|
Hỗ trợ khách hàng là mục tiêu lớn của các ngân hàng |
“Chiếc phao” cho khách hàng
Năm 2023 được xem là năm có nhiều thách thức với doanh nghiệp khi liên tục đối mặt với những khó khăn từ tình hình quốc tế lẫn trong nước, sức mua giảm khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp chỉ cầm chừng, tình trạng thiếu đơn hàng, cắt giảm nhân sự liên tục diễn ra. Nhiều doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động, giải thể hay hoạt động cầm chừng dẫn tới doanh thu, thu nhập sụt giảm, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ các khoản vay.
Trước sức nóng ấy, việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN (Thông tư 02) vào cuối tháng 4/2023 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn và có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2024 được xem là cứu cánh không chỉ cho doanh nghiệp, người dân mà cho cả bản thân ngân hàng.
Và thực tế, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ giúp doanh nghiệp và người dân tập trung nguồn lực tài chính để phát triển sản xuất, kinh doanh mà không ảnh hưởng đến các nguy cơ tiềm ẩn của việc chuyển nhóm nợ, nợ xấu làm ảnh hưởng đến các cơ hội tiếp cận tín dụng sau này. Ngoài ra, ngân hàng cũng sẽ giảm thiểu đáng kể nợ xấu phát sinh.
Hiệu lực của chính sách này cũng được chứng minh khá rõ, khi theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh đến 15/1/2024, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 385 lượt khách hàng, với tổng giá trị nợ gốc và lãi lũy kế được cơ cấu gần 560 tỷ đồng. Tổng dư nợ gốc và lãi của khách hàng được cơ cấu là 1.062 tỷ đồng. Điều này cũng đồng nghĩa 385 khách hàng đối mặt với nguy cơ nợ xấu, mất đi cơ hội tiếp cận tín dụng đã được đồng hành, hỗ trợ nhằm vượt qua thời điểm khó khăn.
Nói vậy để thấy, hiệu lực của chính sách này rất lớn, thể hiện rõ sự đồng hành của các tổ chức tín dụng trong thực hiện mục tiêu hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp đang tỏ ra lo lắng khi hiệu lực của chính sách này chỉ kéo dài đến tháng 6/2024. Nghĩa là sau thời điểm này, khách hàng đang gặp khó khăn nguy cơ trong ngắn hạn không có khả năng trả nợ các khoản vay tại ngân hàng sẽ không còn cơ hội được cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Trong khi đó, theo dự báo năm 2024 vẫn sẽ là năm doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn.
Kéo dài thời gian cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ
Nhìn qua tình hình doanh nghiệp những ngày đầu năm phần nào thấy được sự ảm đạm trong hoạt động doanh nghiệp. Khi chỉ tính trong 2 tháng đầu năm, số doanh nghiệp thành lập mới cộng với số doanh nghiệp trở lại thị trường vẫn thấp hơn rất nhiều so với số doanh nghiệp tạm ngưng, giải thể. Cụ thể, tính đến 29/2/2024, toàn tỉnh có 87 doanh nghiệp thành lập mới và 97 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tuy nhiên số doanh nghiệp đăng ký tạm ngưng hoạt động lại lên đến 335 doanh nghiệp, tăng 105 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước, ngoài ra còn có 16 doanh nghiệp giải thể tự nguyện.
Theo chia sẻ của đại diện lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Thông tư 02 được ban hành đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm bớt áp lực trả nợ vay khi đang gặp khó khăn về dòng tiền, thu nhập và doanh thu sụt giảm... Việc được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ góp phần làm giảm áp lực trả nợ vay của doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo doanh nghiệp vẫn tiếp cận được nguồn vốn để duy trì sản xuất, phục hồi và phát triển sau này. Tuy nhiên, khi chính sách này hết hiệu lực, dự báo sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng doanh nghiệp.
Chúng ta thường nói, doanh nghiệp và ngân hàng có mối quan hệ cộng sinh, việc doanh nghiệp gặp khó khăn hay mất khả năng trả nợ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của ngân hàng cũng như an toàn của hệ thống. Vì thế, việc kéo dài hiệu lực Thông tư 02 là điều cần thiết trong thời điểm hiện nay, vị này khẳng định.
Từ góc độ của các tổ chức tín dụng, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ còn góp phần tích cực giảm bớt các áp lực về chất lượng tín dụng. Nhìn lại số liệu thống kê năm 2023 của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, dù có sự trợ lực rất lớn từ Thông tư 02, song tỷ lệ nợ xấu trên địa bàn vẫn rất cao. Cụ thể, nợ xấu tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn năm 2023 ở mức 1.057 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,34% (cao hơn mức tỷ lệ 0,72% vào thời điểm cuối năm 2022). Chất lượng tín dụng đối với nợ nhóm 2 theo báo cáo phân loại nợ của các ngân hàng thương mại cũng ở mức 1.343 tỷ đồng, tăng gấp 1,8 lần so với thời điểm cuối năm 2022, tỷ lệ nợ nhóm 2/tổng nợ là 1,83%.
Điều này cho thấy áp lực không nhỏ của các tổ chức tín dụng trong “cuộc chiến” đảm bảo chất lượng tín dụng, khi tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay
Tại hội nghị thúc đẩy tín dụng năm 2024 được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức gần đây, vấn đề này cũng được đưa ra mổ xẻ. Các ngân hàng đều kiến nghị kéo dài Thông tư số 02 với lý do việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ sẽ giúp khách hàng có thêm thời gian để thực hiện các nghĩa vụ nợ trong khi chờ nền kinh tế phục hồi. Còn về phía ngân hàng sẽ giảm được áp lực nợ xấu lên bảng cân đối kế toán và báo cáo kết quả kinh doanh.
Kiến nghị này đã được Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú thống nhất và sẽ có những cân nhắc cụ thể về thời gian gia hạn hiệu lực chính sách này. Điều này góp phần thực hiện 2 mục tiêu lớn của ngành ngân hàng trong năm 2024 là đồng hành cùng khách hàng và đảm bảo an toàn hệ thống.