ClockThứ Năm, 02/04/2015 19:33

Công phu nghề nấu dầu trầm

TTH - Để có mẻ tinh dầu trầm ưng ý - có khi chỉ tính bằng ống xi-ranh - người nấu dầu kinh nghiệm như ông Hồ Văn Diệm, ở Thủy Xuân (TP Huế) phải thức trắng vài đêm liền để canh lửa.

Lò nấu khép kín

Chất lượng

Không khó để tìm cơ sở sản xuất tinh dầu trầm của ông Hồ Văn Diệm (Diệm Huế). Nằm lưng chừng giữa đường Hoài Thanh nối vào Nhà máy rượu sake. Có tiếng là bởi, ngoài quy mô, đây là cơ sở đầu tiên trên đất Thủy Xuân bén duyên sớm với nghề nấu tinh dầu trầm.
Lúc chúng tôi đến, tầm hơn 10 giờ trưa, có hai vợ chồng người Malaysia đang tìm hiểu quy trình sản xuất tinh dầu. Hai người này sau đó đã mua một chai tinh dầu chừng 5ml. Hỏi ra mới biết, ở Malaysia họ cũng sản xuất và kinh doanh mặt hàng này, nhưng giá chênh lệch nhiều so với tinh dầu do gia đình ông Diệm sản xuất. Và theo như lời của hướng dẫn viên đi cùng thì mùi hương của tinh dầu của cơ sở Diệm Huế thơm và lưu giữ được lâu hơn tinh dầu mà hai vị khách nọ tặng.
Ngoài nấu tinh dầu trầm, cơ sở Diệm Huế còn sản xuất hương, trầm và các sản phẩm được làm từ bột nguyên liệu trầm sau khi đã nấu tinh dầu; do đó, luôn giữ được mùi hương đặc trưng của trầm. Không như một số nơi, người làm hương, trầm thường dùng những loại nước hoa rẻ tiền trộn vào nên trầm, hương có mùi rất khó chịu, không thơm dịu như trầm nguyên chất.
Chính bởi sản phẩm chất lượng nên người mua thường quay lại đặt hàng với số lượng lớn. Cơ sở Diệm Huế nhờ thế có đại lý ở rất nhiều tỉnh, TP trên cả nước.
Song, niềm tự hào của vợ chồng ông Diệm không chỉ ở những sản phẩm có tính chất thời vụ này. Cái lâu dài và bền bỉ nhất cũng là mục tiêu hướng tới để mở thêm cơ sở ở Đồng Nai là phát triển nghề nấu tinh dầu trầm.
Cơ duyên đến với nghề này theo như lời ông Diệm cũng rất tình cờ. Từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia, sau đó được giữ lại để đi học, sau khi giải ngũ, ông vào TP Hồ Chí Minh công tác ở Ban Đời sống của TP. Có cơ hội đi nhiều, gặp nhiều người và bén duyên với nghề nấu tinh dầu trầm từ một người bạn ngoại quốc.
Công phu

Giá khá đắt nên tinh dầu trầm được chia nhỏ mỗi chai khoảng 5ml để bán cho khách hàng

 
Trở lại Thủy Xuân với tâm thế mới, nguồn lực mới, ông Diệm mua mảnh đất rộng hơn 2.000m2 để làm cơ sở nấu tinh dầu trầm ngay bên cạnh khu đất của tổ tiên để phát triển nghề tinh dầu trầm.
Nhìn người đàn ông đen đúa, chân chất không khác gì nông dân, chúng tôi không thể ngờ ông từng là chủ một doanh nghiệp liên doanh có tiếng ở TP Hồ Chí Minh. Hỏi về công ty, ông nói đang chuẩn bị bán tất cả cổ phần để chuyên tâm sản xuất tinh dầu trầm.
Sau một hồi vòng vo, chúng tôi mạnh dạn hỏi thẳng công đoạn nấu tinh dầu trầm. Ông Diệm dắt chúng tôi xuống khu vực nấu dầu. “Không phải ai cũng được vô đây. Nghề chi cũng có bí quyết riêng của nó. Lộ bí quyết là mất nghề như chơi”. Nói rồi ông Diệm giải thích, 40 lò nấu tinh dầu được xây thành hai hàng dài đối diện nhau, kiểu gần như lò nấu rượu nhưng công phu hơn nhiều. Mỗi lò được xây riêng biệt, gồm có lò nấu than phía dưới kết thông với thùng nấu, phía trên có vòi dẫn khí ra ngoài qua thùng chứa nước. Trầm sau khi được xay, ngâm nước 2 tuần được đưa vào nồi nấu.
Quá trình nấu mất chừng 3-4 ngày đêm liên tục sẽ cho ra tinh dầu qua ống dẫn khí. Dầu nhẹ hơn nên nổi trên mặt nước. Lớp dầu sau khi được vớt đem vào chưng cất, lọc, sấy đưa qua máy li tâm để hơi nước thoát hết hoàn toàn chỉ còn lại tinh dầu nguyên chất.
“Quy trình nấu tinh dầu trầm cơ bản là thế, nhưng để có được mẻ dầu tốt nhất không phải cứ đúng quy trình là được”, ông Diệm nói. Theo lời ông chủ cơ sở nấu tinh dầu có trên 26 năm kinh nghiệm, trong quá trình nấu, nhiệt độ trong các lò phải luôn đảm bảo ở mức 100 độ C và phải đỏ lửa liên tục 24/24 giờ. Nhờ nấu than củi trấu nên ông Diệm khá thuận lợi trong việc giữ lửa. Cách hai tiếng đồng hồ là đun than củi trấu một lần. Mỗi đợt nấu dầu, phải có nhiều người thức đêm để canh lửa đỏ liên tục.
Để nấu được một lít tinh dầu trầm thì nguyên liệu bột xay phải tính đến con số tấn. Bởi thế, giá tinh dầu trầm khá cao, tính cả tiền trăm triệu đồng. Song không phải ai cũng nấu thành công và mẻ nào cũng cho ra dầu loại I. Đó hẳn là bí quyết của từng người và theo như ông Diệm thì ngoài kinh nghiệm, tay nghề, còn có lòng đam mê, nhiệt huyết và quan trọng nhất là cái tâm, uy tín với khách hàng. Dù chưa phải là cơ sở lớn, song tiếng tăm của Diệm Huế đã được nhiều khách hàng biết đến. Tinh dầu trầm Diệm Huế đã xuất khẩu ra một số nước trên thế giới để làm nguyên liệu định hương dùng trong việc sản xuất nước hoa.
Bài, ảnh: Tâm Huệ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đảm bảo cấp điện dịp Giỗ tổ Hùng Vương, lễ 30/4 và 1/5

Nhằm đảm bảo cấp điện trong dịp Giỗ tổ Hùng Vương, lễ 30/4 và 1/5 tới, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế (PC Thừa Thiên Huế) chỉ đạo các phòng ban chức năng, các đơn vị trực thuộc thực triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn, tin cậy phục vụ các hoạt động chính trị, xã hội, sản xuất kinh doanh, nhu cầu sinh hoạt, lễ hội của nhân dân trên địa bàn.

Đảm bảo cấp điện dịp Giỗ tổ Hùng Vương, lễ 30 4 và 1 5
Phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy đầu tư xanh

Chiều 10/4, tại Nghệ An, Trường đại học Kinh tế, Đại học Huế phối hợp với Viện Nghiên cứu kinh doanh, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Trường đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng và Trường đại học Kinh tế Nghệ An tổ chức hội thảo khoa học Quốc gia “Phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy đầu tư xanh hướng tới mục tiêu phát triển bền vững”.

Phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy đầu tư xanh
Dệt may phục hồi, tăng tốc trong xu thế xanh

Sau thời gian gặp khó khăn do thị trường tiêu thụ cũng như yêu cầu xuất khẩu vào thị trường EU và một số thị trường khác phải đảm bảo “đơn hàng xanh”, năm 2024 các doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng dệt may trên địa bàn tích cực đầu tư nhà xưởng, thay đổi chiến lược kinh doanh để đáp ứng các yêu cầu nên đã phục hồi trở lại và ổn định sản xuất kinh doanh.

Dệt may phục hồi, tăng tốc trong xu thế xanh

TIN MỚI

Return to top