ClockThứ Ba, 26/11/2019 13:45

Cơ sở đóng tàu “đói” đơn hàng

TTH - Hạn ngạch tàu đánh bắt xa bờ được lấp đầy đồng nghĩa với việc các cơ sở đóng tàu trên địa bàn tỉnh sẽ “đói” đơn hàng. Thực tế hiện nay, các cơ sở đóng tàu đang “ngắc ngoải”, nhiều thợ đóng tàu đành chuyển nghề mưu sinh.

Thêm hai tàu vỏ thép được đóng mớiNhọc nhằn nghề đóng tàu lưu động

Một tàu cá hiếm hoi được đóng mới tại xã Vinh Hiền, Phú Lộc

“Đói” hàng

Nếu như thời điểm này vài năm trước, cơ sở đóng tàu An Thuận của ông Phạm Bá Hiếu (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang) tấp nập kẻ vào người ra, thì nay khung cảnh lại đìu hiu.

Ông Hiếu bảo, đây là năm thất bát, khan đơn hàng. Từ đầu năm 2019 đến nay, không có chiếc tàu cá nào đóng mới tại cơ sở của ông.

“Năm 2019, cơ sở tôi chỉ sửa chữa 5 tàu cá. Trong năm  2018, 2019 không đóng mới tàu cá nào. Trước đây, lao động tại xưởng có lúc lên đến cả trăm người nhưng nay chỉ còn 10 người”, ông Hiếu thông tin.

Tại Thừa Thiên Huế, cơ sở đóng tàu An Thuận có tiếng lâu nay, tập hợp hàng chục tay thợ lành nghề, nổi tiếng. Tuy nhiên, sản xuất cầm chừng khiến nhiều lao động đành “bó gối”, không đủ chi phí cho cuộc sống thường ngày.

Theo tìm hiểu, nghề đóng tàu là nghiệp mưu sinh chính của nhiều lao động, được tổ tiên họ truyền lại tự bao đời. Khắp các địa phương như Phú Vang, Phú Lộc, những đội đóng tàu lưu động được hình thành như là cách giữ lửa nghề. 

“Tui hành nghề đóng tàu lưu động không chỉ ở Huế mà còn tại các tỉnh lân cận. Hiện nay, số lượng tàu cá Nhà nước cho phép đóng không chỉ ở Thừa Thiên Huế mà các tỉnh khác cũng lấp đầy, do vậy nghề đóng tàu đang gặp khó khăn”, ông Nguyễn Lãm (thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc) tâm sự.

Những năm gần đây, khi nghề đánh bắt xa bờ phát triển, Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ đóng mới tàu cá, nhu cầu ngư dân theo đó tăng cao, đặc biệt ở vùng cửa biển. Nhiều thợ đóng tàu lão luyện chỉ cần một bãi đất trống, nguyên vật liệu cần thiết là có thể tạo ra những con tàu công suất lớn.

Tại Phú Lộc, cơ sở đóng tàu Khắc Hùng thành lập đáp ứng nhu cầu ngư dân. Hơn 3 năm “đứng chân” tại vùng biển Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, cơ sở này đã tạo ra hàng chục con tàu có giá trị nhiều tỷ đồng. Song, năm nay, cơ sở này chỉ đóng độc nhất một chiếc tàu có công suất 800 CV.

“Cơ sở tôi lúc trước có khoảng 20 người thợ. Thợ chính có thu nhập từ 10-15 triệu đồng/tháng. Nhưng nay, do đơn hàng khan hiếm, ít việc nên nhiều thợ đã nghỉ. Số còn lại chủ yếu sửa chữa, cải hoán tàu cá vào kỳ nghỉ đông. Từ khi mở cơ sở đóng tàu, đây là năm khó khăn nhất”, ông Nguyễn Khắc Hùng, chủ cơ sở đóng tàu Khắc Hùng cho biết.

Thu nhập giảm sút

Với nhiều người, đóng tàu là nghề truyền thống và nó dập dềnh như con nước. Đa số những người thợ có tuổi thơ gắn liền với sóng nước. Họ hiểu từng con nước, am tường từng ngọn gió để trần mình uốn cong những tấm ván trên lửa, lắp vào khung tàu, tạo ra hệ thống lái “vặn tàu” lách qua sóng dữ.

“Tui 20 năm đóng tàu cá đi biển. Ban đầu là những con tàu vài chục CV đến những con tàu hàng trăm CV. Bây giờ “đói hàng” đành chuyển sang đóng tàu du lịch. Những người khác đành chuyển việc, thu nhập giảm sút đáng kể. Còn đối với những chủ cơ sở thì thiệt hại rất lớn dẫn đến thua lỗ”, một thợ đóng tàu ở xã Vinh Hiền giãi bày.

Nghề đóng tàu bây giờ gặp khó nhưng trớ trêu thay, nhu cầu đóng mới tàu cá trong dân hiện vẫn còn khá lớn. Hạn ngạch cấp giấy phép đánh bắt xa bờ của Trung ương khiến họ dù có tiền cũng không thể lên đà đóng mới tàu cá. Tại bãi đà của cơ sở đóng tàu cá Khắc Hùng, chỉ duy nhất tàu cá có công suất chừng 800 CV của anh Nguyễn Văn Luân (thôn Hiền An 2, xã Vinh Hiền) đang đóng mới. Để đóng được tàu cá này, anh Luân phải trả lại giấy phép đánh bắt xa bờ của một tàu cá khác đã bị hư hỏng.

Theo ông Võ Giang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, hiện nay, tại Thừa Thiên Huế đang có 4 cơ sở đóng tàu cá. Song, chỉ 1 cơ sở đạt chuẩn theo quy định của Chính phủ. Trước đây, nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, nhu cầu đóng mới tàu cá của ngư dân rất cao, các cơ sở đóng tàu cũng ăn nên làm ra. Song hiện nay, mặc dù có khoảng gần 10 hồ sơ xin đóng mới tàu cá trong dân nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa chấp nhận do vướng hạn ngạch khai thác xa bờ do Trung ương phân bổ.

Bài, ảnh: L.Thọ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bất cập ở cơ sở đóng tàu không phép

Nhiều cơ sở đóng tàu nằm ở khu vực biển, đầm phá trên địa bàn tỉnh, không chỉ hoạt động không phép mà còn gây ô nhiễm, lấn chiếm hành lang cầu đường bộ, ảnh hưởng rừng dương ven biển.

Bất cập ở cơ sở đóng tàu không phép
Đóng tàu theo Nghị định 17: Ngư dân vẫn còn e ngại

Nghị định 17/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/2014/NĐ-CP về hỗ trợ ngư dân đóng tàu có công suất lớn. Sau gần một năm triển khai, ngư dân trên địa bàn tỉnh vẫn e ngại tiếp cận.

Đóng tàu theo Nghị định 17 Ngư dân vẫn còn e ngại
Hỗ trợ nhiên liệu cho tàu đánh bắt xa bờ

Gần 36 tỷ đồng hỗ trợ nhiên liệu đợt 2 năm 2018 cho 288 tàu cá hoạt động xa bờ đang được các cơ quan chức năng tiến hành các thủ tục cấp phát, tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi bám biển.

Hỗ trợ nhiên liệu cho tàu đánh bắt xa bờ
Hơn 3,5 tỷ đồng hỗ trợ bảo hiểm cho chủ tàu đánh bắt xa bờ

Ngày 8/8, ông Hoàng Ngọc Khanh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh cho biết, UBND tỉnh vừa quyết định hỗ trợ bảo hiểm cho chủ tàu đánh bắt xa bờ đợt 1/2018 gói bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị và ngư lưới cụ trên tàu theo quy định của Chính phủ với tổng số tiền hơn 3,5 tỷ đồng.

Hơn 3,5 tỷ đồng hỗ trợ bảo hiểm cho chủ tàu đánh bắt xa bờ
Chính sách mới cho đóng tàu xa bờ: Ngư dân lúng túng

Từ hỗ trợ vốn vay, lãi suất ưu đãi theo Nghị định 67, Nghị định 17 chuyển sang hỗ trợ một lần 35% giá trị chiếc tàu sau khi hoàn thành theo quy định mới khiến ngư dân lúng lúng, khó khăn trong xoay xở nguồn vốn đóng tàu xa bờ.

Chính sách mới cho đóng tàu xa bờ Ngư dân lúng túng

TIN MỚI

Return to top