|
|
Làng nghề Mây tre đan Bao La chú trọng cải tiến mẫu mã sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao |
Thu hút 1/3 lực lượng lao động
Xác định phát triển CN, TTCN là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, huyện Quảng Điền đã có những định hướng cụ thể mang tính bền vững. Huyện chú trọng công tác quy hoạch, đẩy mạnh tiến độ giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất cho các nhà đầu tư triển khai dự án, bố trí nguồn ngân sách đầu tư hạ tầng, công trình trọng điểm tại các cụm công nghiệp (CCN), cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng phục vụ doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư, nhất là những ngành nghề có tiềm năng, tạo nhiều việc làm.
Quảng Điền chú trọng phát triển khu công nghiệp (KCN) và các CCN. Huyện đang tranh thủ nguồn lực của tỉnh để hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng ở KCN Quảng Vinh 34,6ha, hiện đã có 2 doanh nghiệp lớn là Công ty Scavi Huế và Tập đoàn Justin Allen Holding nghiên cứu đầu tư. Ngoài ra, CCN Bắc An Gia 16,5ha ở thị trấn Sịa bước đầu thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư và các CCN ở các xã như ở Quảng Thái 70ha, Quảng Lợi 34ha là những địa chỉ đáng tin cậy cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Ngoài ra, trên địa bàn có nhiều doanh nghiệp tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động như: Công ty CP Triệu Phú với 180 lao động, Công ty CP may mặc Quảng Thành với 76 lao động; Công ty TNHH sản xuất thương mại nội thất Hoàng Việt với 55 lao động... Các CCN được hình thành, đi vào hoạt động góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống cho Nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện ngày càng phát triển.
Cùng với đó, các ngành nghề, làng nghề trên địa bàn huyện tiếp tục được duy trì; một số ngành nghề, làng nghề có sự phát triển khá. Có thể kể đến hạt nhân của các làng nghề ở Quảng Điền là làng nghề mây tre đan Bao La với các dòng sản phẩm phục vụ nhu cầu trang trí, hàng thủ công mỹ nghệ với hơn 500 mẫu mã, giải quyết lao động khoảng 120 người, thu nhập bình quân 4,5 - 5 triệu đồng/tháng. Một số làng nghề được phát triển, cho thu nhập ổn định 4 - 5,5 triệu đồng/người/tháng như: làng bún Ô Sa ở Quảng Vinh, chế biến nước mắm ở Quảng Công, mộc mỹ nghệ Quảng An, trồng cây cảnh và rau sạch ở Quảng Thọ, Quảng Thành…
Có thể khẳng định, phát triển ngành nghề TTCN, LN được xác định là hướng đi phù hợp trong chuyển dịch cơ cấu lao động, đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới nâng cao ở huyện Quảng Điền. Qua 5 năm thực hiện, giá trị sản xuất ngành CN, TTCN và LN đến cuối năm 2022 ước đạt 200 tỷ đồng, tăng bình quân 7%/năm, chiếm 20,5% giá trị sản xuất ngành CN xây dựng. Tổng số lao động trong lĩnh vực đạt 17.662 người, chiếm 31,6% tổng số lao động toàn huyện.
Phát triển theo hướng hiện đại
Theo kế hoạch đến năm 2025, Quảng Điền phấn đấu có nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng tại KCN Quảng Vinh; thu hút 3-5 nhà đầu tư vào đầu tư tại KCN Quảng Vinh; tốc độ tăng trưởng ngành CN, TTCN tăng bình quân 8%/năm; hàng năm giải quyết số lượng lao động trong lĩnh vực trên 10%; hỗ trợ thiết kế, xây dựng nhãn hiệu, kiểm định chất lượng hàng hóa cho 5-10 sản phẩm TTCN để đăng ký quyền sở hữu CN và cấp văn bằng bảo hộ. |
Bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực CN, TTCN và LN trên địa bàn huyện Quảng Điền vẫn còn những hạn chế: hoạt động sản xuất công nghiệp quy mô còn nhỏ, sản phẩm còn đơn điệu, sức cạnh tranh sản phẩm chưa cao; một số ngành nghề truyền thống thiếu bền vững; các cơ sở sản xuất kinh doanh vẫn còn thiếu năng động trong tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm,… Đây là những bài toán cần có lời giải trong thời gian tới để ngành CN, TTCN, LN ở Quảng Điền tiếp tục là động lực phát triển của huyện.
Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền Nguyễn Ngọc Tiến cho biết, quan điểm của huyện là phát triển CN, TTCN và làng nghề là nhiệm vụ trọng tâm, nâng cao giá trị trong cơ cấu kinh tế, gắn với giải quyết việc làm cho người lao động. Thời gian tới, Quảng Điền huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để tập trung phát triển CN, TTCN và LN theo hướng hiện đại; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao gắn với phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới. Qua đó, tạo việc làm, tăng nguồn thu ngân sách, góp phần tạo chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.
Để tiếp tục phát triển CN, TTCN, LN, Quảng Điền đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi và tạo điều kiện thuận lợi cho các DN đến đầu tư tại các KCN, CCN. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp, LN tập trung nâng cao các giá trị sản phẩm truyền thống hiện có theo hướng ưu tiên sử dụng máy móc, công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại, đa dạng hóa về mẫu mã sản phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh. Gắn với phát triển du lịch và quảng bá thương hiệu các sản phẩm LN, LN truyền thống; chú trọng xây dựng sản phẩm OCOP chủ lực ở các địa phương.