Từ khuyến công tỉnh
Xưởng chế biến gỗ của DNTN Hòa Nga ở cụm công nghiệp Xước Dũ, phường Hương Hồ, hàng chục máy cưa xẻ gỗ hoạt động hết công suất, gần 100 công nhân tất bật sản xuất. Nhà xưởng rộng gần 3.000m2 trở nên chật chội khi số lượng gỗ nguyên liệu nhập về từ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và các địa phương trong tỉnh lên đến cả ngàn mét khối. Để phục vụ sản xuất, đầu năm 2015, DN đầu tư 1,3 tỷ đồng trang bị bộ thiết bị nồi hơi và hệ thống sấy gỗ, trong đó nguồn vốn KC hỗ trợ gần 100 triệu đồng. Hiện, các thiết bị đã đưa vào hoạt động giúp DN nâng cao năng suất, mở rộng xưởng sản xuất, đồng thời tiếp nhận thêm 30 lao động vào làm việc.
300 lao động của Công ty CP Phước Hiệp Thành được nguồn vốn KC hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề đan sợi nhựa
Giám đốc DNTN Hòa Nga Trần Thiện Hòa cho biết: “Với xu hướng sử dụng các sản phẩm gỗ nội, ngoại thất ở các nước trên thế giới ngày càng nhiều, các DN trong nước mở rộng quy mô và tăng công suất chế biến. Vì vậy, bộ thiết bị nồi hơi và hệ thống sấy gỗ do vốn KC hỗ trợ một phần kinh phí đã giúp DN rất nhiều trong việc sấy gỗ đáp ứng nhu cầu khách hàng.”
Ngay từ những ngày đầu thành lập, Công ty CP Phước Hiệp Thành ở phường Hương Văn đứng trước nhiều khó khăn thách thức do đa số lao động đều chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp nên không có tay nghề. Được sự hướng dẫn của Phòng Kinh tế thị xã, DN mạnh dạn lập đề án KC và được Sở Công thương phê duyệt hỗ trợ 180 triệu đồng để mở khóa đào tạo nghề đan bàn ghế sợi nhựa xuất khẩu cho 300 lao động. “Khóa đào tạo nghề từ đề án KC đã giúp DN có đội ngũ lao động có tay nghề, tác phong công nghiệp nên cho năng suất cao. Đến nay DN đã mở rộng xưởng sản xuất, phát triển thêm nhiều vệ tinh sản xuất hàng xuất khẩu và nâng số lao động hiện tại lên 700 người, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 5 triệu USD/năm”, Giám đốc Công ty CP Phước Hiệp Thành Nguyễn Văn Phước chia sẻ.
Đến khuyến công địa phương
Cùng với sự hỗ trợ của nguồn vốn KC tỉnh, từ năm 2011 đến nay, UBND thị xã Hương Trà đã hỗ trợ vốn từ nguồn ngân sách địa phương cho công tác phát triển các làng nghề và cơ sở công nghiệp nông thôn. Trong đó, hỗ trợ trên 60 triệu đồng đào tạo nghề tăm tre, chổi đót và mộc cao cấp cho 75 lao động của HTX Niềm Tin (Hương Văn) và cơ sở mộc Phan Đình Khuyến (Hương Hồ); hỗ trợ kinh phí thành lập hội nghề bún Vân Cù cho làng nghề truyền thống bún Vân Cù (Hương Toàn) với kinh phí trên 10 triệu đồng. Năm 2013, hỗ trợ gần 10 triệu đồng cho DNTN Hoài Phát (Hương Xuân) đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến sản xuất mộc dân dụng, mỹ nghệ và 10 triệu đồng xây dựng website quảng bá sản phẩm mộc mỹ nghệ của cơ sở Hợp Thành (Hương Vinh).
Với mục đích thúc đẩy các cơ sở làng nghề trên địa bàn thị xã đầu tư trang bị máy móc hiện đại phục vụ sản xuất, năm 2015, phòng đã hỗ trợ trên 100 triệu đồng cho 2 cơ sở sản xuất mộc mỹ nghệ tại Hương Vinh, Hương Phong; cơ sở sản xuất kẹo mè Hoàng Phúc (Hương An) và cơ sở sản xuất củi trấu Hà Thị Diệu Hương (Hương Chữ). Từ nguồn vốn KC, các cơ sở mạnh dạn vay vốn đầu tư mua sắm máy móc, tạo ra nhiều sản phẩm mới phục vụ thị trường.
Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Hương Trà Nguyễn Ngọc Chính cho biết: “Nguồn kinh phí KC hỗ trợ cho các DN, cơ sở sản xuất không lớn nhưng đã góp phần khuyến khích các cơ sở đầu tư các máy móc, thiết bị tiên tiến phục vụ sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống của người lao động và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Theo Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại tỉnh, từ nguồn vốn KC quốc gia, trung tâm đã hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết cụm tiểu thủ công nghiệp Bình Điền với kinh phí 230 triệu đồng; mở khóa đào tạo nghề may xuất khẩu cho 120 lao động của Công ty CP Da giày Huế với kinh phí 108 triệu đồng và đào tạo nghề cho nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn. |
Hương - Minh