Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Australia đạt hơn 4,45 tỷ USD, tăng hơn 23% và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Australia đạt khoảng 7,95 tỷ USD, tăng xấp xỉ 69,9%, so với năm 2020.
May hàng xuất khẩu tại Công ty May Thái Nguyên. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN
Ngoài ra, một tin vui khác là vị trí đối tác thương mại giữa hai nước cũng đã có sự cải thiện. Việt Nam vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ 12 của Australia, và ngược lại Australia là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Việt Nam, cao hơn một bậc so với năm 2020.
Những con số nêu trên ghi nhận dấu mốc mới tích cực trong mối quan hệ kinh tế - thương mại của hai quốc gia, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam và Australia vừa hoàn tất ký kết Chiến lược Tăng cường Gắn kết Kinh tế, nhằm hỗ trợ tham vọng chung là đưa hai nước trở thành đối tác thương mại hàng đầu của nhau và tăng gấp đôi đầu tư hai chiều.
Xét riêng về kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Australia, báo cáo của Thương vụ Việt Nam tại Australia cho thấy, mặc dù nguồn cung hàng hóa và hoạt động vận chuyển quốc tế gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng sau 12 tháng của năm 2021, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Australia đều có sự tăng trưởng tốt so với năm 2020.
Kim ngạch các nhóm mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất có mức tăng mạnh, cao trung bình từ hai đến ba con số so với năm trước. Hàng hóa công nghiệp chế biến chế tạo, bao gồm hàng dệt, may, da giày, máy móc thiết bị phụ tùng, phương tiện vận tải và phụ tùng tiếp tục tăng ấn tượng, đặc biệt là hàng dệt may tăng trưởng cao hơn 42,23%. Kim ngạch của các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như nông, thủy sản... cũng vượt trội so với năm trước đó. Cụ thể, thủy sản tăng 16,03%, gạo tăng 34,36%; hàng rau quả tăng 28,15%; hạt tiêu tăng 41,98%...
Trong quý III/2021, do dịch COVID-19 gây ảnh hưởng, một số nhóm mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã phải chịu tác động tiêu cực lớn, như giày dép, thủy sản, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, hạt điều… Tuy nhiên, sang tới quý IV/2021, hoạt động sản xuất dần được khôi phục, thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng này từng bước được cải thiện. Tổng kết năm 2021, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang ngày càng khẳng định được vị thế và tạo cơ sở để tiếp tục mở rộng tại thị trường Australia.
Bước sang năm 2022, triển vọng giao thương giữa Việt Nam và Australia là rất lớn. Hiện hai nước đều là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) - một thỏa thuận thương mại thế hệ mới bao trùm và cởi mở. Bên cạnh đó, Việt Nam và Australia cũng đã hoàn tất ký kết Chiến lược Tăng cường Gắn kết Kinh tế hai bên và sẽ triển khai ngay trong năm nay. Chiến lược này dự kiến đặt ra một lộ trình tăng cường các cơ hội thương mại và đầu tư, củng cố mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa hai nước.
Theo Đại sứ Australia tại Việt Nam Robyn Mudie, nền kinh tế Australia và Việt Nam có tính bổ sung cho nhau. Australia là nhà cung cấp dịch vụ và nguyên liệu thô đáng tin cậy cho các nhà xuất khẩu của Việt Nam và người tiêu dùng của Australia rất ưa chuộng các sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam. Mối quan hệ của hai quốc gia bạn bè có tiềm năng rất lớn, khi cả hai đều đang nỗ lực khôi phục từ dịch COVID-19. Với Chiến lược Tăng cường Gắn kết Kinh tế Việt Nam – Australia, bà Mudie tin rằng hai nước sẽ cùng nhau đi tới lộ trình phát triển hội nhập và bền vững.
Theo TTXVN