to top