Nước sau quá trình lắng loại bỏ trên 70% lượng sắt, mangan
Từ hàm lượng sắt, mangan cao
Tham gia đoàn khảo sát cấp nước sạch các xã vùng khu ba huyện Phú Lộc, tại các thôn chưa được tiếp cận nguồn nước sạch, người dân vẫn phải sử dụng nước giếng đào, giếng bơm trong sinh hoạt. Theo quan sát, nước được lấy từ hệ thống nước giếng đào đa phần đều có váng cặn. Những hộ sử dụng nước giếng bơm, nước giếng đào đều có chung đặc điểm thiết bị chứa nước chuyển sang màu vàng mặc dù thường xuyên vệ sinh. Một số hệ thống giếng còn có mùi rất khó chịu.
Kết quả kiểm tra chất lượng nước nguồn cho thấy, chất lượng nguồn nước trên các con sông như: sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu và sông Truồi suy giảm. Hàm lượng sắt, mangan trong nước nguồn tăng cao. Quá trình xử lý thông thường không loại bỏ hoàn toàn hàm lượng sắt, mangan dẫn đến hiện tượng bám cặn trong bể chứa, đường ống dẫn nước và đồng hồ nước, gây đục nước cấp ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân và tăng chi phí thông rửa đường ống, chi phí vệ sinh kiểm định đồng hồ nước cho khách hàng.
Theo cán bộ HueWACO, nước có hàm lượng sắt cao hơn 0,5 mg/l thường có mùi tanh, chứa nhiều cặn bẩn màu vàng, nước thường đục, ảnh hưởng xấu đến chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt, sản xuất. Sắt và mangan trong nước còn gây bám cặn trong các bể chứa và đường ống cấp nước. Cặn tích tụ lâu ngày trong đường ống làm cho tiết diện của đường ống ngày càng bị thu hẹp làm giảm năng lực truyền tải của mạng lưới cấp nước, tăng khả năng nhiễm bẩn vi khuẩn và ăn mòn đường ống dẫn nước, giảm tuổi thọ đường ống cấp nước. Chính những điều này ảnh hưởng đến độ chính xác của đồng hồ nước, tăng chi phí vệ sinh thông rửa đường ống hàng năm, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng.
Nước giếng khoan, giếng đào bị nhiễm nguồn sắt, mangan cao
Ông Mai Xuân Tấn, Phòng Quản lý chất lượng nước, HueWACO thông tin, từ năm 2007, HueWACO đã tiếp cận kế hoạch CNAT của WHO, năm 2008 công bố CNAT tại TP. Huế và vùng phụ cận, năm 2009 công bố CNAT trên toàn tỉnh. Trước áp lực duy trì bền vững CNAT và tiến đến CNAT và ngon, HueWACO đã nghiên cứu ứng dụng đồng bộ nhiều biện pháp sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và quản lý trên nhiều lĩnh vực để nâng cao chất lượng nước. Trong đó phải kể đến việc quy hoạch hệ thống cấp nước bền vững, xây dựng mới các nhà máy nước lên thượng nguồn (Nhà máy Vạn Niên, Hương Vân, Lộc Bổn, Phong Thu, Lộc An, Lộc Trì). Đồng thời, ứng dụng hệ thống SCADA, hệ thống châm hóa chất tự động nhằm nâng cao hiệu quả công tác vận hành xử lý nước và chất lượng nước, giảm chi phí bảo trì, nhân công; cải tạo công nghệ các nhà máy cũ để nâng công suất và chất lượng nước với chi phí thấp…
Giảm dưới ngưỡng cho phép
Để hạn chế sắt, mangan, HueWACO đã áp dụng nhiều giải pháp xử lý như: xử lý Clo đầu nguồn, sử dụng KMnO4, cát lọc mangan được ứng dụng; tuy nhiên do điều kiện xử lý chưa phù hợp nên hiệu quả loại bỏ sắt và mangan vẫn chưa cao và vẫn xảy ra hiện tượng bám cặn trên đường ống.
Theo ông Mai Xuân Tấn, sắt và mangan trong nguồn nước tồn tại hai dạng (hòa tan và không hòa tan). Quá trình xử lý nước, các dạng không hòa tan sẽ được keo tụ lắng lại ở bể lắng và một phần sẽ được giữ lại trên bể lọc. Sắt và mangan ở dạng hòa tan (Fe2+, Mn2+) sẽ được oxy hóa thành Fe3+ và Mn4+ ở dạng không hòa tan bằng các loại hóa chất có tính oxy hóa mạnh như Clo, KMnO4, Ozon… để giữ lại trước bể lọc đảm bảo nước sau bể lọc không còn sắt và mangan.
Nước sau tiền xử lý được đưa qua thiết bị trộn hóa chất, tại đây hóa chất keo tụ PAC (Poly Aluminium Chlorit) được châm vào để kết tủa các thành phần cặn lơ lững trong nguồn nước và lắng lại ở bể lắng, một phần sắt và mangan cũng được giữ lại ở đây. Nước sau quá trình lắng đã được loại bỏ khoảng 90% độ đục, sắt và mangan được loại bỏ trên 70%, các hợp chất hữu cơ được xử lý từ 40 – 50%. Trước khi vào bể lọc, nước sau lắng được xử lý tiếp Clo giai đoạn 2 với định mức 1 g/m3 để nước sau lọc có hàm lượng Clo dư trong khoảng 0,4 mg/l, đây là giai đoạn quyết định hiệu quả loại bỏ sắt và mangan.
Ông Trương Công Nam, Chủ tịch HĐQT HueWACO chia sẻ, nghiên cứu loại bỏ sắt và mangan trong nước sạch giúp nâng cao hiệu quả xử lý nước, hạ độ đục nước sau xử lý xuống dưới 0,02 NTU nhỏ hơn 100 lần so với tiêu chuẩn cho phép của Bộ Y tế. Sắt và mangan duy trì dưới ngưỡng 0,001 mg/l (thấp hơn 300 lần so với tiêu chuẩn của Bộ Y tế), đưa chất lượng nước ngang bằng với các nước phát triển. Do nước sau xử lý công đoạn lọc đã loại bỏ gần như 100% hàm lượng Fe và Mn nên không xảy ra hiện tượng đóng cặn trên đường ống gây ra đục nước và đóng cặn trên đồng hồ nước gây ra sai số và ảnh hưởng chất lượng của đồng hồ nước.
Trước đây, định kỳ hàng năm HueWACO tiến hành vệ sinh thông rửa đường ống một lần và đối với đồng hồ nước thì tần suất súc rửa cặn bám là 2 năm lần và 5 năm thay mới. Tuy nhiên, hiện nay công tác vệ sinh đường ống nước trên mạng lưới không còn và công tác thay đồng hồ nước tăng lên 10 năm/lần. Với việc ứng dụng giải pháp trên, mỗi năm HueWACO tiết kiệm trên 13 tỷ đồng, đảm bảo CNAT và ngon trên toàn hệ thống.
Bài, ảnh: Hoàng Loan