Chi tiêu mua sắm thấp
Theo khảo sát của ngành du lịch, trong tổng chi phí cho chuyến du lịch đến Việt Nam, du khách quốc tế trung bình chỉ chi khoảng 15-25% cho mua sắm, trong khi với Thái Lan, khoản này chiếm 50-55%. Theo các chuyên gia du lịch, nguyên nhân của tình trạng này là do sản phẩm lưu niệm của Việt Nam còn quá nghèo nàn và thiếu đặc trưng riêng, nên không kích thích được du khách mua sắm.
Hàng lưu niệm vẫn chưa hấp dẫn du khách
Hầu hết các quốc gia phát triển về du lịch đều có những sản phẩm lưu niệm mang đậm dấu ấn văn hóa để du khách thoạt nhìn vào là biết món quà đó đến từ đâu. Điển hình như nước Nga từ lâu đã nổi tiếng khắp thế giới với những con búp bê gỗ Matryoska; Nhật Bản gắn liền với quạt giấy, búp bê truyền thống; Malaysia có tòa tháp đôi Petronas; Singapore có sư tử biển; Pháp thì dễ dàng bắt gặp hình ảnh tháp Effel và mọi sản phẩm lưu niệm của Thái Lan luôn có hình ảnh voi… Trong khi đó, dù Việt Nam là một đất nước giàu bản sắc văn hóa và sở hữu nhiều làng nghề, song để tìm một sản phẩm lưu niệm mang dấu ấn riêng của Việt Nam thì rất khó khăn.
Anh Tấn Quyền, một hướng dẫn viên du lịch lâu năm trong nghề cho biết: “Sản phẩm lưu niệm của Việt Nam chưa đẹp về mẫu mã và na ná nhau. Những sản phẩm lưu niệm phổ biến của ta như đồ gốm, mây tre đan, gỗ chạm khắc… thường cồng kềnh hoặc dễ vỡ, khó vận chuyển, đồng thời không có dấu ấn riêng so với nhiều quốc gia có thế mạnh tương tự khác trong khu vực. Bên cạnh đó, đồ lưu niệm “made in China” được bày bán ở khắp các điểm du lịch trên cả nước với mẫu mã đa dạng và giá rẻ hơn hẳn so với hàng Việt Nam”.
Còn anh Đức Hùng, cũng là một hướng dẫn viên, thì chia sẻ: “Mẫu hàng thường bị lệ thuộc vào mẫu truyền thống khá nhiều nên không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng trẻ hoặc khách hàng có cuộc sống đương đại. Các sản phẩm thủ công thường kết cấu không được chắc chắn hoặc làm theo thói quen thẩm mỹ của người nông dân nên chưa phù hợp với khách quốc tế”.
Ngay ở Thủ đô Hà Nội, dù có hơn 5.000 làng nghề, trong đó có gần 400 làng nghề thủ công truyền thống, nhưng cũng chưa tìm ra được sản phẩm lưu niệm đặc trưng và phù hợp nhất với khách du lịch. Thậm chí, tại hai làng nghề nổi tiếng nhất Hà Nội là gốm Bát Tràng và lụa Vạn Phúc cũng bị pha trộn đồ Trung Quốc.
Cần chiến lược đầu tư
Ông Phạm Trung Lương, nguyên Viện phó Viện Phát triển du lịch cho rằng: “Để làm hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch, cần có sự đầu tư nghiên cứu sản phẩm đặc trưng như mặt hàng nhỏ, thẩm mỹ, gu thời trang phù hợp với từng thị trường khách”.
Còn ông Vũ Hy Thiều, chuyên gia thủ công mỹ nghệ Việt Nam cũng cho rằng: “Thủ công mỹ nghệ được xác định là một trong những ngành có tiềm năng của Việt Nam, xuất khẩu sang hơn 163 quốc gia trên thế giới. Điểm mạnh của sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam là phong phú và có tính truyền thống cao, một số sản phẩm có độ tinh xảo tốt, nhưng lại chưa đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của khách. Khó khăn nhất hiện nay là phát triển mẫu hàng vì các nghệ nhân không được đào tạo bài bản, chủ yếu là truyền nghề theo gia đình nên tập trung vào kỹ năng truyền thống mà thiếu kiến thức về thẩm mỹ, thiếu kỹ năng về thiết kế”.
Từ năm 2009, Tổng cục Du lịch đã khuyến khích các địa phương trọng điểm về du lịch chọn biểu tượng đặc trưng làm quà lưu niệm cho khách du lịch, đảm bảo vừa mang tính gọn nhẹ, vừa làm nổi bật nét văn hóa của địa phương. Một số địa phương trọng điểm du lịch cũng đã phát động cuộc thi thiết kế quà tặng và hàng lưu niệm phục vụ du lịch nhưng hầu hết những nỗ lực này mới chỉ dừng lại ở mức phát động phong trào mà chưa phát huy hiệu quả thật sự. Đã đến lúc cần có một chiến lược đầu tư thật sự cho sản phẩm lưu niệm của Việt Nam; để có thể tạo ra những sản phẩm hấp dẫn du khách, đồng thời lại góp phần quảng bá được văn hóa và du lịch Việt Nam.
Theo Báo Tin tức