Tòa nhà điều hành nhà máy xi măng Nam Đông bị bỏ hoang được dân thả trâu bò vào bên trong cho ăn cỏ
Dự án dang dở, dân bức xúc
Công trình này được khởi công vào tháng 3/2009, do Công ty CP Đầu tư xi măng Nam Đông – Việt Song Long làm chủ đầu tư, cam kết sẽ hoàn thành vào năm 2011. Khu vực đặt nhà máy được xác định có diện tích 40ha, đáp ứng nhu cầu khai thác 50 năm, cho ra lò 1,8 triệu tấn xi măng/năm. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn xây dựng khu nhà điều hành thì dự án dậm chân tại chỗ. Khu nhà điều hành hai tầng ngổn ngang, hoang tàn, không một bóng người đang xuống cấp theo thời gian.
Thống kê của UBND xã Thượng Quảng, có 28 hộ dân với gần 150 khẩu được chính quyền vận động nhường đất cho dự án, vào khu tái định cư mới cách đó chừng 2km. Những ngày đầu, người dân vui mừng khi có một dự án lớn, mở ra cơ hội việc làm cho người dân trong vùng. Tuy nhiên, khi dự án bị bỏ hoang đã khiến người dân vô cùng lo lắng.
Anh Lê Nhữ Thi, một hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án bức xúc. “Đất ở khu tái định cư xấu chi lạ, trồng cây chi cũng rứa, 5 năm rồi mà không phát triển. Nước giếng nhiễm mặn nên phải đi xin nước nơi khác về uống”. Cũng giống như gia đình anh Thi, các hộ dân khác cũng “kêu trời” vì thiếu đất sản xuất, nhất là đất trồng cây lâu năm vì hầu hết diện tích đã bị thu hồi.
Ông Hoàng Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Thượng Quảng cho biết, từ ngày dự án ngừng triển khai, người dân và chính quyền rất bức xúc. Tại các cuộc họp, tiếp xúc cử tri, chính quyền đã đề nghị với các cấp có thẩm quyền tìm cách tháo gỡ, đưa ra phương án cụ thể, rõ ràng để người dân biết. Nếu dự án không triển khai, phải trả lại đất để người dân canh tác. Một số hộ có đất đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng vì đất nằm trong vùng quy hoạch xây dựng nhà máy nên không được cấp, ảnh hưởng đến việc sản xuất lâu dài.
Chờ ý kiến của Bộ Xây dựng
Theo ông Trần Quốc Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, sau khi tỉnh có chủ trương cho xây dựng dự án nhà máy xi măng Nam Đông, huyện đã tiến hành giải phóng, di dời các hộ dân để bàn giao mặt bằng. Sau đó, chủ đầu tư đã tiến hành xây dựng khu nhà hành chính điều hành. Tuy nhiên đến năm 2011, dự án thực hiện các hạng mục công trình như đã cam kết. Đến thời điểm đó, chủ đầu tư đã đầu tư khoảng 150 tỷ đồng cho những việc như khai thác, thăm dò trữ lượng, xây dựng nhà, điều hành…
Ông Phụng cho hay, đã nhiều lần kiến nghị với UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư có giải pháp đối với dự án này. Nếu không đầu tư phải có hướng xử lý để huyện biết và sử dụng quỹ đất, tránh lãng phí tài nguyên đất đai trên địa bàn. “Theo quy định, khi thu hồi dự án thì phải hoàn trả vốn đầu tư ban đầu cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, việc này nằm ngoài khả năng xử lý của huyện. Số phận của dự án nhà máy xi măng Nam Đông phải do tỉnh và các bộ, ngành trung ương quyết định, chứ huyện không đủ thẩm quyền”, ông Phụng thông tin.
Nói về sự chậm trễ của dự án này, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tháng 4 vừa qua, sở đã có công văn gửi Công ty CP Đầu tư xi măng Nam Đông - Việt Song Long, yêu cầu báo cáo tình hình và kế hoạch thực hiện dự án trong thời gian đến. UBND tỉnh cũng có công văn xin ý kiến 2 bộ có liên quan đến dự án là Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng. Bộ Tài chính đã có văn bản trả lời, dự án không thuộc diện bảo lãnh vay vốn trong thời điểm hiện tại. Trong khi đó, theo Công văn số 1592/TTg-KTN ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát các dự án đầu tư xây dựng nhà máy xi măng trong quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam, thì hoãn triển khai dự án nhà máy xi măng Nam Đông (không có thời hạn khởi động lại dự án).
“Hiện tại UBND tỉnh đang chờ ý kiến trả lời của Bộ Xây dựng về các vấn đề nêu trên, sau khi có ý kiến trả lời của Bộ Xây dựng, tỉnh sẽ có phương án xử lý cụ thể”, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
PHAN THÀNH