Hạ tầng thiết yếu thuận lợi, nguồn lao động dồi dào là những “điểm 10” cho DN sản xuất công nghiệp ở Huế. Song đi sâu tìm hiểu mới thấy nhiều nỗi bận tâm của DN mong muốn chuyển giao, ĐMCN để nâng cao hàm lượng chất xám trong sản phẩm, giá trị gia tăng, năng suất lao động.
Dây chuyền công nghệ Đức chế biến cát khép kín ở Công ty Phenikaa Huế
"Hình mẫu"từ đổi mới
Ra đời muộn và người lãnh đạo đơn vị am tường việc sản xuất kinh doanh thời hội nhập, nhà máy xi măng Đồng Lâm đã có giải pháp ĐMCN trên tất cả các khâu, từ cung ứng, tổ chức sản xuất, kiểm soát chất lượng... nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu khách hàng.
Cụ thể, trong khâu tổ chức sản xuất, nhà máy đã chọn dây chuyền sản xuất đồng bộ dựa trên công nghệ lò quay tiên tiến. Trong vòng 5 năm gần đây, nhà máy đã đầu tư đầy đủ 2 công nghệ nghiền, giúp đa dạng hóa đặc tính sản phẩm, đáp ứng tốt mọi nhu cầu của khách hàng. Các thiết bị hiện đại với hệ thống tự động hóa cao được điều khiển từ phòng điều khiển trung tâm, các khâu sản xuất đều được lấy mẫu kiểm tra đảm bảo về chất lượng.
Riêng trong khâu quản lý chất lượng, để đảm bảo ổn định nguyên liệu đầu vào kiểm soát tốt quá trình chế biến, nhà máy đã đầu tư đồng thời 2 hệ thống máy phân tích trực tuyến PGNAA kết hợp hệ thống kiểm soát phối liệu tự động mà chưa có nhà máy nào ở Việt Nam thực hiện. Chính điều này đã tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhà máy.
Có mặt ở Công ty TNHH MTV Đầu tư và Chế biến khoáng sản Phenikaa Huế (Công ty Phenikaa Huế) tại KCN Phong Điền, chúng tôi cứ ngỡ như vào công viên; sạch sẽ, thoáng mát, không ồn ào ngay từ lối vào dù những robot, dây chuyền băng tải liên tục ra vào "quặm" những khối hàng lớn. Thế nhưng đội ngũ công nhân nơi đây phần lớn chỉ điều khiển bấm nút, tương tác các thiết bị công nghệ như đang lướt game.
Ba năm nay, dù nghe nhiều nhưng giờ mới thấy Phenikaa Huế là điểm sáng trong việc ứng dụng KHCN vào sản xuất. Đây là đơn vị thứ 5 trên thế giới, có dây chuyền áp dụng công nghệ Đức sản xuất đá Tobalit gốc thạch anh từ nguyên liệu cát ở huyện Phong Điền, công suất 72.000 tấn/năm, nhưng năm nào công suất cũng vượt hơn 110%. Sản phẩm của công ty cung cấp cho các nhà máy sản xuất đá nhân tạo gốc thạch anh của Tập đoàn Phenikaa và xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Pháp, Bỉ.
Theo kế hoạch, Công ty Phenikaa Huế đang hướng đến xây dựng nhà máy chế biến sâu các sản phẩm từ cát để gia tăng giá trị cho vùng cát nguyên liệu, cùng với tỉnh hình thành KCN vật liệu xây dựng công nghệ cao.
Ông Hoàng Anh Trung Sơn, Giám đốc Công ty Phenikaa Huế chia sẻ, với hướng đi của mình, đơn vị luôn chú trọng đầu tư ĐMCN để tăng công suất cho nhà máy. Mỗi tháng, đơn vị có hơn 150 đề tài, sáng kiến cải tiến được áp dụng, góp phần tăng năng suất, tiết kiệm chi phí sản xuất, nghiên cứu phát triển. Một con số nói ra không ít người đã tặc lưỡi nhưng đó là sự thật. Mới đây một đề tài khoa học được áp dụng là "làm sàng lồng để sàng liệu xả ra ở Export" do đơn vị thực hiện làm hạn chế hơn 95% lượng nguyên liệu thất thoát ra ngoài (106,3 tấn/tháng), không còn phát sinh bụi làm mất mỹ quan nhà xưởng. Tính riêng đề tài này giá trị làm lợi cho đơn vị gần 3 tỷ đồng/năm.
Thiết bị công nghệ của doanh nghiệp nước ngoài ở Huế chủ yếu phục vụ gia công sản phẩm
Nhiều rào cản
Không như những DN trên có đủ tiềm lực để liên doanh, liên kết đầu tư, chuyển giao ĐMCN, rất nhiều DN hiện nay ở Thừa Thiên Huế muốn ĐMCN đang gặp nhiều rào cản.
Những năm gần đây, ngành chức năng tham mưu nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ DN nghiên cứu khoa học, chuyển giao ĐMCN kinh doanh sản xuất, như hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, cải tiến công nghệ, chuyển giao công nghệ, phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn... Đây là một nỗ lực lớn, tuy nhiên mức hỗ trợ chưa cao, lại nhiều ràng buộc nên nhiều DN khó tiếp cận. Hơn nữa, nhiều thủ tục hành chính và lắm điều kiện để có thể được vay vốn chuyển giao, ĐMCN khiến không ít DN nản lòng.
Sở KHCN hàng năm vẫn thông báo cho DN đăng ký đề tài, nhưng rất ít đơn vị tham gia. Nhiều DN cho hay, để trở thành DN có nghiên cứu, ứng dụng KHCN rất cần sự hỗ trợ của nhà nước nhưng điều này rất ít. Muốn được cấp giấy chứng nhận thì phải trình bày, mô tả. Đây là bí mật công nghệ của DN. Nhiều DN mang hồ sơ đi vay, nhưng hầu hết đều bị từ chối với nhiều lý do như “không biết cách làm dự án”, “hồ sơ vay không đủ thông tin cần thiết”…
Mới đây, như công ty CP Chế biến lâm sản xuất khẩu Pisico Huế chế biến sản phẩm dăm gỗ thô xuất khẩu ra nước ngoài nhưng thiết bị máy móc phụ trợ lạc hậu, hoạt động vận chuyển hàng mất nhiều thời gian, chi phí. Khắc phục hạn chế trên, đơn vị chuyển giao đầu tư hai robot tự động bốc hàng với kinh phí hơn 2 tỷ đồng. Thế là lãnh đạo phải "gõ cửa" từ ngân hàng này đến ngân hàng kia rồi đành chào thua vì ngân hàng trả lời chưa cho vay dự án diện này. Cuối cùng Pisico Huế đành "mượn tạm "quỹ phúc lợi của đơn vị để đầu tư.
Theo Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Dương Tuấn Anh, hiện ở địa phương có 99% DN vừa và nhỏ, phương thức hoạt động theo lối truyền thống, năng lực sản xuất kinh doanh, chất lượng tăng trưởng thấp so với khu vực và trong nước. Để đầu tư, chuyển giao, cải tiến một khâu nào đó trong sản xuất khiến họ phải “nâng lên đặt xuống” vì tiềm lực yếu.
Bài, ảnh: Minh Văn
Kỳ II: Chưa bằng lòng với hiện tại