ClockThứ Ba, 22/06/2021 06:30

Đảm bảo cấp nước “mùa cao điểm”

TTH - Ông Trương Công Hân, Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế (HueWACO) thông tin: Với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp từ đầu nguồn đến mạng cấp, HueWACO nỗ lực duy trì cấp nước an toàn, liên tục, áp lực ổn định với chất lượng cao cho khách hàng trong mùa cao điểm nắng nóng...

HueWACO đạt Giải Vàng- Giải thưởng chất lượng quốc gia năm 2020

Thi công các tuyến ống, tăng áp đảm bảo cấp nước mùa nắng

Quá tải

Tại một số nguồn khai thác như Khe Mệ - Nhà máy (NM) Chân Mây; Khe Su của NM Lộc Trì (huyện Phú Lộc), suối Tà Rê của NM A Lưới (huyện A Lưới), lưu lượng nguồn nước thô về giảm từ 60-100m3/h (tương đương 30-60% công suất nhà máy). Riêng suối Thượng Ngàn của NM Bình Điền đã khô cạn ngay từ đầu tháng 5 (sớm hơn 1 tháng so với các năm trước) và NM này chỉ hoạt động 15% công suất, gây nguy cơ thiếu nước.

Nắng nóng kéo dài còn gây nguy cơ xâm nhập mặn trên các sông. Ví như nguồn nước trên sông Truồi tại NM Lộc An. Từ năm 2014 đến nay, con sông này thường xuyên nhiễm mặn trong vòng 3- 4 tháng (khoảng tháng 8 đến tháng 11) với độ mặn cao gấp 3 lần tiêu chuẩn nước nước sạch của Bộ Y tế. Nguồn nước sông Ô Lâu tại NM Điền Môn cũng bị nhiễm mặn, ảnh hưởng rất lớn đến việc cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Nước nguồn khan hiếm trong khi nhu cầu sử dụng nước sạch ngày một tăng, tạo nên áp lực rất lớn trong công tác quản lý, vận hành hệ thống cấp nước. Theo số liệu thống kê của HueWACO, giai đoạn 2013 - 2019, sản lượng nước chỉ tăng 3 đến 4,5%/năm, nhưng nhiều thời điểm tại mùa khô này, sản lượng nước tăng đột biến gần 11,6%. Ngày cao điểm nhất lên đến 209.558m3/ngđ, vượt 69,55% so với công suất bền vững và vượt 4,78% so với công suất thiết kế tạm thời, ảnh hưởng rất lớn đến việc đảm bảo cấp nước an toàn, an ninh nước.

Tìm nguồn bổ sung

Ông Trương Công Hân chia sẻ, HueWACO đang tập trung khảo sát tìm kiếm và khai thác các nguồn nước để tạo nguồn, tạo áp bổ sung cho các vùng cấp nước. Tại huyện Phú Lộc, HueWACO đang khảo sát xây dựng NM 2.000m3/ngđ lấy nguồn nước từ Khe Lớn, Hói Dừa cấp bổ sung cho khu vực thị trấn Lăng Cô; nghiên cứu lấy nước từ hồ Thủy Yên đảm bảo cấp nước cho vùng kinh tế trọng điểm Chân Mây- Lăng Cô; thi công nâng đập thu nước La Hy cấp nước bổ sung cho xã Xuân Lộc và một phần mạng Phú Sơn.

Ở Phong Điền cũng triển khai thi công NM xử lý nước cơ động 1.000m3/ngđ lấy nguồn từ Khe Me để cấp nước cho các xã Phong Sơn, Phong Xuân, Phong Mỹ, nhằm giảm tải cho NM Phong Thu. Ở  huyện A Lưới, HueWACO đang thi công đập thu nước, NM xử lý nước cơ động lấy nguồn từ thác Anor bổ sung cho NM Tà Rê- A Lưới.

Tại TP. Huế, theo quy hoạch, NM Dã Viên sẽ bàn giao lại cho tỉnh khi NM Vạn Niên 3 (giai đoạn 1 công suất 60.000m3/ngđ) đi vào hoạt động. HueWACO đang tạm ngưng hoạt động NM này do nằm ở hạ lưu sông Hương, chất lượng nước suy giảm. Thế nhưng, để đáp ứng nhu cầu dùng nước tăng cao của TP. Huế và vùng phụ cận, HueWACO phải vận hành ngày cao điểm lên gần 11.000m3/ngđ. Ngoài ra, NM Quảng Tế 2 (82.500m3/ngđ) đã vận hành vượt công suất 13%, NM Quảng Tế 1 hoạt động gần 115 năm đã vận hành vượt công suất tạm thời 62,5%.

Các NM khác mới nâng công suất thiết kế lên gấp đôi trong năm 2020 như NM Tà Rê nâng công suất từ 2.000 lên 4.000 m3/ngđ cấp nước cho thị trấn A Lưới, ngày cao điểm đã khai thác gần hết công suất 3.600m3/ngđ, NM Phong Thu hoàn thành cải tạo bể lắng thông minh, lắp 2 bể DAF, nâng công suất từ 8.000 lên 20.500 m3/ngđ, ngày cao điểm đã vận hành 17.790m3/ngđ.

HueWACO đang khẩn trương cải tạo bể lắng thông minh NM Lộc An, nâng công suất từ 8.000 lên 16.000 m3/ngđ, đảm bảo nhu cầu sử dụng nước tăng cao của người dân. Một số NM khác đã ngừng hoạt động như NM Phú Bài, Hòa Bình Chương, Hương Phong chuyển sang trạm trung chuyển điều áp, nhưng vào thời điểm nắng nóng, HueWACO cũng phải hoạt động tăng cường để đảm bảo cấp nước liên tục và đủ áp lực.

HueWACO đã triển khai thi công hàng chục tuyến tăng áp và lắp đặt bổ sung các trạm tăng áp nhằm đảm bảo áp lực cấp nước, nhất là trong mùa cao điểm nắng nóng như hiện nay. Để đảm bảo chất lượng nước đầu ra, HueWACO phải tăng định mức hóa chất để xử lý màu, mùi và ô nhiễm hữu cơ.

An ninh nước sẽ được đảm bảo

Hiện nay, HueWACO đang khẩn trương xây dựng NM nước Vạn Niên 3 120.000m3/ngđ (GĐ 1: 60.000m3/ngđ) ứng dụng bể lắng thông minh kết hợp bể lọc uBCF xử lý cả chất vô cơ và hữu cơ, mùi của rong tảo. NM dự kiến đưa vào vận hành cuối năm 2021, theo đó sẽ bàn giao NM Dã Viên cho tỉnh và giảm công suất cho NM Quảng Tế 1 đã hoạt động gần 115 năm.

HueWACO đang thi công tuyến ống truyền tải chiến lược DN400 gang băng hầm đèo Phước Tượng dài 1,7km  lấy nước từ NM Chân Mây cấp nước cho các xã Lộc Trì, Lộc Bình giúp nghỉ vận hành 4 NM nhỏ công nghệ lạc hậu và thiếu nguồn vào mùa hè tại xã Lộc Bình, là Tân Bình, Hải Bình, Mai Gia Phường, Vinh Hiền.

HueWACO cũng đưa vào hoạt động  tuyến ống truyền tải D800, D600 dọc đường Đào Tấn mở rộng - Đặng Huy Trứ vào tuyến ống truyền tải chính D1.000 đường Điện Biên Phủ vào cuối tháng 5. Đây là tuyến ống truyền tải chiến lược quan trọng nhằm bổ sung áp lực cho khu vực phía đông TP. Huế, chủ yếu là khu vực TX. Hương Thủy, KCN Phú Bài và một số khu vực thuộc huyện Phú Vang. Ngoài ra, HueWACO đã thi công hoàn thành tuyến nước thô D500, 400 gang dài 200m lấy nước từ kênh thủy lợi hồ Truồi nhằm dự phòng bổ sung nguồn cho M Lộc An, hạn chế tác động do tình trạng nhiễm mặn của nguồn nước trên sông Truồi...

Bài, ảnh: Hoàng Loan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI:
Đảm bảo thông suốt, ổn định

Triển khai thực hiện Nghị quyết (NQ) của Quốc hội về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và NQ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã của thành phố Huế giai đoạn 2023 – 2025 là vấn đề quan trọng, cấp bách, bởi từ ngày 1/1/2025, các NQ này sẽ có hiệu lực.

Đảm bảo thông suốt, ổn định
Đảm bảo an toàn khi đi rừng mùa mưa bão

Việc người dân ở các xã miền núi có thói quen vào rừng lấy mật ong, măng rừng, chăm sóc gia súc...giữa mùa mưa tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Đã có một số trường hợp bị mắc kẹt trong rừng, may mắn được lực lượng chức năng ứng cứu.

Đảm bảo an toàn khi đi rừng mùa mưa bão
Return to top