ClockThứ Sáu, 31/12/2021 09:11

Đại dịch hoành hành, nhiều dự án FDI hướng đến giá trị gia tăng cao

Mặc dù COVID-19 kéo dài khiến một số nhà máy tại Việt Nam phải tạm ngừng hoạt động hoặc giảm công suất, nhưng số lượng các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI năm 2021 với quy mô trên 50 triệu USD vẫn tăng mạnh.

Thu hút FDI năm 2021 tăng ngoạn mục, vượt mốc 31 tỷ USDNăm 2021, thu hút FDI tăng 9%, vượt mốc 31 tỷ USDKỳ vọng vào FDI11 tháng năm 2021, thu hút FDI đạt 26,46 tỷ USD

Sản xuất tại Công ty TNHH Công nghiệp Strong Way, Khu công nghiệp Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN.

Việc Chính phủ và các cơ quan chức năng kịp thời vào cuộc, ban hành nhiều chính sách, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp cũng như các quy định, hướng dẫn thích ứng với tình hình mới đã giúp việc giải ngân được cải thiện. Đặc biệt những tháng cuối năm 2021, dòng vốn FDI bắt đầu quay trở lại Việt Nam với rất nhiều dự án đầu tư lớn được cấp phép. Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, Việt Nam vẫn là điểm đến của nhà đầu tư nước ngoài năm 2022.

Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tín hiệu đáng mừng là các dự án đầu tư vào Việt Nam đang hướng đến giá trị gia tăng cao. Không chỉ vậy, chính sách thu hút đầu tư tại Việt Nam có chọn lọc, giảm số lượng, tăng về chất lượng đã giúp Việt Nam loại bỏ các dự án quy mô nhỏ, ít giá trị gia tăng.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến 20/12, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái… Trong đó, cả vốn đăng ký mới và vốn điều chỉnh đều tăng duy chỉ có phần góp vốn mua cổ phần vẫn giảm nhưng mức giảm đã cải thiện rất nhiều so với các tháng trước.

Cụ thể: Năm 2021 có 1.738 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giảm 31,1% về số lượng so với năm 2020 nhưng tổng vốn đăng ký đạt trên 15,2 tỷ USD, tăng 4,1%; 985 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn (giảm 13,6%) với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 9 tỷ USD (tăng 40,5%). Ngoài ra, có 3.797 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (giảm 38,2%) với giá trị gần 6,9 tỷ USD (giảm 7,7%).

“Việc hạn chế nhập cảnh và chính sách cách ly dài ngày trong những tháng dịch COVID-19 bùng phát trở lại ở Việt Nam cũng làm chững lại các đoàn chuyên gia và nhóm phát triển dự án vào Việt Nam khảo sát và làm các thủ tục đầu tư. Ngoài ra, việc phong tỏa nhà máy và hạn chế di chuyển của người lao động trong các khu công nghiệp làm đình trệ sản xuất, giảm công suất và sản lượng, đứt gãy chuỗi cung ứng cũng góp phần làm ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư mới đang có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam”, đại diện Cục Đầu tư nước ngoài cho biết.

Tính đến thời điểm này, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 18,1 tỷ USD, chiếm 58,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành sản xuất, phân phối điện mặc dù thu hút được số lượng dự án mới, điều chỉnh cũng như góp vốn mua cổ phần không nhiều, song có dự án có quy mô vốn lớn đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư trên 5,7 tỷ USD, chiếm 18,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành kinh doanh bất động sản; bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là trên 2,6 tỷ USD và trên 1,4 tỷ USD.

Theo Bộ KH&ĐT, năm 2021 đã có 106 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 10,7 tỷ USD, chiếm 34,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Hàn Quốc đứng thứ hai với gần 5 tỷ USD, chiếm 15,9%; và Nhật Bản đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,9 tỷ USD, chiếm 12,5%. Đặc biệt, vốn đầu tư của Singapore gấp gần 2,2 lần vốn đầu tư của Hàn Quốc và gấp hơn 2,7 lần vốn đầu tư của Nhật Bản do Singapore có 1 dự án đầu tư mới và 1 trường hợp góp vốn mua cổ phần có vốn đầu tư lớn.

"Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng trưởng và sẽ bứt phá trong năm 2022 khi các quốc gia đang thích ứng với điều kiện bình thường mới, dần mở cửa nền kinh tế", đại diện Bộ KH&ĐT kỳ vọng. Theo đó, Việt Nam sẽ tập trung thu hút các dự án điện, điện tử, công nghiệp chế biến chế tạo, bán buôn, bán lẻ, công nghiệp phụ trợ, các nhóm ngành thúc đẩy kinh tế xanh của các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản.

Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Việt Nam nằm ở khu vực phục hồi kinh tế tích cực trong năm 2022 cũng như nằm trong đà phục hồi của mạng sản xuất khu vực châu Á sẽ góp phần quan trọng để tăng tốc thu hút đầu tư nước ngoài.

“Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ nhìn thấy cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Các hiệp định sẽ mở ra không gian mới cho các hoạt động kinh tế. Hơn nữa, khi kinh tế của cả khu vực phục hồi, các nhà đầu tư nước ngoài có thể cân nhắc, ra các quyết định đầu tư để đa dạng hóa cơ sở sản xuất”, đại diện CIEM cho biết.

PGS.TS, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng: Việc thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 tạo điều kiện cho sản xuất - kinh doanh phục hồi nhanh chóng đã mở ra các cơ hội thu hút dòng vốn FDI cho Việt Nam trong thời gian tới. “Việt Nam cần sẵn sàng về hạ tầng, môi trường đầu tư, các chính sách phù hợp với định hướng thu hút FDI chất lượng cao theo Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước cũng cần nâng cao năng lực để liên kết, tham gia chuỗi sản xuất”, ông Đinh Trọng Thịnh cho biết.

Về địa phương thu hút FDI, Hải Phòng vượt qua Long An vươn lên dẫn đầu trong năm 2021 với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 5,26 tỷ USD, chiếm 16,9% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp gần 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2020; tỉnh Long An xếp thứ hai với trên 3,84 tỷ USD, chiếm 12,3% tổng vốn đầu tư cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh đứng vị trí thứ ba với gần 3,74 tỷ USD, chiếm gần 12% tổng vốn đầu tư.

Theo Báo Tin tức

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thu giữ hàng nghìn sản phẩm “nhái” thương hiệu nổi tiếng

Ngày 20/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh cho biết vừa phối hợp với Công an huyện Nam Đông phá chuyên án liên quan đến hành vi sản xuất hàng hóa giả mạo, xâm phạm sở hữu công nghiệp các nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ tại Việt Nam.

Thu giữ hàng nghìn sản phẩm “nhái” thương hiệu nổi tiếng
Phát triển kinh tế tập thể: Hướng đi hiệu quả

Việc liên kết sản xuất, đổi mới mẫu mã, phương thức bán hàng đã giúp các mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) phát huy tối đa lợi thế, thúc đẩy sự phát triển, nhất là các sản phẩm công nghiệp nông thôn...

Phát triển kinh tế tập thể Hướng đi hiệu quả

TIN MỚI

Return to top