ClockThứ Sáu, 16/04/2021 07:15

Công bố chỉ số PAPI năm 2020: Thừa Thiên Huế xếp thứ 10/63

TTH - Tại buổi công bố chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2020 do Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một số đơn vị tổ chức công bố diễn ra ngày 14/4/2021, tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục ghi tên vào nhóm 10 tỉnh, thành phố xếp hạng cao nhất nước.

Thừa Thiên Huế xếp thứ 5/63 tỉnh, thành, thuộc nhóm cao nhất toàn quốc

Với nỗ lực xây dựng thành phố xanh và phát triển bền vững về môi trường, năm 2020, tiêu chí quản trị môi trường của Thừa Thiên Huế đạt 3,94 điểm, xếp 9/63 tỉnh, thành. Ảnh: Phan Thành

Trong tổng hợp kết quả PAPI năm 2020 của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, Quảng Ninh là địa phương có thứ hạng cao nhất với 48,81 điểm; xếp tiếp theo lần lượt là Đồng Tháp 46,97 điểm, Thái Nguyên 46,48 điểm, Bắc Ninh 45,31 điểm, Hà Tĩnh 45,01 điểm, Quảng Trị 44,78 điểm, Quảng Bình 44,70 điểm, Bến Tre 44,65 điểm, Hòa Bình 44,60 điểm và Thừa Thiên Huế 44,53 điểm.

Với điểm số này, Thừa Thiên Huế xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố (năm 2019 xếp 5/63, năm 2018 xếp 43/63); trong đó, chỉ số tham gia của người dân ở cấp cơ sở 5,04 điểm, xếp 23/63; công khai, minh bạch 5,47 điểm, xếp 22/63; trách nhiệm giải trình với người dân 5,03 điểm, xếp 17/63; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công 7,32 điểm, xếp 11/63; thủ tục hành chính công 7,41 điểm, xếp 30/63; cung ứng dịch vụ công 7,33 điểm, xếp 13/63; quản trị môi trường 3,94 điểm, xếp 9/63; và quản trị điện tử 2,99 điểm, xếp 16/63.

Năm 2020 là một năm đầy thách thức đối với Thừa Thiên Huế do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và thiên tai liên tiếp từ tháng 9 đến giữa tháng 12, bão lũ xảy ra liên tiếp với quy mô rộng lớn, cường độ rất mạnh đã gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Nhưng với quyết tâm xây dựng nền hành chính phục vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính, trong năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhờ đó kết quả chỉ số PAPI của tỉnh vẫn được duy trì trong nhóm tỉnh thành phố dẫn đầu cả nước.

Theo báo cáo công bố, Thừa Thiên Huế nằm trong nhóm 16 tỉnh, thành phố đạt điểm cao nhất ở chỉ số PAPI 2020 tổng hợp; các chỉ số thành phần về kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, cung ứng dịch vụ công, quản trị môi trường, quản trị điện tử thuộc nhóm đạt điểm cao nhất; các chỉ số còn lại gồm: tham gia của người dân ở cấp cơ sở, công khai minh bạch trong việc ra quyết định, trách nhiệm giải trình với người dân và thủ tục hành chính công đều đạt nhóm điểm trung bình cao của cả nước.

Hệ thống đô thị thông minh góp phần nâng cao chất lượng quản lý, điều hành của Thừa Thiên Huế. Ảnh: Thái Bình  

 

Tuy xếp hạng PAPI tổng hợp năm 2020 của tỉnh giảm 5 bậc so với năm 2019, nhưng xét về tỉ lệ phần trăm điểm thay đổi năm 2020 so với năm 2019 thì chỉ số về kiểm soát tham nhũng trong khu vực công của Thừa Thiên Huế có tỉ lệ tăng lên đáng kể là 9,04%, tỉ lệ trách nhiệm giải trình giảm 7,9%; các chỉ số còn lại có tỉ lệ tăng, giảm không lớn (dưới 5%).

Nghiên cứu chỉ số PAPI là khảo sát xã hội học thường niên với quy mô lớn nhất ở Việt Nam về giám sát thực thi chính sách. Năm 2020, đã có 14.732 người dân tham gia khảo sát, mỗi người phỏng vấn từ 45 đến 60 phút, ở 416 xã, 208 huyện trên cả nước. Dữ liệu và thông tin thực chứng từ chỉ số PAPI cho thấy bức tranh thực tế về hiệu quả của các cấp chính quyền trong đáp ứng nhu cầu và mong muốn của người dân. Chỉ số PAPI đóng vai trò là “tấm gương” giúp các cấp chính quyền soi chiếu lại hoạt động trong một năm, đồng thời tạo tập quán cạnh tranh lành mạnh, văn hóa học hỏi kinh nghiệm giữa các chính quyền địa phương.

Tại Việt Nam, chỉ số PAPI được thực hiện từ năm 2009 với mục tiêu góp phần cải thiện chất lượng hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các tổ chức công, đảm bảo quyền căn bản của con người, nhất là quyền được bày tỏ chính kiến, tiếp cận thông tin và sử dụng dịch vụ công căn bản có chất lượng. Với dữ liệu chứng thực thu thập từ người dân là những đối tượng thụ hưởng chính từ nền quản trị công và dịch vụ công có chất lượng, thông qua khảo sát PAPI thường niên và các hoạt động nghiên cứu và tư vấn chính sách chuyên đề, chương trình nghiên cứu PAPI góp phần tìm hiểu những khoảng trống, những điểm nghẽn chính sách cần được các cơ quan có chức năng hoạch định chính sách bổ khuyết, đổi mới, hướng tới đạt được những mục tiêu trên và góp phần cải thiện hiệu quả hoạt động của bộ máy công vụ ở Việt Nam.

Thừa Thiên Huế tăng 3 bậc trong bảng xếp hạng PCI năm 2020

Sáng 15/4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2020 (PCI 2020) dựa trên khảo sát gần 12.300 doanh nghiệp. Theo kết quả này, Thừa Thiên Huế đứng thứ 17 trong bảng xếp hạng, tăng 3 bậc so với năm 2020. Năm nay, Thừa Thiên Huế có số điểm đánh giá là 65,3 điểm, nằm trong nhóm khá của toàn quốc. Chỉ số này phần nào đánh gia về tính năng động, tiên phong của chính quyền địa phương được cải thiện, chi phí không chính thức giảm; cải cách hành chính ngày càng cải thiện và môi trường kinh doanh ngày càng bình đẳng.

Thái Bình

Nguyễn Đính

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Công bố 10 sự kiện nổi bật ngành tài nguyên và môi trường năm 2024

Ngày 21/12, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố các sự kiện ngành tài nguyên và môi trường năm 2024. Các sự kiện của ngành tài nguyên và môi trường năm 2024 đã phản ánh, đề cập đến những vấn đề nóng, nổi bật, những thành tựu trong công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, quản lý tài nguyên, môi trường, đa dạng sinh học..., để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước bền vững. Dưới đây là 10 sự kiện nổi bật ngành tài nguyên và môi trường năm 2024:

Công bố 10 sự kiện nổi bật ngành tài nguyên và môi trường năm 2024
Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI là chia sẻ của ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại chương trình gặp gỡ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 do Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Câu lạc bộ FDI tổ chức tối 12/12.

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI
Return to top