Tại Báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam vừa công bố tháng 12/2018, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá: Xuất khẩu của Việt Nam đang trở nên tinh hơn.
Đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu
Phân tích cụ thể về đánh giá này, WB cho rằng: Việt Nam đạt kết quả tốt về xuất khẩu trên cơ sở đa dạng hóa giỏ các mặt hàng xuất khẩu một cách ngoạn mục trong 8 năm qua. Trong đó, các mặt hàng chế tạo, chế biến xuất khẩu đến nay đóng góp khoảng 85% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng so với 65% năm 2010 nhờ tăng trưởng năng động ở khu vực doanh nghiệp nước ngoài theo định hướng xuất khẩu.
WB đánh giá xuất khẩu của Việt Nam đang trở nên tinh hơn.
Tỷ trọng các mặt hàng chế tạo, chế biến xuất khẩu giá trị cao như điện thoại, máy tính, máy ảnh, hàng điện tử và linh kiện tăng từ 5% trong năm 2010 lên đến khoảng 35% trong năm 2018.
Tương ứng, tỷ trọng thương phẩm thô giảm mạnh, trong đó tỷ trọng xuất khẩu dầu thô giảm từ gần 7% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2010 xuống còn khoảng 1,3% vào tháng 10 năm 2018.
Tuy vậy, WB cũng đánh giá Việt Nam vẫn là quốc gia có chuỗi cung ứng chưa phát triển, còn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu thô nhập khẩu, thiếu các ngành công nghiệp phụ trợ. "Đó là các vấn đề cần giải quyết nhằm nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng và duy trì bền vững năng lực cạnh tranh xuất khẩu khi mức lương chắc chắn sẽ tăng lên"- WB khuyến nghị.
Thị trường xuất khẩu đa dạng
WB cũng ghi nhận Việt Nam thành công trong việc duy trì được thị trường xuất khẩu đa dạng. Trong số các đối tác thương mại, Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất, đóng góp đến 19,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tiếp theo là Liên minh Châu Âu (EU), Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Giao thương giữa Việt Nam và Mỹ cơ bản vẫn chưa bị ảnh hưởng bởi những chính sách thương mại gần đây. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng 14% từ tháng 1 đến tháng 10 năm 2018 so cùng kỳ năm trước, còn nhập khẩu từ Mỹ và Việt Nam tăng 40,4%, đứng đầu là các mặt hàng nông phẩm như đậu tương, lúa mỳ, bông, thức ăn chăn nuôi, cũng như máy tính, máy móc và thiết bị... chiếm 5,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Đặc biệt, theo WB, nhờ có thị trường xuất khẩu đa dạng đã giúp Việt Nam duy trì được những thành tích về xuất khẩu đồng thời giảm thiểu được rủi ro kinh tế do những biến động kinh tế bên ngoài. Việt Nam cũng đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có hai hiệp định thương mại lớn dự kiến sẽ có hiệu lực trong thời gian tới là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU EVFTA).
"Những hiệp định mới nêu trên sẽ tạo cơ hội để Việt Nam nâng cao khả năng tiếp cận các thị trường xuất khẩu và có thêm các nguồn đầu tư nước ngoài mới"- WB dự báo.
Cần cắt giảm chi phí thương mại
Để phát huy được lợi thế, tận dụng cơ hội mới đem lại từ hội nhập để thúc đẩy xuất khẩu hiệu quả, WB khuyến nghị Việt Nam cần cắt giảm chi phí thương mại là yếu tố then chốt thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Cách tốt nhất để giảm chi phí thương mại, theo WB, là giảm hàng rào phi thuế quan và chi phí logistics.
Hơn nữa, các biện pháp phi thuế quan nếu được thiết kế hoặc thực hiện không phù hợp có thể hạn chế thương mại, làm méo mó giá cả, và làm giảm năng lực cạnh tranh quốc gia. Bởi WB đánh giá ở Việt Nam chi phí thương mại cao chủ yếu là do chi phí tuân thủ các biện pháp phi thuế quan cao.
Đơn cử, báo cáo môi trường kinh doanh 2018 của WB cho thấy, thời gian tuân thủ về chứng từ đối với các biện pháp phi thuế quan để nhập khẩu ở Việt Nam (76 giờ) cao hơn hai lần rưỡi so với mức bình quân của 4 quốc gia thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN-4), bao gồm Malaysia, Singapore, Thái Lan và Philippines (28 giờ). Tương tự, thời gian tuân thủ về chứng từ đối với các biện pháp phi thuế quan để xuất khẩu ở Việt Nam (50 giờ) cao gấp đôi với mức bình quan ASEAN-4 (24 giờ).
Theo VOV